Tương tự ghế Chủ tịch nước, ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng bị coi là có “dớp”, và ít lãnh đạo muốn ngồi.
Trong quá khứ, Ban Kinh tế Trung ương được đánh giá là một kho trung chuyển, đối với các lãnh đạo đang trong thời gian xem xét kỷ luật. Cụ thể, các cựu uỷ viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Trần Tuấn Anh, trước khi bị kỷ luật hay bị truy tố, thì ngồi ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ngày 21/8, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, về giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Mạng xã hội lập tức có nhiều ý kiến thắc mắc, ông Trần Lưu Quang phải chăng lại bị dính “cái dớp” xui xẻo, hay ghế Phó Thủ tướng lại sắp bị gãy? Dù rằng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang được giới thạo tin cho biết, “có mối quan hệ thâm tình, như người thân trong gia đình của Tổng Bí thư Tô Lâm”.
Nguồn tin nội bộ của thoibao.de tiết lộ, ông Trần Lưu Quang, quê quán Tây Ninh, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì bố mẹ ông đều là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau năm 1975, cả gia đình ông Quang trở về quê hương ở Tây Ninh. Bà Huệ – mẹ ông Quang, từng giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Bố ông Quang từng làm Tổng biên tập báo Tây Ninh.
Trong chiến tranh chống Mỹ, bố ông Quang từng là cận vệ cho ông Tô Quyền – bố ông Tô Lâm. Đó là lý do khiến 2 gia đình của ông Tô Lâm và ông Trần Lưu Quang có ơn nghĩa với nhau, và có thể coi họ như người trong gia đình.
Ngày 16/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định, bố trí cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đảm trách các nhiệm vụ do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh để lại, và một phần việc của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Giới quan sát đánh giá, hoạn lộ tiến thân của ông Quang dường như theo một lộ trình sắp đặt sẵn, giống y như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với khoảng thời gian chập chững bước vào chính trường, giai đoạn đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Do vậy, việc ông Trần Lưu Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị chỉ là vấn đề thời gian. Việc Tô Tổng quyết định điều động ông Quang giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chỉ là bước đệm nhằm “tráng men”. Mục đích thực sự là bổ sung các điều kiện cần và đủ cho ông Quang, để ông được cơ cấu, đưa vào Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất. Có thể là tại Hội nghị Trung ương 10, dự kiến sẽ khai mạc vào tháng 10 tới đây.
Trước đó, ngày 27/2/2019, Bộ Chính trị bất ngờ quyết định điều động Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang, về giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông Nguyễn Văn Nên mới về giữ chức Bí thư Thành uỷ tại thành phố này.
Đến tháng 5/2021, Bộ Chính trị lại phân công ông Trần Lưu Quang ra giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Rồi sau đó, đến tháng 1/2023, ông Quang trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ, thay cho ông Lê Văn Thành nghỉ vì lý do sức khỏe.
Điều đáng nói là, tại sao, “tân binh” Trần Lưu Quang lại dễ dàng đè bẹp được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến – một người dân gốc Hải Phòng chính hiệu?
Dư luận Hải Phòng lúc đó hết sức bất ngờ, cho rằng, phải có một thế lực ngầm nào đó khống chế, nắm thóp thế lực chính trị tại Hải Phòng, mới có thể thành công đưa ông Quang về đây. Đến nay, một số người cho rằng, không ai khác ngoài cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đây cũng được cho là một trong những bằng chứng cho thấy, dù tuyên bố về quê làm người tử tế, song rõ ràng, ông Ba Dũng luôn gắn chặt với các diễn biến chính trị, liên quan đến ông Tô Lâm, cũng như phe cánh Bộ Công an.
Trà My – Thoibao.de