Ngay sau khi từ Trung Quốc về, ông Tô Lâm – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã triệu tập cuộc họp Tiểu ban Nhân sự của Đại hội 14, tại trụ sở Trung ương Đảng. Tham gia cuộc họp gồm: Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Lương Cường, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Minh Hưng, Trần Cẩm Tú, Mai Văn Chính, Phạm Thị Thanh Trà, Trần Thanh Mẫn, Võ Văn Dũng, Trần Văn Rón. 11 người này sẽ là những người có tiếng nói quyết định về nhân sự của Đại hội 14, trong đó, tiếng nói của Tô Lâm sẽ có sức mạnh lớn nhất.
Đáng chú ý, buổi họp này không có ông Phan Đình Trạc, mà việc vắng mặt tại Tiểu ban này, sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho bản thân và phe nhóm Nghệ An.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời và Tô Lâm lên thay, việc chọn thành viên bổ sung Tiểu ban Nhân sự mới này, do Tô Lâm quyết định. Ngoài ông Trọng đã mất, thì 3 người khác trong Tiểu ban cũ, gồm Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, cũng không thể có mặt, do đã bị Tô Lâm triệt hạ. Vì thế, Tiểu ban Nhân sự mới này được bổ sung nhiều khuôn mặt mới, tuy nhiên, ông Phan Đình Trạc vẫn không được chọn để bổ sung.
Liệu đây có phải là ý đồ của ông Tô Lâm hay không?
Ông Trạc hiện là người có địa vị lớn nhất, và có tiếng nói mạnh nhất nhóm Nghệ An, sau khi ông Vương Đình Huệ ngã ngựa. Ông Trạc là thành viên Ban Bí thư khóa 12 và 13; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13.
Giờ đây, khi đã thay thế ông Trọng, ắt hẳn, ông Tô Lâm cũng tính đến việc thay thế những nhân vật do ông Trọng cất nhắc, trong đó có ông Phan Đình Trạc. Tuy nhiên, với một nhân vật từng làm trong ngành Công an, và đang là Ủy viên Bộ Chính trị, thì Tô Lâm không thể loại ông Trạc trong một sớm một chiều, mà phải từ từ thực hiện. Trước hết, phải hạn chế vai trò của ông Trạc, rồi sau đó mới tính đến chuyện hạ bệ ông.
Ông Trạc từng muốn nhảy vào Bộ Công an, để tranh chức Bộ trưởng, vào thời điểm Võ Văn Thưởng mới từ chức. Điều này khiến cho Tô Lâm suýt trở thành “hổ bị điều ra khỏi hang” để thịt. Có lẽ, Tô Lâm biết rõ ý đồ của ông Trạc và nhóm Nghệ An, nên quyết ngồi lại ghế Bộ trưởng, cho đến khi sắp xếp được đàn em thay mình.
Hành động kể trên của Phan Đình Trạc, đã để lộ ra tham vọng của ông, và nó trở thành bất lợi cho ông sau này.
Việc ông Tô Lâm cho bắt giam Phó ban Nội chính Trung ương, được xem là bước đi đầu tiên, để tiến đến loại bỏ ông Trạc khỏi chính trường. Số phận ông Trạc hiện nay đang treo lơ lửng, phụ thuộc rất nhiều vào lời khai của Nguyễn Văn Yên.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiều người, nhưng đáng chú ý là những nhân vật trong Bộ Chính trị. Bởi các uỷ viên Trung ương Đảng thường có tiếng nói không đủ mạnh, để giành lấy lợi thế cho phe cánh của mình. Đáng chú ý, trong Tiểu ban này có Phạm Minh Chính, Lương Cường, Trần Cẩm Tú, Lê Minh Hưng, và Trần Thanh Mẫn. Trong đó, Phạm Minh Chính và Trần Cẩm Tú là 2 gương mặt cũ, đã có trong Tiểu ban này từ khi ông Trọng còn sống. Tướng Lương Cường là nhân vật được bổ sung.
Tiểu ban Nhân sự của một đại hội, được xem là đội quân “gác đền” cho đại hội đó. Việc ông Trạc không có tên trong Tiểu ban này là một bất lợi lớn cho nhóm Nghệ An. Dù nhóm này vẫn có bà Phạm Thị Thanh Trà tham gia Tiểu ban, nhưng bà Trà chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, tiếng nói không đủ mạnh.
Với việc Tô Lâm lên Tổng Bí thư, Phạm Minh Chính nắm chức Thủ tướng, có thể nói, những người gốc Công an đang làm mưa làm gió trên chính trường. Tất cả đều là những đối thủ “cứng cựa”, khó bị đánh bại.
Ông Phan Đình Trạc cũng xuất thân từ ngành Công an, và thuộc nhóm Nghệ An. Cho nên, Tô Lâm muốn loại ông Trạc cũng không dễ. Hãy đợi xem, Tô Lâm dùng biện pháp gì?
Hoàng Phúc – Thoibao.de