Từ “đốt lò” đã được gắn với tên tuổi của Tổng Trọng. Dù sau khi ông chết đi, thì chỉ cần nhắc đến từ “lò”, hay “đốt lò”, thì người ta liên tưởng ngay đến ông.
Ban đầu, ông Tổng chỉ muốn copy chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” từ bên Trung Quốc về Hà Nội, làm thành thương hiệu riêng, đổi tên là “đốt lò”. Ông cũng rất tính toán khi biết rằng, với chiến dịch “đốt lò” này, người dân sẽ nhiệt tình ủng hộ, vì giới quan chức đã quá thối nát.
Có thể nói, phiên bản “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình, khi mới được áp dụng tại Việt Nam, còn thành công hơn cả bản gốc ở Bắc Kinh. Điều này đã khiến Tổng Trọng chiếm được cảm tình của không ít người dân. Mặc dù ông chỉ mượn khẩu hiệu chống tham nhũng, để thực hiện mưu đồ thanh trừng nội bộ, nhưng nhìn bề nổi, người dân vẫn tin ông “trong sáng”.
Cây kim trong bọc, dù cho giấu kỹ đến mấy, thì cũng đến lúc lòi ra. Giờ đây, khi mà bộ máy làm nên thương hiệu “đốt lò” nổi tiếng của ông bị tan rã, thì những vấn đề trước đây vẫn che giấu, nay bị phơi bày ra hết. Khi Tô Lâm không còn kiên nhẫn với sự tham quyền cố vị của Tổng Trọng, thì ông đã bóc phốt. Thế là vụ sai phạm đất đai ở Ciputra được công khai trên báo chí nhà nước, và vụ ông Trọng nhận bức tượng vàng, để làm ngơ cho Formosa, trong vụ đầu độc biển miền Trung, bị tung ra cho báo chí tự do.
Vậy mà, bao lâu nay, người dân vẫn tưởng ông Trọng là trong sạch, hóa ra, ông cũng bẩn như ai. Vậy thì, việc ông dựng “cái lò” nổi tiếng, để đốt “củi tham nhũng”, không phải là mượn danh chống tham nhũng để thanh trừng nội bộ, thì là gì?
Chống tham nhũng là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng rất nhiều quan chức cấp cao bị ngã ngựa, mà chỉ là bị kỷ luật về mặt Đảng, chứ không bị pháp luật sờ gáy. Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Đinh Tiến Dũng, đều không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước pháp luật.
Tội rất nặng nhưng chỉ cho thôi chức, với những kết luận rất chung chung, như “vi phạm những điều đảng viên không được làm”. Còn điều không được làm là gì, thì vẫn giấu nhẹm. Điều này cho thấy, đây chỉ là võ đài, đánh cho đối thủ rớt khỏi ghế để giành chức, chứ chẳng phải trừng phạt họ dựa trên luật pháp.
Nói thẳng ra, bao lâu nay, cái gọi là “lò” của ông Tổng chẳng qua là một võ đài, nhưng lại gán cho nó mỹ từ “chống tham nhũng”. Chính người lập võ đài này đã gán cho nó cái tên mỹ miều ấy, giờ đây, chính người sáng lập cũng đang bị phế mất chức vô địch, thì tấm bảng kia cũng rơi xuống.
Với tình trạng sức khỏe hiện nay của ông Tổng, xem như, thời của ông đã hết. Mà cho dù ông còn sống và còn chức đi chăng nữa, thì cái lò ngày nào giờ đã trở thành một võ đài hỗn loạn, không có luật lệ gì. Nhiều phe phái nổi lên và đánh nhau không có hồi kết. Một điều chắc chắn là, cuộc đời của ông Tổng có thể tàn, nhưng cái di sản của ông thì không tàn, nó vẫn còn đó và phát triển.
Những trận đấu sinh tử đang ngày một nhiều hơn, và mức độ cũng khốc liệt hơn. Các “đấu thủ” đã không cần giấu giếm nữa, mà công khai tung tin cho báo chí tự do tha hồ khai thác.
Có lẽ, khối ung nhọt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thời kỳ kỳ tự hoại, mùi hôi thối từ nó xộc ra ngoài, không ai không ngửi thấy, cho dù có che đậy.
Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, có đến 800 tờ báo độc quyền tô vẽ. Thế nhưng, những nét vẽ đấy cũng không thể nào che lấp được những gì thực chất đang diễn ra. Ung nhọt đã hình thành từ rất lâu, ông Trọng chỉ là người cầm cây kim, chọc cho nó lở loét ra mà thôi.
Hậu Nguyễn Phú Trọng là một Đảng Cộng sản hôi thối, không thể che đậy được nữa.
Thái Hà – Thoibao.de