Bộ Công an – ổ tiêu cực vẫn đang thách thức Bộ Chính trị!

Chưa bao giờ Bộ Chính trị lại rơi vào thế hạ phong, bị ép buộc như lần ra quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an vừa qua.

Tổ chức siêu quyền lực của Đảng, nay bị Bộ Công an của Tô Lâm tung cho một cái tát trời giáng. Nếu Bộ Chính trị không đưa được Bộ Công an vào khuôn khổ, thì việc Bộ Công an “đè đầu cưỡi cổ” Bộ Chính trị, không còn là viễn cảnh xa xôi, mà sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Người chủ trương cho Bộ Công an bất tuân quy trình do Bộ Chính trị đề ra, không ai khác chính là Tô Lâm. Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trừ ông Hồ Chí Minh, thì chưa có một Chủ tịch nước nào khác lại có quyền lực đối với Bộ Công an như Tô Lâm.  Sự bất tuân của Tô Lâm đã rất rõ, cho nên, những văn bản được ban hành để đưa Tô Lâm và Bộ Công an vào khuôn khổ, là liều thuốc không đủ đô cho một Tô Lâm đang lộng quyền.

Bộ Công an đã buộc được Bộ Chính trị phải ngoan ngoãn nghe lời, là cách hành xử không tuân theo luật lệ, được quy định bằng văn bản của Đảng. Thứ công cụ mà Bộ Công an đã sử dụng thành công, là những kết quả điều tra đã đóng thành hồ sơ, về những hoạt động trong bóng tối của đa số các uỷ viên Bộ Chính trị. Công cụ này đã khiến cho quy trình của Bộ Chính trị trở nên vô dụng, biến các uỷ viên Bộ Chính trị thành những con rối để Bộ Công an điều khiển.

Nếu muốn giành lại quyền uy vốn có, Bộ Chính trị cũng cần phải có những công cụ tương tự. Đấy là phải nắm trong tay một “công cụ chế tài” nào đó, thì mới có thể đưa Tô Lâm vào khuôn khổ, mới buộc được Bộ Công an trở lại với vai trò của mình. Không thể chỉ dựa vào văn bản, vào nghị quyết mà có thể trị được Tô Lâm và Lương Tam Quang.

Nếu nói, Bộ Chính trị là một ổ tiêu cực, thì Bộ Công an cũng chỉ có tiêu cực hơn chứ không kém. Vấn đề là, Bộ Chính trị khai thác những điểm yếu ấy của Bộ Công an như thế nào mà thôi. Thực chất, để kiểm soát được Bộ Công an, thì chỉ cần nắm thóp được ông Tô Lâm và ông Lương Tam Quang là đủ, không cần thiết phải điều tra toàn bộ các tướng tá trong Bộ Công an. Còn muốn chắc chắn hơn, thì khai thác thêm những tiêu cực của ông Nguyễn Duy Ngọc, sẽ đủ để hạ bệ nhóm Hưng Yên.

Bao lâu nay, ông Nguyễn Phú Trọng nhóm “lò” đốt “củi” tham nhũng, không chỉ dựa vào Bộ Công an. Ông còn dựa vào Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, để điều tra thành phần có chức có quyền trong nội bộ Đảng. Vậy thì, tại sao, đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng cùng với những thành viên khác trong Ban Bí thư lại không dựa vào 3 cơ quan trên, để xới lại những sai phạm của Tô Lâm và các thuộc hạ trong quá khứ?

Dưới thời Tổng Trọng, ông cũng từng “hồi tố” những sai phạm trong quá khứ của các quan chức, thì tại sao, ông lại không hồi tố những sai phạm trong quá khứ của Tô Lâm? Vụ án Mobifone mua AVG có đủ bằng chứng cho thấy, Tô Lâm có nhúng tay, vì sao không xới lại? Hay mới đây, việc liên tục thay đổi các mẫu căn cước công dân, mẫu hộ chiếu v.v… là những tiêu cực rất rõ ràng, nếu Bộ Chính trị buộc tội “người đứng đầu”, thì làm sao Tô Lâm thoát được?

Việc Bộ Công an có rất nhiều tiêu cực, nhưng Bộ Chính trị không tận dụng được để đánh trả lại phe Tô Lâm, điều đó phần nào nói lên sự vô dụng của 3 cơ quan lớn trong Ban Bí thư. Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có vẻ đã trở nên vô dụng, khi Bộ Công an bất hợp tác.

Quả thật, nếu các cơ quan của Đảng trở nên vô dụng, khi Bộ Công an không cung cấp hồ sơ điều tra, thì rất khó để Bộ Chính trị kiểm soát được Tô Lâm. Và rất có thể, lâu nay, những cơ quan này cũng chẳng tự làm được gì, mà chỉ phụ thuộc vào kết quả từ Bộ Công an đưa lên, nên giờ đây mới trở nên bị động như thế trước phe Tô Lâm.

 

Trần Chương – Thoibao.de