Ngày 22/7, blogger Trần Hiếu Chân có bài bình luận trên RFA Tiếng Việt: “Bài viết “chạy tang” cho Nguyễn Phú Trọng do Tô Đại tướng đứng tên”.
Tác giả nhận định: “Tiên đế vừa nằm xuống, ngự thi chưa nguội lạnh, sự ganh đua quyền bính đã lộ diện”.
Bài viết “chạy tang” của Tô Lâm đã phải điều chỉnh thời điểm công bố đến 3 lần, vào các ngày 19, 20 và 21/7. Điều này có báo trước cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm tại Hội nghị Trung ương tới đây hay không?
Tác giả cho biết, trưa 18/7, truyền thông nhà nước Việt Nam lần đầu phá lệ, đồng loạt đăng thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của ông Trọng. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ Chính trị phân công chủ trì công việc của Đảng, theo quy định. Chiều 18/7, Đảng quyết định trao tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Trọng.
Tác giả cho rằng, bài báo do Tô Đại tướng – Chủ tịch nước đứng tên, đề cập bên trên, được hầu hết các báo “lề Đảng” đăng toàn văn ngày 19/7, là một biệt lệ chứa nhiều hàm ý.
Trước hết, thời điểm công bố lần đầu bài viết này, là hoàn toàn đi ngược lại Điều 9 của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết về vấn đề “Quốc tang”. Theo đó, khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang, và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người đã khuất.
Tác giả cho hay, sau những cuộc họp kéo dài, trong 2 ngày 18 và 19/7 của Bộ Chính trị và các lãnh đạo chủ chốt, để bàn về Lễ tang, Tô Đại tướng quyết định đăng bài viết sớm, để khẳng định, bản thân mình mới đúng là “Truyền nhân của Tổng Bí thư”.
Nhưng ngay hôm sau, Tô Chủ tịch cũng phải điều chỉnh thời điểm công bố bài viết. Tạp chí Cộng sản lấy ngày 20/7. Trang mạng Chính phủ đăng lùi tiếp đến 21/7, cho đúng với tinh thần của Nghị định số 105.
Bài viết hầu như không có một chút thông tin gì mới mẻ và đặc sắc, chỉ sao chép lại một cách đại cương nhất có thể, về một số luận điểm của cố Tổng Bí thư, lý thuyết gia Mác xít cuối cùng từng kiên định với Chủ nghĩa, và nay, mang tất cả cái Chủ nghĩa trống rỗng ấy xuống lòng đất.
Nhưng việc “đại cương hóa” một học thuyết đã bị lịch sử vứt vào sọt rác, trớ trêu thay, lại là “lá bùa hộ mệnh” mà Chủ tịch nước đang rất cần, để làm phương tiện tiệm cận đến cái đích cuối cùng là chiếc ghế Tổng Bí thư.
Tác giả cho rằng, ông Tô Lâm nhắc đi nhắc lại nhiều lần về “mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân” của Đảng cai trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân.
Nếu thật lòng, Tô Đại tướng đau đáu những vấn đề như thế, thì thật là hồng phúc cho nước Việt. Giờ là lúc, với tư cách là người muốn tiếp quản quyền lực trên mọi phương diện, mong Tô Đại tướng nói đi đôi với làm. Việc Tô Lâm không nhấn nhá đến công cuộc “đốt lò” của ông Trọng, hẳn không phải là sự vô tình hay lãng quên cố ý?
Tác giả nhấn mạnh, trong các cao trào “đả hổ diệt ruồi” mà ông Trọng sao chép từ Trung Quốc về, nói cho cùng, suốt thời gian làm Bộ trưởng Công an, ông Lâm cũng chỉ là phương tiện trong tay Tổng Bí thư.
Và rồi, chắc Tô Lâm đã giác ngộ ra một điều, tất cả những “tinh hoa” Tổng Trọng ươm trồng, thật ra chỉ là những khúc củi mục không hơn không kém. Như vậy, bản thân ông cũng đã có “công lớn” trong việc đưa “bầy sâu bự” ấy vào lò.
Nay là lúc sẽ bước vào kỷ nguyên làm chủ cuộc chơi, Tô Lâm cần những mục tiêu xa hơn, so với việc chỉ giành lấy quyền bính cho bản thân và phe cánh. Từ bài viết “chạy tang” nói trên, giới tinh hoa trong nước cũng như bạn bè quốc tế kỳ vọng, Tô Lâm không lần theo lối mòn. Đột phá của ông phải chăng là giảm nhiệt đốt lò, giới hạn nhà tù và còng số tám, chú mục văn hóa chính trị và thế cân bằng về đối ngoại nhiều hơn?
Quang Minh – Thoibao.de