Tô Tổng nhấn mạnh về sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong công tác nhân sự Đại hội 14

Ngày 21/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Điểm đáng chú ý trong chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về công tác nhân sự Đại hội 14”.

Theo đó, sáng 21/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Nhân sự, định hướng vấn đề nhân sự cho Đại hội 14.

BBC nhận xét, với lời khẳng định kế thừa di sản của ông Trọng, nên những chỉ đạo của Tô Tổng có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm.

Điểm khác biệt là chi tiết “phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”. Vấn đề này được ông Tô Lâm nhắc đi nhắc lại, xuyên suốt trong các phát ngôn của mình.

BBC cho biết, ông Tô Lâm đã nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức về vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ và việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 14.

Tân Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự là “đặc biệt quan trọng, khó khăn, nhạy cảm”, mang tính quyết định thành công của Đại hội sắp tới.

BBC dẫn diễn giải của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng, và kế hoạch giới thiệu nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng – ở đây là vị trí “Tứ Trụ”.

Có thể hiểu, Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra, chốt hạ, tức là thống nhất trước khi trình ra tập thể Đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược, gồm Tứ trụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư 63 tỉnh, thành….

BBC dẫn chia sẻ của một nhà quan sát chính trị Việt Nam, hồi tháng 5, nói:

“Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương Đảng về vấn đề nhân sự trước Đại hội.”

BBC dẫn ý kiến của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội, cho hay:

“Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự, gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương, và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể.”

BBC lưu ý rằng, phương án nhân sự các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, được xếp vào dạng “tuyệt mật”, theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020.

BBC nhắc lại phiên họp đầu tiên của tiểu ban này, vào ngày 13/3, do Tổng Trọng chủ trì.

Lúc bấy giờ, ông Trọng cho biết, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã phải thi hành kỷ luật “gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý”. Từ thực tế đó, ông Trọng nhấn mạnh “nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề”.

Theo BBC, trong phiên họp thứ 2 của Tiểu ban này, vào hôm 21/8, Tô Tổng nhấn mạnh, phải lấy kết quả tổng kết nhân sự Trung ương Đảng khóa 13 để làm cơ sở, để xây dựng phương hướng nhân sự Đại hội 14.

Thế nhưng, BBC bình luận, tính tới nay, nhân sự Đảng khóa 13 đã có tổng cộng 7 ủy viên Bộ Chính trị bị “xử lý”, hàng chục ủy viên Trung ương Đảng mất chức, thậm chí bị kỷ luật và vướng vào lao lý.

Như vậy, có thể thấy, khóa 13 có nhiều ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí là Tứ trụ, bị xử lý về mặt Đảng, dù trước đó, công tác nhân sự Đại hội 13 được cho là “thành công”, được Đảng “chuẩn bị kỹ lưỡng”, “hết sức công phu từ dưới cơ sở lên”.

Vẫn theo BBC, trước thực tế này, một số chuyên gia, nhà quan sát chính trị nhận định, có thể, Đảng sẽ phải sửa Điều lệ, thay đổi quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sẽ được ban hành, thay cho Quy định 214-QĐ/TW.

BBC nhấn mạnh, khi ông Lương Tam Quang được bầu vào Bộ Chính trị, ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Trịnh Văn Quyết được bầu vào Ban Bí thư, thì Trung ương Đảng đã thực hiện sai Quy định 214, vì các ông này chưa làm trọn một nhiệm kỳ uỷ viên Trung ương Đảng.

 

Minh Vũ – thoibao.de