Cuộc hội đàm của Tô Tổng và ông Tập Cận Bình mang ý nghĩa gì?

Ngày 19/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Ông Tô Lâm hội đàm với ông Tập Cận Bình: Thấy gì từ cuộc gặp ở Bắc Kinh?”.

BBC cho biết, Tô Tổng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, vào thứ Hai 19/8.

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm, sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 3/8 vừa qua.

BBC dẫn Tân Hoa Xã, theo đó, ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm đã tham dự lễ ký kết các văn bản hợp tác. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nội dung của những văn kiện hợp tác này là gì.

BBC trích tin từ một nguồn tin quốc tế, cho biết, theo một số quan chức, kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi ông Tô Lâm gặp ông Tập Cận Bình.

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ.

Theo BBC, hiện tại, 2 quốc gia được kết nối bằng 2 tuyến đường sắt, từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Vu Hướng Đông, Giám đốc Viện Việt Nam học từ Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu Thời báo rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng ngoại giao với Trung Quốc, Mỹ, Nga và các quốc gia khác.

Việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư cho thấy, Việt Nam vẫn đặt mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở vị trí rất quan trọng.”

Nhưng song song đó, kinh nghiệm cho thấy, Việt Nam không thể thờ ơ với Mỹ được – Giáo sư Đông nhận xét.

BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, từ Đài Loan, cho rằng:

Với xuất thân công an, Tổng Bí thư Tô Lâm hiểu rõ tầm quan trọng của sự ổn định nội bộ, trong việc đảm bảo sự ủng hộ của nhân dân. Đảm bảo ổn định trong nước, cũng tối quan trọng để thúc đẩy chính sách đối ngoại.”

“Nhìn ở tầm cao hơn, quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Mỹ là tương đối ổn định, chỉ có quan hệ với Trung Quốc vẫn rất nhạy cảm và còn nhiều khúc mắc, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Do đó, ông Lâm sẽ khôn ngoan, khi ưu tiên đầu tư cho việc củng cố tính ổn định trong quan hệ Việt – Trung, và có thể thông qua hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ.”

Nhận định về định hướng ngoại giao sắp tới của ông Tô Lâm, Tiến sĩ Sáng nói:

Ông Tô Lâm khó mà đưa con tàu đối ngoại Việt Nam đi trật đường ray. Kế thừa di sản của ông Nguyễn Phú Trọng là cần thiết, vì nó tạo thế vững chắc cho ông Tô Lâm, về quyền lực chính trị. Và khi mà chính sách cân bằng của Việt Nam – thường được biết đến với tên gọi “ngoại giao cây tre” đã khá thành công, thì không có việc gì phải điều chỉnh quá nhiều.”

BBC cho biết thêm, Việt Nam khai thác tối đa lợi ích và an ninh, trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ – Trung, nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.

BBC trích dẫn nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, viết trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục cân bằng quan hệ ngoại giao với các cường quốc, đặc biệt với Trung Quốc và Mỹ, và theo đuổi quan hệ thân thiện với các quốc gia quan trọng trên toàn cầu.

Cách tiếp cận này hiện nay là lựa chọn chính sách ngoại giao tốt nhất cho Việt Nam, dù người đứng đầu Đảng Cộng sản có là ai – Tiến sĩ Hiệp viết.

 

Ý Nhi – thoibao.de