Tân Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, nữ tướng thách thức “ông trùm” họ Tô?

Ngày 17/7, báo chí nhà nước cho biết, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công, chỉ định bà Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng ban Dân vận Trung ương, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay ông Đinh Tiến Dũng, người mới vừa ngã ngựa hồi tháng 6.

Với 8/15 người trong Bộ Chính trị hiện là thành viên của Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đủ sức tác động đến Bộ Chính trị, để ra quyết định phân công bà Bùi Thị Minh Hoài về nắm thành phố Hà Nội, theo ý ông.

Như vậy, bà Hoài được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị chưa lâu, thì được phân công vào vai trò người đứng đầu thành phố Hà Nội.

Trước Hội nghị Trung ương 9, Ban Bí thư bị đánh thủng một lỗ toang hoác – đấy là vị trí Thường trực Ban Bí thư của bà Trương Thị Mai. Ngay sau đó, Bộ Chính trị được bầu bổ sung 4 uỷ viên, cả 4 người này đều là người của Ban Bí thư. Qua Hội nghị Trung ương 9 cho thấy, ông Tổng đã không còn là người làm chủ cuộc chơi, tức là chuyên tấn công thế lực khác. Tuy nhiên, ông vẫn còn sức mạnh chính trị đáng kể, và khả năng tự hồi phục sau chấn thương.

Ở lần chọn người cho Bộ Chính trị ở Hội nghị Trung ương 9, ông Trọng đã cân nhắc kỹ hơn trước rất nhiều. Đầu tiên, ông chọn Lương Cường – người không thể bị ông Tô Lâm điều tra, bởi là tướng quân đội. Người thứ hai mà ông Trọng chọn, đấy là bà Bùi Thị Minh Hoài.

Được biết, bà Hoài đã từng giữ các chức vụ như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam… Trong chuỗi các chức vụ trước đây, có chức Bí thư Thành ủy Phủ Lý là có khả năng dính sai phạm nhiều nhất. Các chức vụ còn lại không trực tiếp điều hành kinh tế địa phương, nên rất khó để Tô Lâm có thể điều tra được những sai phạm của bà.

Những đời Bí thư Thành ủy Hà Nội gần đây đều bị dính chàm, có thể kể ra như ông Hoàng Trung Hải, ông Vương Đình Huệ và mới đây là ông Đinh Tiến Dũng. Những người này đã từng nắm chức bộ trưởng và phó thủ tướng, trước khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Và những chức vụ “dễ ăn” đấy, chính là “gót chân A Sin”, khiến cho những nhân vật trên ngã ngựa.

Hiện nay, các chức bí thư tỉnh/ thành phố, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố, chức bộ trưởng, phó thủ tướng vv… là những chức vụ có điều kiện kiếm chác nhiều nhất. Các ban Đảng và các hội nhóm là cánh tay nối dài của Đảng, không có điều kiện “ăn đậm” như các chức vụ vừa nêu. Chính vì thế, bà Hoài có thể được đánh giá là “tương đối sạch”, so với những người tiền nhiệm của bà, ở vị trí đứng đầu thành phố Hà Nội.

Là người của phe ông Tổng, bà Hoài không còn hưởng được sự an toàn tuyệt đối như trước đây. Giờ đây, sau khi ông Tổng đã tắt thở, thì cái ô dù do ông Tổng tạo ra cũng biến mất, thì những người đi lên do bàn tay nâng đỡ của ông Tổng, phải tự “đấu tranh sinh tồn” trước một Tô Lâm hung hăng, tay đầy vũ khí.

Tô Lâm đang tính con đường đưa Lương Tam Quang và Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị. Khả năng, dự tính này thành công đến 99%, bởi kẻ mạnh nhất có thể gây khó khăn cho Tô Lâm, đã tắt thở. Sau Hội nghị Trung ương 10, rất có thể, Tô Lâm sẽ triển khai tiếp giai đoạn mới – giai đoạn “tìm và diệt”. Lúc đó, những tay chân thân tín của ông Trọng sẽ là đối tượng mà Tô Lâm nhắm đến.

Bà Hoài đang nắm chiếc ghế khiến rất nhiều phe phái khác thèm muốn, chính vì thế, ghế của bà cũng hứa hẹn không yên bình trong thời gian tới.

Không biết, bà Hoài “sạch” đến mức nào? Trước khi ngã ngựa, nhiều ý kiến đánh giá bà Trương Thị Mai khá sạch so với các đấng mày râu khác trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, dù được cho là “sạch”, thì Tô Lâm cũng moi ra được vết chàm, và bà buộc phải từ giã cuộc chơi. Liệu bà Hoài có sạch đến mức Tô Lâm không thể tìm ra vết chàm hay không?

Hãy chờ xem!

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de