Trong những “Tứ trụ” đã về hưu, dư luận chú ý đến ông Nguyễn Tấn Dũng nhiều nhất. Bởi cho tới nay, ông Dũng vẫn được xem là kẻ thiện chiến nhất nhì trong số “Tứ trụ”, khoảng 20 năm qua. Người duy nhất khiến Ba Dũng tạm thời đầu hàng, chỉ là ông Nguyễn Phú Trọng.
Đối đầu trực tiếp trên chính trường, có thể thấy, ông Ba Dũng có phần thất thế so với Tổng Trọng. Tuy nhiên, trong khía cạnh xây dựng mạng lưới thuộc hạ, ông Ba Dũng vượt trội hơn hẳn so với Tổng Trọng. Về cuối đời, dàn “đệ tử ruột” của ông Trọng bị rơi rụng gần hết, trong khi ông vẫn tại vị trên ghế quyền lực. Ở chiều ngược lại, một trong những “đệ tử” chân truyền của ông Ba Dũng, là Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì vẫn sừng sững trước giông bão chính trường.
Ông Trọng nhắm mắt chưa lâu, nhưng người ta không thấy bất kỳ một “đồ đệ” nào của ông, có thể là nhân vật tạo nên sức mạnh trên chính trường. Như vậy rõ ràng, về mặt tạo dựng vây cánh, chuẩn bị thế hệ kế thừa, ông Trọng yếu thế hơn ông Dũng.
Việc tạo ra mạng lưới đủ sức trụ lại và phát triển, cũng là cách mà ông Nguyễn Tấn Dũng tự bảo vệ mình. Trên thực tế, sau khi ông Dũng rời chính trường nhiều năm, mà ông Trọng vẫn không thể làm gì được ông Dũng. Ngược lại, ông Trọng còn suýt chết khi dám đến Kiên Giang – hang ổ nhà ông Nguyễn Tấn Dũng, để thị sát.
Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều kinh nghiệm trên chính trường, có lẽ vì thế, Phạm Minh Chính cũng học được ít nhiều từ người tiền nhiệm này. Cho đến nay, chỉ có Thủ tướng Chính là trụ còn lại do Đại hội 13 bầu chọn.
Việc ông Chính trở thành đối thủ nặng ký với Tô Lâm tại Đại hội 14 sắp tới, đã khiến cả 2 ông phải đối đầu nhau, từ nay cho đến Đại hội 14. Vì thế, sau khi vị trí Tổng Bí thư đổi ngôi, nhiều ý kiến đánh giá, khả năng cao, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị Tô Lâm “nắn gân”, vì Ba Dũng rất thân với Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ngược lại, thực tế cho thấy, Nguyễn Tấn Dũng lại khá gần gũi, thân thiết với ông Tô Lâm.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng mạnh nhất trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng, bởi ông nắm được Bộ Công an, thông qua Bộ trưởng Công an lúc đó là ông Lê Hồng Anh – một đồng hương Kiên Giang. Lúc đó, ông Dũng nắm Bộ Công an, không khác cách ông Tô Lâm cũng đang nắm Bộ Công an hiện nay, thông qua đồng hương Hưng Yên.
Điều đáng nói là, ở thời điểm ông Dũng mạnh nhất, ông đã gầy dựng được một mạng lưới đàn em đông nhất. Tuy sau này, một số người đã bị ông Trọng đốn hạ, nhưng vẫn còn đó một số người tiến lên đến những vị trí cao trong Tứ trụ. Hiện nay, cả Tô Lâm và Phạm Minh Chính đều là những đàn em từng được Nguyễn Tấn Dũng nâng đỡ.
Còn 16 tháng nữa là đến Đại hội 14, mà trong Bộ Chính trị, chỉ còn 2 người đủ tiêu chuẩn trở thành ứng viên ghế Tổng Bí thư. Khả năng cao, Tô Lâm sẽ tiếp tục làm Tổng Bí thư. Tuy nhiên, nếu hạ được Phạm Minh Chính, thì khả năng giữ ghế sẽ càng cao hơn. Không ai hiểu Phạm Minh Chính bằng Tô Lâm. Và không thể coi thường ông Phạm Minh Chính, dù ông đang ở thế yếu hơn.
Còn về Nguyễn Thanh Nghị, có thể thấy, sự nghiệp chính trị của ông lúc này sẽ dễ dàng hơn. Nếu xảy ra kịch chiến giữa Tô Lâm và Phạm Minh Chính, thì Nguyễn Thanh Nghị vẫn được an toàn. Việc ông Ba Dũng gần gũi với Tô Lâm, là một nước cờ lợi hại. Nước cờ này sẽ cứu cho Nguyễn Thanh Nghị khỏi bị cuốn vào những trận thư hùng không cân sức.
So với những “Tứ trụ” đã về hưu, xem ra, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn thức thời hơn, vẫn biết cách chơi cờ, dù trong tay đã không còn quyền lực. Nguyễn Thanh Nghị vẫn đang rất cần sự dẫn dắt của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Thái Hà – Thoibao.de