Giới phân tích quốc tế cho rằng, sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhận chức vụ Tổng Bí thư, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dần trở lại ổn định. Trái lại, chỉ vài giờ sau khi tân Tổng Bí thư nhậm chức, 4 ủy viên Trung ương trong đó có 1 thành viên Ban Bí thư đã bị loại bỏ.
Đây là một điều “vô tiền, khoáng hậu” trong lịch sử của Đảng cầm quyền. Công luận cho rằng, đây là những chỉ dấu cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ “mượn gió” đốt lò của ông Trọng, để tiếp tục “bẻ măng” là các quan chức tham nhũng.
Vì lẽ đó, có thể nhận thấy, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng, các cá nhân và phe cánh trong Đảng sẽ tìm mọi cách để thanh toán lẫn nhau. Với mục đích tối cao là giành bằng được chiếc ghế Tổng Bí thư về phe cánh, dẫu rằng, tại thời điểm hiện tại, ông Tô Lâm vẫn đang làm chủ chính trường.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm có một lợi thế là kho tàng thư “nhúng chàm” của các quan chức cấp cao, từ ủy viên Trung ương trở lên. Bởi lẽ, một khi đã leo lên được chức vụ ủy viên Trung ương, thì gần như các quan chức đều đã nhúng chàm, không bê bối chuyện này thì cũng dính líu đến tham nhũng khác. Ngay cả Tổng Trọng trước đây, hay ông Tô Lâm cũng vậy!
Do đó, việc ông Tô Lâm thanh trừng các nhân sự không đồng tình với mình, chỉ là vấn đề muốn hay chưa mà thôi. Hơn ai hết, tân Tổng Bí thư hiểu rất rõ thực trạng, trước khi được Ban Chấp hành Trung ương “suy tôn”, giữ chức vụ người đứng đầu Đảng, với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối lên đến 100%. Đây là kết quả không có thật, nó chỉ phục vụ cho việc đánh bóng cho một nhân vật, bị đánh giá là “không đủ tư cách và phẩm chất đạo đức, để giữ cương vị người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam tháng 10/2023, Ủy viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nhận tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, là minh chứng không thể bác bỏ.
Cổ nhân có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, có nghĩa là bề ngoài của mỗi con người có thể thay đổi, tuy nhiên bản chất, tính cách thì mãi mãi vẫn giữ nguyên. Đó là lý do vì sao, đa số lãnh đạo cấp cao của Đảng tại thời điểm hiện nay, buộc phải phục tùng và không dám có biểu hiện phản đối tân Tổng Bí thư. Nhưng chắc chắn, các thế lực “kình địch” của ông Tô Lâm cũng không ngồi yên chờ đến lượt bị xướng danh, không thể chờ tai họa ập xuống đầu họ.
Tất cả các thế lực đã và đang chống lại ông Tô Lâm từ trước tới nay, chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm, sẽ tiếp tục coi ông Tô Lâm là kẻ thù chung. Từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn khoảng 16 tháng, không quá ngắn để các bên nỗ lực tối đa để lật ngược thế cờ.
Một khi cơ hội xuất hiện, chắc chắn họ sẽ chung tay “tiên hạ thủ vi cường”, loại bỏ cái gai trong mắt. Nhất là khi, tân Tổng Bí thư Tô Lâm là nhân vật ban lãnh đạo Bắc Kinh không ưa thích.
Giới phân tích khẳng định, nếu tân Tổng Bí thư Tô Lâm muốn thành công trong việc nắm trọn quyền lực, như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, thì cần thay máu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 – một sản phẩm mang tàn dư của cố Tổng Trọng.
Để điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả, “nhất hô, bá ứng”, ông Tô Lâm ngay lập tức phải loại bỏ các ủy viên Trung ương không ăn cánh.
Thực tế, nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, gồm toàn cánh hẩu của ông Trọng, thuộc phe Nghệ An, Hà Tĩnh, hay các nhân sự dùng tiền để mua ghế ủy viên Trung ương. Việc tân Tổng Bí thư tuyên bố, tiếp tục kế thừa cuộc chiến chống tham nhũng, là phương cách cũng như công cụ đắc lực, để ông thanh trừng, “thay máu” nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta hãy chờ xem.
Trà My – Thoibao.de