Ở Việt Nam, báo chí nhà nước, còn gọi là báo chí quốc doanh, vốn được người dân gắn nhãn là “báo chí nô bộc”. Bởi hệ thống báo chí này chỉ để chính quyền sử dụng cho việc tuyên truyền theo ý đồ của họ.
Từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, cung đình kịch chiến, những vụ án lớn như Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu Pháo, hay Tập đoàn Thuận An của Nguyễn Duy Hưng, bị đưa lên thớt, khiến 2 trong “Tứ trụ” bị rụng ngay sau đó. Nhưng trong giai đoạn này, người dân không hề tìm thấy một thông tin nào, thể hiện mối liên quan giữa những vụ bắt bớ với các nhân vật “Tứ trụ” rơi đài, được công khai trên mặt báo. Chỉ có báo chí tự do ngoài sự kiểm soát của chính quyền Cộng sản mới đưa những tin này.
Thật ra, báo chí tự do chẳng phải “siêu phàm” đến mức nhìn trời đoán thời vận, như Khổng Minh, mà đơn giản là, các phe phái trong Đảng Cộng sản đánh nhau, rồi tuồn thông tin ra ngoài, cho báo chí tự do tố những kẻ bị đánh. Có thể nói, báo chí tự do bị các phe trong chính quyền lợi dụng để đánh nhau, và nhờ đó, người dân mới thấy rõ hơn bộ mặt của chế độ.
Hiện nay, việc đánh đấm vẫn đang tiếp diễn chứ không hề lắng xuống. Sau khi Tô Lâm loại được Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thì ông nhắm tiếp vào Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú. Tất nhiên, những thông tin này cũng chỉ được báo chí tự do cung cấp cho công luận, còn báo chí nhà nước thì vẫn im thin thít.
Việc đánh vào Trần Cẩm Tú, Tô Lâm đã chuẩn bị từ rất lâu. Hồi tháng 10 năm ngoái, thoibao.de đã nhận được tin nội bộ, cho biết, Tô Lâm sẽ cài Thiếu tướng Vũ Hồng Văn vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để theo dõi, giám sát và thu thập bằng chứng bất lợi cho Trần Cẩm Tú, thì y rằng, sau đó không lâu, Vũ Hồng Văn được thuyên chuyển vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việc cài Vũ Hồng Văn vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là đường quyền đầu tiên mà ông Tô Lâm tung vào mặt Trần Cẩm Tú. Mới đây, Tô Lâm cho hốt trọn ổ Công ty Cây xanh Công Minh, mà theo thông tin nội bộ cho biết, đây là việc Tô Lâm đang nhắm tới Trần Cẩm Tú. Điều này tương tự như cách ông Tô Lâm sử dụng Phúc Sơn để hạ Võ Văn Thưởng, hay dùng Thuận An để hạ Vương Đình Huệ.
Không biết, Trần Cẩm Tú vững đến mức nào, mà Tô Lâm tung liên hoàn cước vẫn chưa đổ. Rất có thể, cú ra đòn lần thứ 2 này của Tô Lâm, sẽ khiến Trần Cẩm Tú giã từ sự nghiệp chính trị. Và nếu tung cước lần 2 chưa đổ, thì có thể, Tô Lâm lại tung cước lần 3, hay lần 4, vv… Tô Lâm thường có phương án dự phòng trong mọi tình huống. Hiện nay, dư luận đang chờ xem Trần Cẩm Tú chống đỡ ra sao, nhưng vẫn chưa thấy ông có phản ứng gì.
Ngày 10/7, ông Tú chủ trì cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về việc tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại Hội nghị này, ông Tú khẳng định, “Không có việc tranh giành, đấu đá nội bộ trong xử lý tham nhũng, tiêu cực”. Và thông tin này được rất nhiều tờ báo đăng tải.
Đang bị Tô Lâm đánh liên hoàn cước, nhưng ông Tú vẫn gắng gượng nói “không có chi”, cũng là điều dễ hiểu. Bởi lâu nay, dù đánh giết nhau tàn nhẫn đến đâu, nhưng có bao giờ chính quyền này thừa nhận công khai đâu?
Cần nhắc lại rằng, khi Tô Lâm mới cho bắt Hậu Pháo, thì báo chí tự do đã thông báo Võ văn thưởng sẽ rụng. Tương tự, khi bắt Nguyễn Duy Hưng, báo chí tự do đã thông báo Vương Đình Huệ sẽ rụng. Đây không phải là “đoán mò” hay suy diễn, mà là thông tin chính xác cho nguồn tin nội bộ cung cấp. Bao nhiêu đó cũng đủ khẳng định, báo chí tự do đáng tin hơn báo chí nhà nước rất nhiều, trong vấn đề đấu đá của cung đình Cộng sản. Hay nói đúng hơn, báo chí Cộng sản luôn phủ nhận chuyện đấu đá, dù người dân chẳng mấy ai tin.
Hoàng Phúc – Thoibao.de