Ông Nguyễn Phú Trọng đang và sẽ được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ Cộng sản sơn phết thành huyền thoại. Hiện nay, nhiều trang mạng không chính thức, chuyên tuyên truyền cho Đảng, đang ghép Nguyễn Phú Trọng vào chung với ngôi đền thiêng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Việc xây dựng huyền thoại nhằm 3 mục đích: Thứ nhất là ru ngủ toàn dân; thứ nhì là để Đảng an tâm nấp sau tấm bình phong được làm bằng các huyền thoại, để tha hồ chiếm đoạt lợi ích của người dân; thứ ba là dùng làm thuốc giảm đau cho Đảng, mỗi khi nội bộ ra tay thanh trừng lẫn nhau.
Khi còn sống, ông Trọng đã nuôi lớn một kẻ “phản nghịch” như Tô Lâm, để giờ đây, Tô Lâm từng bước biến Đảng thành công cụ của ông. Có thể nói, Tô Lâm là sản phẩm tệ hại của ông Trọng, là cái họa lớn do ông Trọng tạo ra và để lại cho Đảng.
Về phương thức hành động trong cuộc chiến quyền lực, ông Trọng cũng làm đảo lộn tất cả.
Trước ông Trọng, các “đồng chí” trong Đảng không thuốc nhau đến chết một cách công khai và phổ biến như thời ông Trọng. Có thể kể ra những người đã bị thuốc chết, như, Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Chí Vịnh và Lê Văn Thành. Ông Trọng chết đi, để lại một Đảng Cộng sản Việt Nam tàn ác hơn, không chỉ ác với dân, mà còn ác với nhau nhiều hơn trước.
Trước thời ông Trọng, các “đồng chí” trong Đảng chủ yếu là cạnh tranh, tranh đoạt các vị trí quyền lực, bằng tiền và quan hệ. Đến thời ông Trọng, người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào để tranh cướp, kể cả “thuốc” lẫn nhau để đạt mục tiêu. Thời ông Trọng đã tạo ra tiền lệ này, và nó sẽ chỉ phát triển mạnh hơn, chứ không biến mất cùng với sự ra đi của ông.
Tô Lâm lên được Tổng Bí thư, cũng là do tranh cướp. Ông đã đánh gục hết những đệ tử ruột của ông Trọng để ngoi lên. Ông Tô Lâm lên ngôi trong sự uất hận không biết bao nhiêu người. Và thực tế, cũng không phải ông lên ngôi bằng sự ủng hộ của đa số trong Trung ương Đảng và Ban Bí thư, cho dù số phiếu bầu cho ông là 100%.
Như thế, liệu Tô Lâm có nguyện ý trao quyền lại cho một người kế nhiệm hay không? Hay là ông muốn độc chiếm chiếc ghế này, như là một ngai vàng cho gia tộc họ Tô?
Luật chơi trong Đảng hậu Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi, và chính ông Trọng là người đã tạo ra sự thay đổi tồi tệ này.
Rồi đây, những lãnh đạo Tuyên giáo cũng như người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông cũng phải lựa cách ăn ở sao cho “phải đạo” với Tô Lâm. Không chỉ cần làm tốt cho Đảng, họ còn phải làm vừa lòng Tô Lâm, nếu không muốn bị “lên thớt”. Chính vì thế, các cơ quan truyền thông của Đảng giờ đây phải chịu 1 cổ 2 tròng, ấy vậy mà họ vẫn phải hết lời ca tụng ông Trọng, thì có thể nói, đấy là nghịch lý.
Trước đây, các “đồng chí” trong Đảng tranh quyền thì còn có thể nói lý với nhau được. Nay các “đồng chí” chuyển sang tranh cướp, thì mọi lý lẽ là vô nghĩa, chỉ có sức mạnh mới quyết định. Ví dụ như trước đây, khi ông Trọng còn sống, ông Nguyễn Xuân Phúc đem “lá bùa” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận, là “vợ con ông không liên quan đến Việt Á”, để bảo đảm sự an toàn sau khi hạ cánh. Nhưng nay, “lá bùa: này đang bị Tô Lâm xem lại, rất có thể, Nguyễn Xuân Phúc sẽ bị cho xộ khám như Đinh La Thăng.
Quy luật ngầm trong Đảng đã thay đổi, nó có thể biến những thế lực từng làm mưa làm gió trên chính trường, giờ phải “rút cổ” chịu sai khiến. Đấy là di sản mà ông Trọng để lại, mặc dù người tạo ra luật chơi mới này là Tô Lâm. Bởi chính ông Trọng là người đã tạo ra một Tô Lâm như ngày hôm nay.
Trần Chương – Thoibao.de