Ngày 22/8, Blog Trân Văn của VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Việt Nam – quyền lực trong tay ai?”.
Theo đó, tác giả Trân Văn viết, trong mười năm làm Thủ tướng từ năm 2006 đến 2016, bất kể sự can gián của các chuyên gia, ông Nguyễn Tấn Dũng đã dốc gần như toàn bộ nội lực quốc gia, vào những dự án của các tập đoàn nhà nước, và tổng công ty nhà nước. Khoản tiền chừng ba tỷ USD, rút từ công quỹ và các khoản vay ngoại quốc vừa trở thành giấy lộn, vừa tạo thêm nợ, vừa đặt chính quyền Việt Nam trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Tác giả Trân Văn lưu ý, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, riêng ngành Công Thương có ít nhất khoảng 16 đại dự án thua lỗ và không chỉ có thế! Còn có những scandal về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khiến nhiều doanh nghiệp về lý, nếu không thuộc sở hữu nhà nước, đáng lẽ khi giải tư phải trở thành sở hữu của tập thể người lao động làm việc trong đó, nhưng cuối cùng, những doanh nghiệp nhà nước này lại bị định giá rẻ mạt, tạo điều kiện cho một số viên chức và thân nhân của họ thâu tóm.
Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, thiên hạ bắt đầu kháo nhau “chạy chức, chạy quyền”, và sau đó, dù không muốn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam miễn cưỡng thừa nhận đó là “vấn nạn”, là “ung nhọt phổ biến, không chỉ gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng”.
Cũng từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, bất kể khuyến cáo của các chuyên gia, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam biến tăng trưởng GDP thành một thứ trang sức, để chứng tỏ sự “sáng suốt” và “năng lực”, của cả cá nhân lẫn hệ thống.
Tác giả nhắc lại, vào tháng 10/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11, tổ chức hội nghị lần thứ sáu. Khi phát biểu bế mạc, Tổng Trọng đã khiến thiên hạ ngỡ ngàng, vì công khai thừa nhận: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư của khóa này có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Đó là lần đầu tiên, một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam liệt kê cặn kẽ những khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, song việc nhấn mạnh những khuyết điểm của các tập thể này, cho thấy mục đích chỉ nhằm xác định lỗi của cá nhân cụ thể.
Đó cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải dùng “khổ nhục kế”: “Để giữ nguyên kỷ luật trong Đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng, và làm gương trong toàn Đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất 100%, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, cho được nhận một hình thức kỷ luật, và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị”.
Tác giả nhận xét, sở dĩ lúc ấy, ông Trọng nghẹn ngào, vì ông và các đồng chí cùng phe đã phải dùng tới hạ sách, tự nguyện nhận kỷ luật đối với tập thể, để có thể buộc “Một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị” phải gánh trách nhiệm cá nhân, nhưng vẫn thất bại.
Sự bất lực của Tổng Trọng và các thành viên cao cấp đang lãnh đạo Đảng cho thấy, ông Nguyễn Tấn Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ, có đủ cả thế lẫn lực.
Tác giả Trân Văn cho rằng, dù ông Dũng rời chính trường năm 2016 và sau đó, nhiều cá nhân vẫn được xem là thân cận với ông Dũng, thăng tiến nhờ sự nâng đỡ của ông, nhưng không ít người cũng rơi vào vòng lao lý. Trong khi đó, ông Dũng không chỉ “bình an vô sự”, mà các quý tử của ông vẫn có thể “thăng tiến thần tốc”. Điều đó cho thấy ông vẫn còn thực lực.
Tác giả nhận định, khi chính trường hỗn loạn, trong bối cảnh “long tranh, hổ đấu”, phe nào cũng có nhu cầu củng cố thực lực, đặc biệt là đối với xứ sở còn đặt nặng yếu tố vùng, miền như Việt Nam. Sau chuỗi “bàn ra, tán vào”, vì cả miền Nam lẫn miền Trung, đột nhiên cùng thất thế trong việc phân chia quyền lực, trên bàn cờ chính trị hiện tại, sự xuất hiện trở lại hết sức khác thường của ông Dũng, dường như nhằm xoa dịu, cân bằng dư luận.
Quang Minh – thoibao.de