Bộ Chính trị – kẻ thù lớn của Tô Chủ tịch?

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vẫn còn diễn ra, nhưng tới thời điểm này, xem như đã kết thúc hiệp một giữa Tô Lâm và Bộ Chính trị. Hiện tại, xem như, Bộ Chính trị bị Bộ Công an dẫn 1-0. Từ nay đến Hội nghị Trung ương 10 vào khoảng tháng 10/2024, chiến trường ở thượng tầng hứa hẹn còn nhiều kịch tính.

Song song với kỳ họp Quốc hội này, là những lần họp kín của Bộ Chính trị, để quyết định vấn đề nhân sự. Đưa việc bầu chọn Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, là kết quả của một cuộc họp kín trong Bộ Chính trị. Điều đáng nói là, lần họp kín này, cả Bộ Chính trị lại đồng ý cho một Ủy viên Trung ương Đảng chưa trọn nhiệm kỳ, vào nắm ghế dành cho Ủy viên Bộ Chính trị. Việc Bộ Chính trị gật theo kết quả do Bộ Công an đưa ra, cho thấy, Tô Lâm đang có đủ công cụ để gây áp lực lên Bộ Chính trị.

Tô Lâm đã tính toán rất kỹ, ép Bộ Chính trị phải chấp nhận Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an trước, thì sau đó, việc Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị chỉ là vấn đề thời gian. Thường những Ủy viên Trung ương Đảng được phân công nắm ghế dành cho Ủy viên Bộ Chính trị, xem như chắc xuất Bộ Chính trị.

Có thể kể ra như trường hợp ông Nguyễn Văn Nên, được phân công nắm chức Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng 10/2020, khi còn là Ủy viên Trung ương Đảng. Hay như trường hợp ông Nguyễn Trọng Nghĩa, được phân công nắm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Nghĩa mất đến hơn 3 năm mới vào được Bộ Chính trị.

Cũng có một số trường hợp được phân công thay thế Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng đến nay vẫn chưa vào được Bộ Chính trị, ví dụ như ông Trần Lưu Quang. Ông Quang thay thế vai trò của ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực. Tuy nhiên, dù ông Quang nắm ghế của ông Trần Bình Minh đã hơn 1 năm, mà vẫn chưa vào được Bộ Chính Trị. Nguyên nhân được cho là, do các bên tranh giành nhau nhưng chẳng bên nào thắng, nên xuất Ủy viên Bộ Chính trị cho 1 Phó Thủ tướng bị treo đến nay, và không biết sẽ còn tiếp tục treo đến bao giờ.

Nay ông Lương Tam Quang đã là Bộ trưởng Bộ Công an, một vị trí dành cho Ủy viên Bộ Chính Trị, nhưng liệu ông Quang có vào được Bộ Chính trị ở kỳ Hội nghị Trung ương gần nhất, hay suất Ủy viên Bộ Chính trị của ông lại bị treo, như trường hợp của ông Trần Lưu Quang? Đấy là một câu hỏi khó trả lời, bởi nó phụ thuộc kết quả đấu đá trong thời gian sắp tới.

Trong Bộ Chính trị, có 16 người thì hết 15 người không ưa Tô Lâm. Đây là mối nguy tiềm ẩn cho Tô Lâm. Dù Bộ Chính trị đã lùi bước trước yêu sách của ông, nhưng khi có khả năng, họ vẫn chống lại ông. Đấy cũng có thể là lý do, sẽ khiến cho việc kết nạp vào Bộ Chính trị của Lương Tam Quang hứa hẹn không suôn sẻ.

Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, có đến 4 tân uỷ viên Bộ Chính trị, mà trong đó không có tên Lương Tam Quang. Điều đó cho thấy, cả Bộ Chính trị đã từ chối ông Quang một lần, vậy nên, nếu ở lần tiếp theo, họ lại từ chối một lần nữa, thì không có gì khó hiểu. Để đưa được Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, Tô Lâm chỉ có thể “đe dọa” các thành viên Bộ Chính trị mà thôi. Nhưng liệu Tô Lâm có thể đe dọa được một lần nữa hay không, thì chỉ có thời gian mới trả lời.

Nếu Lương Tam Quang bị chặn trước cổng vào Bộ Chính trị, thì khi đó, sức mạnh của Tô Lâm không thể phát huy được tối đa. Mà khi sức mạnh của Tô Lâm bị hạn chế, điều đó có nghĩa, cả Bộ Chính trị sẽ an toàn hơn. Mà ai cũng muốn an toàn, không ai muốn phải sống trong lo sợ, nên đấy là lý do để cả Bộ Chính trị tìm cách hạn chế sức mạnh của Tô Lâm, nếu có thể.

Về phần Lương Tam Quang, nếu không vào được Bộ Chính trị, thì ông chỉ có thể nắm Bộ Công an khoảng 19 tháng nữa, rồi phải trao cho người khác, vì quá tuổi.

Như vậy, còn tối đa 19 tháng, để Bộ Chính trị và Tô Lâm tính toán những đòn hiểm nhắm vào nhau, để cản hoặc đẩy Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị.

 

Trần Chương – Thoibao.de