Ngày 21/7, BBC Tiếng Việt bình luận “Ông Tô Lâm “có thể tăng cường thâu tóm quyền lực”’.
Đây là nhận định của một hãng tin quốc tế.
Sau khi ông Trọng qua đời, giới quan sát cho rằng, cạnh tranh quyền lực trong Đảng sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Theo BBC, trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng và Thường trực Ban Bí thư có vị trí và nhiệm vụ tương đương với một Phó Tổng Bí thư. Nghĩa là, khi Tổng Bí thư không thể điều hành Đảng, thì Thường trực Ban Bí thư sẽ tạm thay và làm quyền Tổng Bí thư.
Thế nhưng, Chủ tịch nước Tô Lâm – nguyên thủ quốc gia – lại là người được giao trọng trách “điều hành” Đảng, khi sức khỏe của ông Trọng không thể đảm đương trọng trách, chứ không phải Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.
BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng, cấp bậc không chỉ ở chức vụ, mà thể hiện rằng, ông Tô Lâm là một trong 3 người, gồm Tổng Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tô Lâm, đã có ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn tại Bộ Chính trị.
BBC cũng dẫn nhận xét của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Hoa Kỳ, nói rằng, ông Trọng liên tục không thể bổ nhiệm những người thân tín vào vị trí kế nhiệm. Bằng chứng là, Tổng Trọng đã phải sử dụng lựa chọn tối hậu tại Đại hội Đảng 13 vào năm 2021, phá vỡ Điều lệ Đảng và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, khi người thân tín của ông (Trần Quốc Vượng) không nhận được đủ sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
“Hệ thống chính trị đã không có sự chuẩn bị trong trường hợp ông Trọng qua đời. Và Chủ tịch nước Tô Lâm gần như vẫn là lựa chọn mặc định của hệ thống, trong trường hợp này,” ông Vuving giải thích.
Giáo sư Carl Thayer nhận định, sẽ có rất ít thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội, bởi Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng tiếp theo, và ông Tô Lâm “là người học việc”.
Nhưng ông Thayer cảnh báo, các quyền tự do dân sự có thể bị siết chặt hơn nữa:
“Nếu ông Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất ở Việt Nam mà không có cơ chế kiểm soát và cân bằng, thì sẽ không tốt cho Việt Nam, và làm xói mòn chuẩn mực về tập trung dân chủ.”
Giáo sư Vuving so sánh, trong khi ông Trọng là một người đi dây lão luyện, nhưng cũng là một nhà tư tưởng Cộng sản, kiên định đối với một số nguyên tắc mà bản thân đã tôn thờ, thì ông Tô Lâm là một người theo chủ nghĩa thực dụng.
Chuyên gia này cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục “chiến dịch đốt lò”, nếu điều đó trao cho ông ấy một công cụ chính trị uy quyền hơn, và cũng sẽ tiếp tục “nền ngoại giao cây tre”, cho đến khi nào bối cảnh quốc tế mang đến lý do thuyết phục khiến ông thay đổi cách tiếp cận đó.
“Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình. Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này”, ông Vuving nói thêm.
BBC cũng cho biết, về lý thuyết, ông Tô Lâm có thể đảm nhiệm cả 2 vai trò – Chủ tịch nước và Tổng Bí thư – cho đến Đại hội Đảng vào đầu năm 2026, khi tất cả các vị trí cấp cao được xác định cho một nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Nhưng ông Tô Lâm có thể phải đối mặt với sự phản đối nội bộ, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kế nhiệm.
BBC dẫn nhận định của hãng tin quốc tế, cho rằng, ông Tô Lâm dường như đã duy trì quyền kiểm soát gián tiếp đối với Bộ Công an, hiện do ông Lương Tam Quang, người cùng quê Hưng Yên và được cho là thân cận với ông, lãnh đạo.
Ông là nhân vật trung tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Trọng, thường được gọi là chiến dịch “đốt lò”.
Theo hãng tin này, việc ông Lâm có khả năng tiếp cận thông tin tình báo và thông tin nhạy cảm, cũng đồng nghĩa với việc các nhân vật khác lo sợ ông, các nhà ngoại giao phương Tây thường hạ giọng hoặc không nêu tên ông Lâm trong các cuộc họp riêng.
Quang Minh – thoibao.de