Đã từ lâu, dư luận xã hội Việt Nam đặt câu hỏi, vì sao, có rất nhiều quan chức và doanh nhân, khi bị khởi tố, bắt giam, trong các vụ án tham nhũng lớn, đang khỏe mạnh bỗng nhiên trở thành “tâm thần”. Đây là một vấn nạn đã xảy ra từ hàng chục năm nay.
Báo Tiền Phong ngày 28/6 đưa tin: “Bộ trưởng Công an: Mở rộng điều tra vụ tạo dựng kết quả giám định tâm thần”. Bản tin cho biết, ngày 28/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có Thư khen Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C02). Theo đó, C02 được khen vì có thành tích đấu tranh, triệt phá chuyên án, bắt giữ các đối tượng có hành vi “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ”, để tạo dựng hồ sơ bệnh án tâm thần, kết luận giám định tâm thần sai thực tế, cho đối tượng phạm tội, bị kết án phạt tù, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Qua tìm hiểu, được biết, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa đã có một số bê bối trong việc giám định và chứng nhận kết quả tâm thần, cho một số cá nhân liên quan đến các vụ “đại án”, để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Điển hình như vụ cựu Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia Trần Thị Mỹ Hiền, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 816 tỷ đồng, trong một vụ án. Nhưng bất ngờ, bà Hiền lại có “Giấy Chứng nhận kết quả giám định tâm thần”, của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa. Kết luận cho rằng, bà Hiền đã “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Sau đó, bà Hiền đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Tương tự, báo Tuổi Trẻ dẫn trường hợp bà Tống Thị Bạch Lan, vào năm 2020, đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình, về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Viện này chứng nhận, cho bà Lan:
“Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Nhờ đó, bà Lan được cho đi chữa trị bệnh “bắt buộc” và đã bỏ trốn.
C02 cho biết, tính đến chiều ngày Chủ nhật 16/6, đã có 13 người của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hoà bị bắt, và bị triệu tập, bao gồm 11 viên chức và 2 cán bộ đã nghỉ hưu. Trong số những người thuộc Viện này bị bắt giữ, có ông Lê Văn Hùng – Viện trưởng; Bác sĩ Nguyễn Thành Công – Phó Viện trưởng; ông Bùi Thế Hùng – cựu Viện trưởng; Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng – Trưởng khoa Điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất và nhiều bác sĩ, điều dưỡng khác.
Được biết, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập năm 2015. Chức năng của Viện là giám định pháp y tâm thần, quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần, theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, của các cơ quan tố tụng.
Đã từ lâu, dư luận đã có thông tin về những nghi vấn, liên quan đến một số người khỏe mạnh không mắc bệnh tâm thần, nhưng khi có liên quan đến các vụ án, thì lại được Viện này chứng nhận bị bệnh, để tránh bị pháp luật xử lý hình sự.
Lâu nay, sự cấu kết giữa các lãnh đạo trong ngành tư pháp với các lãnh đạo, các bác sĩ, nhân viên y tế, lợi dụng Điều 447 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Theo giới quan sát, với những quy định như vậy, việc lách luật, “chạy án” bằng giám định tâm thần, để trốn tránh trách nhiệm hình sự, diễn ra phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam. Vì thế, có nhiều những đối tượng phạm trọng tội, lại lợi dụng những kẽ hở để thoát tội, bằng việc bỏ tiền ra mua kết quả giám định tâm thần. Đồng thời, cũng có nhiều bác sĩ liên quan đến lĩnh vực này bị kết án, về tội nhận hối lộ trong việc làm giả các Kết luận giám định pháp y về bệnh tật.
Theo báo Tuổi Trẻ năm 2016, cựu Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao Đinh Văn Quế, trong một Hội nghị của ngành Tòa án đã chất vấn: “Tại sao các quan chức, doanh nhân tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”.
Công luận cho rằng, cụm từ “chạy bệnh” nên bổ sung vào, sau các cụm từ: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển… Trong đó “chạy bệnh” dễ hơn chạy các thứ khác, bởi lý do, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y, trong các hồ sơ điều trị bệnh tâm thần đâu, cùng lắm cũng chỉ là là yêu cầu giám định lại./.
Trà My – Thoibao.de