Ngày 29/8, RFA Tiếng Việt bình luận “Ông Tô Lâm và những toan tính, nên thâu tóm hay chia sẻ quyền lực”.
Theo thông báo sau phiên họp bất thường thứ 8 của Quốc hội khóa 15, diễn ra hôm 26/8, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới, theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Điều đó có nghĩa, việc “thâu tóm quyền lực” cho đến Đại hội 14, diễn ra vào năm 2026, của ông Tô Lâm sẽ khó thực hiện.
RFA dẫn nhận xét của luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tham dự kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khai mạc vào ngày 10/9 tại New York. Có thể, ông sẽ thăm Nhà Trắng, hoặc có bài phát biểu trước quốc tế. Muốn như vậy, ông cần phải có chức danh là nguyên thủ quốc gia, chứ không thể chỉ là người đứng đầu Đảng.
RFA cũng dẫn ý kiến của ông Nguyễn Tiến Trung, từ Đức, cho rằng, ông Tô Lâm sẽ đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khi là người đầu tiên gặp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với tư cách là vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước. Có như vậy thì, theo ông Trung, “cái thế của ông ấy càng được mạnh hơn”.
Không cùng suy nghĩ với 2 quan điểm nêu trên, RFA dẫn lời ông Lê Anh Hùng, một nhà quan sát chính trị từ Việt Nam, nói rằng, ông ủng hộ việc nhất thể hóa 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước:
“Nếu ông Tô Lâm chấp nhận mở rộng cái không gian sinh hoạt dân chủ cho nhân dân Việt Nam, thì việc gộp 2 cái chức danh, nhất thể hóa Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước là rất là cần thiết.”
RFA cho biết, kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua cũng đã chọn ra 3 phó thủ tướng mới, thay thế vị trí trống của những người tiền nhiệm, đã bị mất chức vụ do dính líu tới các vụ án tham nhũng, hoặc chuyển công tác.
Luật sư Đài nhận xét, những lãnh đạo mới không đủ năng lực để ngồi vào ghế phó thủ tướng, nhưng là người thuộc phe ông Tô Lâm:
“Nếu như những người như ông Vũ Đức Đam hay ông Phạm Bình Minh còn ở lại, thì chắc chắn, họ sẽ không bao giờ nghe lời ông Tô Lâm.Còn những Phó Thủ tướng mới, thì tôi cho rằng, đều là những người thuộc phe cánh của ông Tô Lâm. Ông ấy muốn những người làm theo cái gì mà ông muốn, chứ không phải làm theo những gì mà Chính phủ hay là người dân muốn.”
Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình từng bị chỉ trích rất nhiều, liên quan đến các vụ án tử tù oan, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải, đã khiến ông Bình mang “tiếng xấu cho chính bản thân ông ấy, cũng như ngành tư pháp của Việt Nam”.
RFA cũng cho biết, việc ông Lê Minh Trí vừa được bầu giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thay ông Nguyễn Hòa Bình, khiến nhiều người nuôi hy vọng rằng, vụ án Hồ Duy Hải sẽ sớm được lật lại. Trong số này có ông Lê Anh Hùng:
“Trước kia, khi là Viện trưởng Viện kiểm sát, ông Trí đã lên tiếng bày tỏ sự bênh vực đối với các trường hợp án oan, thì bây giờ, khi ông ấy ở cương vị mới, chúng ta có quyền hy vọng.”
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, luật sư Đài nhận định, ông Lê Minh Trí nên có những hành động cụ thể, để chứng minh những kiến nghị của mình về vụ án Hồ Duy Hải là đúng:
“Chính bản thân ông đã phát hiện ra những cái sai cơ bản nhất trong vụ án Hồ Duy Hải. Ông đã liệt kê đến gần 30 điểm sai trái trong cái bản kiến nghị.”
“Và ông ấy cũng phải chứng minh rằng, cái bản kiến nghị của ông ấy là đúng và chính xác. Còn nếu như không làm được điều đấy, thì ông ấy thừa nhận là cái việc kiến nghị của ông là sai.”
Quang Minh – thoibao.de