Bạo lực là công cụ duy nhất, liệu Tô Lâm có dám nới lỏng thòng lọng khi ngồi ngôi Tổng?

Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư không như những người trước đó. Tô Lâm lên ngôi bằng cách đánh cướp, chứ không phải là người được chọn.

Khi ông Nguyễn Phú Trọng mới lên Tổng Bí thư, ông không có kẻ thù. Nhưng vì tham vọng lấy lại vị thế đã mất về cho Văn phòng Trung ương Đảng, nên sau đó, vũ đài chính trị mới hình thành 2 thế lực, kèn cựa nhau suốt gần 5 năm trong nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Ngôi Tổng Bí thư lẽ ra thuộc nhóm Nghệ An, sau khi Tổng Trọng qua đời, nhưng do Tô Lâm làm phản, nên đã làm xáo trộn tất cả.

Nhóm Nghệ An thất thế nên im lặng “chịu đòn”. Tuy nhiên, mầm họa đối với Tô Lâm thì vẫn còn đó. Dù Vương Đình Huệ ngã ngựa, nhưng Nghệ An vẫn còn 2 uỷ viên Bộ Chính trị, và hàng chục uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó, có một số nhân vật đang vận động để được vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ sau.

Ngoài ra, nhóm Hà Tĩnh cũng đông đảo không kém. Ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, chắc chắn sẽ dùng quyền lực chèn ép 2 thế lực này, để dọn đường cho thế lực Hưng Yên lớn mạnh. Lợi ích của nhóm Hưng Yên lớn bao nhiêu, thì lợi ích bị tước đoạt của 2 nhóm lớn này cũng sẽ lớn bấy nhiêu. Có thể nói, Tô Lâm ngồi ghế Tổng Bí thư, trong bối cảnh, có rất nhiều thế lực đang chực chờ cơ hội, để giật lại những gì đã mất.

Trong giới quan sát và phân tích chính trị, nhiều ý kiến cho rằng, Tô Lâm lên ngôi đồng nghĩa với thời kỳ Công an trị thắt chặt hơn. Nhưng cũng có ý kiến lạc quan cho rằng, Tô Lâm sẽ là nhà cải cách, sẽ nới lỏng hơn so với thời ông Trọng. Lúc này vẫn còn quá sớm để kết luận, tuy nhiên, dựa trên những diễn biến đang diễn ra trên vũ đài chính trị, vẫn có thể dự đoán phần nào chính sách của Tô Lâm.

Có thể, ông Tô Lâm muốn buông vũ lực, để xây dựng hình ảnh một Tổng Bí thư cởi mở, ít đánh đấm với “đồng chí”, và “gần dân” hơn. Có thể thấy điều này thông qua những hoạt động gần đây của ông. Tuy nhiên, hoàn cảnh chính trị có cho phép ông thực hiện điều đó hay không, lại là chuyện khác.

Tô Lâm là một vị tướng, nhờ âm thầm nuôi quân, chờ thời cơ tạo phản. Đồng thời, ông dùng lợi thế “bạo lực cách mạng”, gom góp các “tử huyệt” của đối thủ chính trị vào thành một kho dữ liệu. Chính vì cách làm này, ông Tô Lâm đã đốn ngã hàng loạt nhân vật lớn, để độc chiếm ghế Tổng Bí thư. Như vậy, liệu ông Tô Lâm có thể buông bỏ lợi thế và sức mạnh của mình được không?

Nếu buông bỏ, Tô Lâm dùng “đức” để đối đãi với “đồng chí”, thì điều này chẳng khác nào từ bỏ sở trường để chọn sở đoản? Khi đó, Tô Lâm sẽ bị các thế lực khác đánh bật ra khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư này.

Theo những thông tin nội bộ mà thoibao.de có được, Tô Lâm đang thực hiện chính sách “trấn lột” các lãnh đạo đã ngã ngựa. Cụ thể, đối với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm buộc ông Phúc phải nhả một phần tài sản, để đổi lấy điều kiện không bị truy tố hình sự. Đây không phải là cách làm “nhân đạo” với “đồng chí”, mà là đang “thịt” “đồng chí”. Cách làm này vẫn gây thù chuốc oán, chứ không phải “thêm bạn bớt thù”.

Ông Tô Lâm đang có trong tay bộ máy tuyên truyền khổng lồ, có thể Ban Tuyên giáo sẽ vẽ cho ông một lớp mặt nạ “vì dân”, và “nhân ái” với “đồng chí”. Tuy nhiên, sự thật phía sau chiếc mặt nạ này mới là vấn đề. Tuyên giáo có thể qua mặt dân – những người thiếu thông tin, chứ không thể qua mặt các “đồng chí” của ông, đặc biệt là những nạn nhân đang bị ông “trấn lột”.

Với Tô Lâm, bạo lực là công cụ duy nhất để chiếm ngôi, thì đây cũng là công cụ duy nhất để ông giữ ngôi. Rất khó để Tô Lâm thực hiện tham vọng trở thành một Tổng Bí thư được lòng Đảng, như ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Thái Hà – Thoibao.de