Lực lượng dân phòng trước đây không thuộc biên chế của ngành Công an. Tuy nhiên, từ ngày 1/7, Bộ Công an chính thức có thêm hơn 300 ngàn người, bằng cách sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật này đã được Tô Lâm cho Bộ Công an biên soạn, và được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023. Lúc đó, với lý do là bảo vệ an ninh cho chế độ từ cơ sở, Tô Lâm đã nhận được sự ủng hộ của Tổng Trọng, và tất nhiên, đại biểu Quốc hội cũng phải gật đầu theo.
Giờ đây, Tô Lâm sắp trở thành Tổng Bí thư, khi mà sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng ngày một yếu đi, thì cái gật đầu trước kia của Quốc hội đã giúp cho Lương Tam Quang có thêm 300 ngàn người.
Trước mắt, Bộ Công an sẽ có lý do để đòi Trung ương Đảng phải tăng thêm ngân sách cho Bộ. Đây là một khoản tiền béo bở để các quan chức ngành công an kiếm chác. Trước đây, lực lượng này được trả đồng lương bèo bọt bằng ngân sách địa phương.
Với lực lượng tăng lên, Bộ Công an sẽ huấn luyện cho thành phần này chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu gồm những kẻ tội phạm ẩn nấp, những kẻ thất nghiệp, những kẻ vô công rỗi nghề, thất học v.v… quy tụ về. Khi quyền hành của thành phần này càng lớn, thì càng nguy hiểm cho xã hội. Lực lượng này sẽ giúp Tô Lâm đe dọa dân hiệu quả hơn.
Khi lực lượng cơ sở tăng lên, thì lực lượng chính quy sẽ có điều kiện dồn sức vào công việc giám sát, điều tra các “đồng chí”, từ cơ sở đến Trung ương. Khi sân chơi cấp cơ sở đã có người khác lo, sân chơi thượng tầng sẽ trở nên đông đúc hơn. Khi đó, các quan chức từ địa phương đến Trung ương đâu đâu cũng bị tai mắt của Tô Lâm theo dõi. Họ sẽ giúp Tô Lâm nắm thóp được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Ở thượng tầng, Tô Lâm đang cho công phá vào các nhóm lợi ích lớn, để triệt mầm loạn về sau. Chính Tô Lâm là người cầm đầu nhóm Hưng Yên làm phản, nên ông hiểu hơn ai hết về những mầm loạn sẽ nguy hiểm như thế nào, nếu ông không dọn sạch khi thế và lực đang lên như lúc này.
Trước đây, Đảng thực hiện chính sách công an trị với toàn dân, thì nay, Tô Lâm không những áp dụng chính sách này với toàn dân, mà còn với toàn Đảng.
Toàn Đảng là một kho tàng tham nhũng khổng lồ, Bộ Công an cần nhân lực rất nhiều để điều tra, lập hồ sơ, để Tô Lâm dùng cho mưu đồ chính trị của nhóm. Cho nên, một khi Tô Lâm làm Tổng Bí thư, thì chẳng quan chức nào thoát khỏi bàn tay nhám nhúa của ông ta.
Bộ Công an đang phình to và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bởi Bộ Công an càng đông, thì Tô Lâm càng mạnh. Khi lên được chức Tổng Bí thư và nắm thóp được Bộ Chính trị, thì Tô Lâm có đủ khả năng để gia cố thêm cho Bộ Công an.
Về hình thức, mọi chính sách gia cố Bộ Công an phải được Bộ Chính trị bàn bạc và quyết định. Tuy nhiên, hồi tháng 5, Tô Lâm từng dùng Bộ Công an để ép buộc Bộ Chính trị gật đầu, thì khi Tô Lâm đã lên chức Tổng Bí thư, ông dùng Bộ Công an để ép Bộ Chính trị gật đầu thêm nhiều lần nữa, là hoàn toàn trong tầm tay.
Hầu hết, các quan chức đều bảo vệ chế độ là để bảo vệ chén cơm của họ. Trước đây, khi mà thượng tầng chính trị ít phe phái, thì các quan chức có nơi trú ẩn an toàn, giờ đây, các phe phái nổi lên như nấm sau mưa, thì bất kỳ ai cũng không có được nơi trú ẩn an toàn nữa. Nếu có an toàn, thì cũng chỉ là an toàn tạm thời. Ví như trước đây, ai thuộc phe Tổng thì an toàn, nhưng giờ đây, ai còn trung thành với ông Tổng thì phải cẩn thận Tô Lâm. Tô Lâm đang củng cố vòi bạch tuộc khổng lồ để kiểm soát toàn bộ.
Thoibao.de