Lâu nay, Đảng vẫn dùng tuyên giáo để ca tụng chính sách “ngoại giao cây tre”, là uyển chuyển, là khôn khéo. Có trong tay bộ máy tuyên truyền khổng lồ, nên họ tha hồ vẽ ra đủ thứ, để tô đẹp cho một đường lối chính sách vô định, lúc thì ngả bên này, lúc xoay bên kia, khiến các cường quốc cảm thấy không đáng tin.
Thật ra, chính sách ngoại giao của Đảng phải dùng từ “đu dây” thì mới đúng. Giữa Mỹ và Trung Quốc – Việt Nam phải lấy thăng bằng trên sợi dây nối giữa 2 cường quốc này, rất cực khổ và mong manh.
Một số nước Đông Á dựa hẳn vào Mỹ, và thách thức Trung Quốc. Nhật cho Mỹ đóng quân ở quần đảo Okinawa, để giám sát và bao vây Trung Quốc. Vì thế, Nhật tranh chấp sòng phẳng với Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư, mà không cần phải sợ phật lòng. Hàn Quốc cũng cho quân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ. Còn Đài Loan thì lại cứng rắn hơn, dù ở sát Trung Quốc, nhưng họ công khai thân Mỹ, công khai mời lãnh đạo Hạ viện Mỹ sang thăm, công khai mua vũ khí tối tân bậc nhất của Mỹ, để phòng vệ, bất chấp Trung Quốc giương oai diễu võ hăm dọa.
Trong khi đó, cả 3 quốc gia trên đều tự lực về kinh tế. Họ là những nền kinh tế mạnh, với các thương hiệu toàn cầu. Đấy là kết quả có được do chính sách ngoại giao kiên định, không sợ Trung Quốc, không chiều lòng Bắc Kinh.
Còn Việt Nam thì sao?
Chính sách đu dây khiến Việt Nam cứ mãi lo giữ thăng bằng, mà để vuột mất hàng loạt cơ hội cho đất nước phát triển. Giờ đây, Đảng lại dốc hết sức lực của mình ra, để tiếp tục giữ thăng bằng, chỉ mong được Trung Quốc hài lòng, nhưng vẫn đảm bảo có thể kiếm được đô la từ thị trường Mỹ.
Chính sách “ngoại giao cây tre” thời Tô Lâm còn tệ hơn cả thời ông Nguyễn Phú Trọng. Theo một số ý kiến, ngay trong Đảng, mầm loạn đã nổi lên, Tổng Bí thư chủ trương đường lối khác, nhưng Bộ Quốc phòng lại chủ trương đường lối khác. Chính đường lối ngoại giao bất nhất này, đã khiến Tô Lâm mất uy tín đối với Tập Cận Bình.
Điều đáng nói là, Đảng Cộng sản Việt Nam càng loạn, thì Tập Cận Bình càng có lợi. Việt Nam loạn thì các phe cánh mới phải tranh thủ sang Bắc Kinh “triều kiến”, bày tỏ sự thần phục. Cứ mỗi lần như thế, Tập Cận Bình lại có thêm “quà cáp” là những hợp đồng, văn kiện hợp tác 2 bên. Cứ như thế, sợi dây thòng lọng của Bắc Kinh dần dần siết chặt vào cổ của Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, chỉ có người dân là chịu thiệt, chỉ có đất nước phải chịu thiệt.
Hiện nay, Bắc Kinh vẫn đang theo dõi sát sao những biến động trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn ai hết, Tập không muốn Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ, dù không thể ép buộc, không cho phép nhà nước Việt Nam bắt tay với Mỹ. Bởi vì, dù sao, Việt Nam cũng là một quốc gia độc lập. Tập Cận Bình chỉ có thể điều khiển chính sách của Việt Nam, thông qua việc điều khiển Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể là nắm thóp Tổng Bí thư, bắt Tổng Bí thư phải điều khiển Đảng và đất nước Việt Nam theo ý đồ của Tập.
Từ Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay, chưa có Tổng Bí thư nào dám đi sai quỹ đạo của Bắc Kinh. Việt Nam vẫn bắt tay với Mỹ, và ngày một tiến lại gần hơn, nhưng vẫn luôn phải giữ giới hạn.
Tuy nhiên, khi mà trong Đảng có 2 xu hướng trái ngược nhau, thì đấy cũng là điều khiến Tập Cận Bình phải lo ngại. Lo ngại vì Tô Lâm không thể điều khiển được mọi phe phái đi theo một hướng, chứ không phải lo ngại về việc Tô Lâm “phản bội”.
Vừa lên Tổng Bí thư đã vội đi Bắc Kinh triều kiến, để tỏ lòng thành, nhưng đấy chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là ông Tô Lâm phải điều khiển được toàn Đảng, đi hướng mà Bắc Kinh muốn. Việc này không phải đơn giản, bởi hiện nay, phe quân đội đang có dấu hiệu bất tuân đối với ông Tô Lâm.
Đợi xem, diễn biến tiếp theo trên chính trường sẽ ra sao?
Thái Hà – Thoibao.de