Chiều ngày 3/8, Tô Lâm điều hành cuộc họp bất thường lần thứ 8 của Trung ương Đảng, với tư cách là Tổng Bí thư. Trước đó một ngày, Tô Lâm đã thành công ép Bộ Chính trị phải chấp nhận, để ông chính thức trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Mới lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã cho trảm ngay 4 quan chức, gồm: ông Lê Minh Khái – Phó Thủ tướng; ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ tài Nguyên Môi trường; ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, và ông Chẩu Văn Lâm – Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang.
Như vậy là, sau khi ông Trọng qua đời, Tô Lâm vẫn giữ lửa cho “lò chống tham nhũng của ông Trọng”. Bằng việc này, Tô Lâm có thể cho hệ thống báo chí quốc doanh tung hô rằng, ông là “người đốt lò vĩ đại” tiếp theo.
Giữ lửa cho “cái lò” của ông Trọng, Tô Lâm đạt được 2 mục đích. Thứ nhất, ông có thể dùng lò này để tiếp tục triệt hạ những thế lực khác. Thứ nhì, ông có thể tự sơn phết một tấm mặt nạ “liêm khiết”, chống tham nhũng không có vùng cấm.
Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Lê Minh Khái từng ém những thông tin bất lợi đối với ông Phạm Minh Chính ở Quảng Ninh, khi ông nắm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Việc làm này của ông Khái giúp ông Chính có bước chạy nước rút ngoạn mục ở Đại hội 13, trước đối thủ Vương Đình Huệ. Sau màn phối hợp này, Lê Minh Khái được Phạm Minh Chính rút về bên mình, làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ở cạnh Phạm Minh Chính, Lê Minh Khái được bảo vệ tốt hơn 3 phó thủ tướng còn lại. Trước đó, khi ông Trọng tại vị, 3 phó thủ tướng đều bị rụng, theo những cách khác nhau. Sang đến thời Tô Lâm, thì Lê Minh Khái lại là cái tên đầu tiên bị Tô Lâm đưa lên thớt. Trảm Lê Minh Khái, Tô Lâm đã cho gửi một thông điệp rõ ràng tới Phạm Minh Chính, rằng, cái ô của Thủ tướng đã không còn đủ sức che chở cho thuộc hạ.
Ngoài ông Lê Minh Khái, thì ông Nguyễn Xuân Ký cũng là một đàn em của ông Chính. Ông Ký từng là “tay hòm chìa khóa” cho Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính tại Quảng Ninh, giai đoạn 2011 – 2013. Đây là giai đoạn mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng gói thầu cung cấp thiết bị y tế với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Hai người còn lại, có một người thuộc nhóm Hà Tĩnh, vốn là nhóm mà Tô Lâm đã lên kế hoạch tỉa từng người. Nhóm này quá đông và quá mạnh, khiến Tô Lâm không thể an tâm.
Như vậy, đến thời điểm này, thì dàn phó thủ tướng mà Phạm Minh Chính chọn lựa từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13, đã không còn một ai. Việc các phó tướng quanh ông Chính lần lượt thị thổi bay, báo hiệu, ghế Thủ tướng của ông Chính sẽ đón nhiều “giông bão” trong thời gian tới. Đặc biệt là, người được Phạm Minh Chính cất nhắc và bảo vệ, cũng bị Tô Lâm thổi bay. Không biết, ông Thủ tướng còn đủ sức để giữ bám trụ đến hết nhiệm kỳ hay không?
Với vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, và là người đứng đầu Ban Bí thư, Tô Lâm đang nắm trong tay những ưu thế tuyệt đối, trong đó có quyền sắp xếp nhân sự cho kỳ Đại hội 14.
Một tay giữ cho “lò” cháy thật mạnh, tay còn lại điều hành việc nhân sự trong Đảng, cứ đà này, Tô Lâm sẽ dồn các thế lực khác vào thế co cụm, và xây dựng thế lực Hưng Yên trở nên hùng mạnh hơn nữa.
Cho đến thời điểm này, thế lực mạnh thứ nhì cũng tỏ ra quá lép vế trước Tô Lâm, thì rất khó để toàn Đảng có thể làm được gì Tô Tổng. Phạm Minh Chính giờ đây cũng chỉ biết tự bảo vệ, tự giữ cho ghế của mình khỏi bị gãy chân, chứ nói gì đến những toan tính xa hơn trên bàn cờ chính trị?
Xem ra, các thế lực khác đang bất lực trước Tô Lâm.
Trần Chương – Thoibao.de