Ông Phan Đình Trạc có phải chịu trách nhiệm người đứng đầu hay không?

Ngày 27/6, BBC Tiếng Việt nêu vấn đề “Ông Nguyễn Văn Yên bị bắt: Ông Phan Đình Trạc có “chịu trách nhiệm người đứng đầu”?”

BBC dẫn Quy định 41 của Bộ Chính trị, ban hành tháng 11/2021, theo đó, ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố, ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương – có thể sẽ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, theo.

Để biết liệu ông Trạc có phải nhận trách nhiệm hay không, cần xem xét tính chất và mức độ sai phạm của ông Nguyễn Văn Yên.

BBC nhắc lại, ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố, bắt giam, về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

BBC dẫn phân tích của Luật sư Phùng Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, rằng, về bản chất, tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Tội danh mà ông Yên bị khởi tố, không thuộc nhóm tội “tham nhũng” hay “tội đặc biệt nghiêm trọng”, không được diễn giải trong Quy định 41.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, ngày 19/6, ông Yên đã bị “cách tất cả chức vụ trong Đảng”; và Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận, ông đã “gây hậu quả rất nghiêm trọng dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác”; “đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình”.

Chưa rõ, với tính chất tội danh của ông Yên, có đủ điều kiện để liệt vào “tiêu cực nghiêm trọng” của Quy định 41 nêu trên hay không.

Nếu có, thì ông Phan Đình Trạc khó tránh được việc “chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu”.

BBC nêu nhiều dẫn chứng, cho thấy, cả 2 ông đều xuất thân từ ngành công an, và ngay từ những ngày, khi Ban Nội chính Trung ương thành lập vào năm 2013, ông Trạc và ông Yên đã có cơ hội làm việc với nhau, và ông Trạc là thủ trưởng của ông Yên từ đầu năm 2022.

BBC nhắc lại vụ tai tiếng của ông Nguyễn Văn Yên, vào năm 2005, trong vai trò điều tra viên, đã “gài bẫy” để Công ty Lâm Viên (thuộc Bộ Quốc phòng) trả nợ thay cho ông Nguyễn Đức Chi, trong vụ án “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi, để hưởng hoa hồng. Và vụ tai tiếng về chiếc đồng hồ Patek Philippe mà ông đeo có giá hơn 260.000 USD (hơn 6,5 tỷ đồng), hồi tháng 5/2023.

BBC cũng đề cập đến trường hợp mới nhất “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu”, là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, vì để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Tài chính.

Điều này đã dẫn đến việc ông Dũng phải “xin thôi” tất cả các chức vụ, để nghỉ hưu, tương tự các uỷ viên Bộ Chính trị đã “xin thôi” trước đó.

BBC cho biết, quy trình “xin thôi” này được Tổng Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri, vào tháng 5/2023, và được coi là “một điểm mới”, với việc Đảng khuyến khích cán bộ, kể cả cấp cao, xin thôi chức.

Lúc bấy giờ, Tổng Trọng đã nói: “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi” và “rút lui trong danh dự”.

BBC nhận xét, có thể thấy, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn có mặt đều đặn tại các kỳ họp hoặc sự kiện lớn của đất nước, ngồi ở hàng ghế danh dự.

Trước ông Đinh Tiến Dũng, hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị, có cả “Tứ Trụ”, cũng “xin thôi”, dù những người này cũng bị Đảng xác định là đã có những vi phạm thuộc diện đủ căn cứ để xem xét miễn nhiệm.

BBC liệt kê 3 trường hợp gần nhất, gồm các uỷ viên Bộ Chính trị sau:

Bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, đã “xin thôi” vào tháng 5/2024.

Ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội, “xin thôi” vào cuối tháng 4/2024.

Ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước, “xin thôi” vào cuối tháng 3/2024.

 

Minh Vũ – thoibao.de