Ông Nguyễn Phú Trọng là người khơi dậy chủ nghĩa bè phái trong Đảng. Suốt 13 năm cầm quyền của ông, ông đã xây dựng cho nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội lớn mạnh. Tuy ông luôn mạnh mẽ hô hào “chống tham nhũng không có vùng cấm”, nhưng ông lại tạo ra rất nhiều vùng cấm. Có thể nói, đấy là vùng cấm khổng lồ cho phe Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, ẩn nấp và lớn mạnh. Trong vùng cấm đó, Tô Lâm cũng hưởng lợi không ít.
Để gầy dựng sức mạnh chính trị, ông Trọng khá tinh tường trong việc chọn người phục vụ. Việc chọn Tô Lâm làm người giữ thanh kiếm, giúp ông ra tay đốn củi, là một lựa chọn hợp lý. Thực tế, Tô Lâm đã giúp ông rất nhiều trong công cuộc đốt lò bấy lâu nay.
Điểm yếu chết người của ông Trọng là không có cách kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả, nên cuối đời, ông bị đệ tử phản bội cướp ngôi, mặc dù, ông vẫn hô hào “nhốt quyền lực trong cái lồng cơ chế”. Dù ông nói thế, nhưng thực tế ông chẳng chịu nhốt quyền lực của chính ông. Ngay cả với kẻ nguy hiểm như Tô Lâm, ông cũng chẳng có cái lồng cơ chế nào, để nhốt quyền lực của con người này lại. Vì thế, Bộ Công an trước đó đã bị Tô Lâm biến thành “Bộ Hưng Yên”, và làm chủ Bộ này cho tới bây giờ.
Tại Bộ Công an, Tô Lâm đào tạo ra 2 đệ tử ruột để kế thừa, và rất nhiều đệ tử khác có cùng gốc gác Hưng Yên với Tô Lâm. Khi ông rời ghế Bộ trưởng, ông cho Lương Tam Quang kế nhiệm, nắm giữ chức vụ mà ông để lại. Xem như, Bộ Công an được truyền từ người Hưng Yên sang người Hưng Yên. Ngoài ra, Tô Lâm còn cho Nguyễn Duy Ngọc bung ra khỏi Bộ Công an, để cài cắm vào Ban Bí thư của Tổng Trọng, chờ ngày Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, thì thầy trò tái hợp và làm mưa làm gió Ban Bí thư.
Dù Bộ Công an đã được xem là Bộ Hưng Yên. Tuy nhiên, tham vọng của Tô Lâm sẽ không dừng lại ở Bộ Hưng Yên, mà ông còn muốn biến toàn Đảng thành Đảng Hưng Yên. Trước Đại hội 14, nếu đưa được Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị, thì tổ chức này có đến 3 người gốc Hưng Yên. Ngoài ra, Trần Lưu Quang tuy gốc Tây Ninh, nhưng cũng được xem là người thuộc phe Hưng Yên, vì gia đình ông Quang có quan hệ ân nghĩa với ông Tô Quyền – bố của Tô Lâm.
Tô Lâm cũng sẽ kế thừa chức Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, ở vị trí này, Tô Lâm dễ dàng chặn người mà ông không ưa, và đưa người của ông vào cả Trung ương Đảng lẫn Bộ Chính trị. Với vị trí mới sau khi ông Trọng chết, phe Hưng Yên chưa bao giờ đứng trước thời cơ lớn như hôm nay – khi họ có trong tay cơ hội thao túng toàn Đảng, buộc phải nghe theo người đứng đầu nhóm Hưng Yên.
Hậu Nguyễn Phú Trọng, có lẽ, những thành phần cấp cao trong Đảng không cùng phe Tô Lâm, đừng khóc thương cho ông Trọng, mà hãy khóc cho thân phận của chính họ. Dưới thời ông Tổng, tuy lò đốt rất mạnh, nhưng vẫn đốt theo quy trình. Còn lò trong tay Tô Lâm thì sẽ cháy như một kho xăng, sẵn sàng táp lửa vào bất kỳ ai. Cho nên, Đảng Cộng sản đang bước vào một thời kỳ đen tối – thời kỳ Công an trị ngay trong nội bộ Đảng.
Khi ông Trọng còn sống, ông có quyền lực lớn hơn ông Tô Lâm, có đồ đệ đông hơn Tô Lâm, có bộ máy đốt lò khổng lồ hơn, mà ông còn không kiểm soát nổi “con ngựa chứng” Tô Lâm. Thì giờ đây, khi Tô Lâm đứng trên đỉnh tháp quyền lực, ai có khả năng nhốt được quyền lực của Tô Lâm vào lồng cơ chế? Có thể nói, chẳng ai, và cũng chẳng có nhóm nào đủ khả năng làm việc này. Ngay cả Phạm Minh Chính – nhân vật mạnh thứ nhì trong Bộ Chính trị, giờ đây cũng bất lực, phải tự lo làm sao sống cho phải đạo với Tô Lâm.
Chưa bao giờ, điều kiện thuận lợi để biến Đảng Cộng sản thành Đảng Hưng Yên tốt như bây giờ. Liệu Tô Lâm có bỏ qua cơ hội hay không?
Hãy chờ xem!
Hoàng Phúc – Thoibao.de