Phải chăng Tổng Bí thư Tô Lâm từ chủ công, phải chuyển sang phòng thủ và hòa hoãn?

Quyết định của Quốc hội Việt Nam về việc sẽ bầu mới chức danh Chủ tịch nước, ngày càng trở thành hiện thực. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ nắm được chức danh người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn chức vụ Chủ tịch nước, sẽ được bàn giao cho một lãnh đạo cấp cao khác.

Việc Văn phòng Trung ương Đảng vừa công bố quyết định bổ nhiệm Trung tướng Tô Ân Xô làm Trợ lý Tổng Bí thư, và phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư, càng khẳng định điều đó. Như vậy, “giấc mộng” nhất thể hóa chức vụ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, mà ông Tô Lâm theo đuổi, đã tan thành mây khói.

Việc nắm giữ chức Chủ tịch nước – vốn vẫn được cho là “có tiếng nhưng không có miếng”, đối với ông Tô Lâm trong lúc này, vẫn có ý nghĩa. Nếu ông không nắm được chức danh này, thì sẽ mất đi vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, dẫu rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn nghiễm nhiên là Bí thư Quân ủy Trung ương.

Dưới sức ép của nội bộ Đảng, tham vọng nắm quyền lực tuyệt đối của ông Tô Lâm “tạm thời” bị chặn lại. Ông không thể nắm trọn cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Động thái này cho thấy, vai trò chủ công của ông Tô Lâm lâu nay, “đã bị” buộc phải chuyển sang thế phòng ngự, để tính toán các phương án mới. Làm thế nào để ông có thể chế ngự phe tướng lĩnh cấp cao trong Đảng, vốn dĩ trung thành với cố Tổng Bí thư Trọng và Bắc Kinh.

Cách đây chưa lâu, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sống, ông Tô Lâm lợi dụng sự tin tưởng của ông Trọng, đã lạm quyền “tiền trảm, hậu tấu”, khiến cho các đối thủ trở tay không kịp. Sau đó, tình hình dường như đã được vãn hồi, khiến ông Tô Lâm và phe cánh phải cẩn trọng hơn.

Phe quân đội với vai trò trung tâm quyền lực, là lá chắn cuối cùng để bảo vệ chế độ. Nhưng do mất đoàn kết nội bộ, nên đã đánh mất vị thế của mình cho ông Tô Lâm và phe công an. Trong khi, phe quân đội có 2 đại tướng và lực lượng quốc phòng hùng hậu, vậy mà phải khoanh tay ngồi nhìn Đại tướng Công an Tô Lâm hoành hành, như chốn không người.

Theo một số nhận định, thế và lực của ông Tô Lâm và phe cánh trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa đủ mạnh. Đó là lý do, trong thời gian gần đây, ông Tô Lâm hết sức nỗ lực trong công tác tổ chức nhân sự, để đưa các nhân vật thân tín của mình vào nắm giữ các cương vị chủ chốt, mang tính quyết định. Trong khi đó, Hội nghị Trung ương 10 chỉ còn chưa đầy một tháng sẽ khai mạc, và thời gian từ nay đến đó có một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Cũng theo một số đánh giá, phe quân đội, sau một thời gian “ngơ ngác”, không có những phản ứng cần thiết, cuối cùng, đã khẳng định quan điểm bất di, bất dịch: Trung tâm quyền lực thuộc về quân đội, chứ không phải do công an kiểm soát và thao túng. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm chủ động rời ghế Chủ tịch nước, để nhường lại cho phe quân đội, được cho là, ông Tô Lâm đã chuyển sang giai đoạn hòa hoãn.

Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, về sự thay đổi một số chủ trương, theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đang cố gắng làm đẹp hình ảnh để lấy lòng dân chúng, cũng như các ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị. Nếu không, ông sẽ khó nhận được sự ủng hộ, để trở thành trường hợp đặc biệt tại Đại hội Đảng 14.

Ông Tô Lâm sẽ hạn chế bắt bớ, các quan chức cấp cao tham nhũng sẽ không bị xử lý hình sự. Kể cả các vụ tham nhũng đặc biệt lớn, mà công luận hết sức quan tâm, như vụ gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc, vụ ông Đặng Quốc Khánh… cũng sẽ chỉ bắt nộp lại tiền rồi thôi, chứ không khởi tố, bắt giam như tin rò rỉ trước đây.

Chúng ta hãy chờ xem.

 

Trà My – Thoibao.de