Sau Hội nghị Trung ương 10, cỗ xe chiến thắng của Tô Lâm sẽ bị chặn?

Giành được ghế Tổng Bí thư, nhưng ông Tô Lâm vẫn chưa thể áp đặt hoàn toàn luật chơi lên phần còn lại. Ông chấp nhận nhả ghế Chủ tịch nước, là một bước lùi, sau khi có được ghế Tổng Bí thư. Như vậy, việc nhả ghế Chủ tịch nước cho phe quân đội, xem như, thế chẻ tre của ông đã bị chặn đứng.

Cỗ xe chiến thắng của ông Tô Lâm tạm thời dừng lại, không theo mong muốn của ông. Ông cần làm mọi cách để tiếp tục chiến thắng.

Hội nghị Trung ương 10 đã khai mạc ngày 18/9, dự kiến kéo dài đến ngày 20/9. Đây là đợt phân chia lại quyền lực, đặc biệt là ghế Chủ tịch nước. Ở Hội nghị bất thường gần nhất, các phe phái khác đã đã đòi ông Tô Lâm phải nhả ghế Chủ tịch nước, để Quốc hội bầu lại, tại kỳ họp tới vào tháng 10. Tuy nhiên, ông Tô Lâm viện lý do thăm Mỹ để chần chừ, không bàn giao.

Tại Hội nghị Trung ương 10 này, nếu ông Tô Lâm không “lật kèo”, thì khả năng cao, ông Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, sẽ trở thành Chủ tịch nước. Lúc này, ông Tô Lâm mới chính thức chia sẻ quyền lực cho phe quân đội.

Nếu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước, rồi bắt tay với Tướng Phan Văn Giang, thì ông sẽ trở nên rất mạnh. Đấy là kịch bản rất xấu cho ông Tô Lâm.

Ông Lương Cường và ông Phan Văn Giang sẽ cân bằng với ông Tô Lâm và ông Lương Tam Quang. Cho nên, việc nhả ghế Chủ tịch nước, cũng tiềm ẩn rủi ro cao đối với ông Tô Lâm. Trước đây, khi Đại tướng Quân đội Lê Đức Anh nắm chức Chủ tịch nước, ông là người có tiếng nói rất mạnh trong Tứ trụ thời đó. Nếu nhả ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường, rất có thể, lại xuất hiện một Lê Đức Anh thứ hai.

Việc ông Tô Lâm làm “đảo chính ngầm”, đến nay vẫn đang khiến cho các thế lực khác lo lắng. Bối cảnh hiện nay cho thấy, thế lực quân đội đang dần hình thành, và nếu họ thành công, ông Tô Lâm sẽ bị hạ tư thế.

Từ sau khi lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm chỉ mới cho đánh hàng uỷ viên Trung ương Đảng. Đến nay, vẫn chưa có uỷ viên Bộ Chính trị nào ngã ngựa. Hơn 3 tháng làm Tổng Bí thư, không phải là thời gian quá ngắn, bởi Tô Lâm từng đánh Võ Văn Thưởng trong vòng chưa đầy 40 ngày, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai tương tự.

Rất có thể, những ủy viên Bộ Chính trị còn trụ lại đến thời điểm này, đều là những người “khó bứng”, đặc biệt là các tướng quân đội. Hiện, Bộ Chính trị có 3 uỷ viên là tướng quân đội, những người này được xem là miễn nhiễm với những đòn điều tra của Lương Tam Quang. Một khi họ đoàn kết thì Tô Lâm cũng phải cẩn thận trước sức mạnh của họ. Ngoài vết chàm Mobifone mua AVG, thì Công ty Xuân Cầu của đại gia Tô Dũng cũng có thể bị quân đội điều tra.

Dư luận đang chờ xem Hội nghị Trung ương 10 sẽ chia chác lại quyền lực như thế nào? Liệu có phải ông Lương Cương lên Chủ tịch nước hay không? Liệu phe quân đội sau đó có đoàn kết hay không?

Sức mạnh của phe Tô Lâm phụ thuộc vào sức mạnh của phe quân đội, nếu quân đội mạnh lên, phe Tô Lâm sẽ phải “co vòi”, và khi đó, rất có thể, phe quân đội cũng là điểm thu hút nhiều phe khác xin “đầu quân”.

Tướng Lương Cường có ưu thế là xuất thân từ quân đội, ông sẽ miễn nhiễm với điều tra của Tô Lâm, nhưng khả năng tấn công của Lương Cường không mạnh. Nói chung, Lương Cường chỉ giỏi phòng thủ, nếu muốn tấn công tốt, cần phối hợp với Phan Văn Giang.

Tranh đấu với Tô Lâm mà muốn chiến thắng, thì chỉ có thể tấn công, chứ không thể chịu trận mãi. Chỉ có tấn công và tỉa đi vài cánh tay đắc lực của Tô Lâm, thì may ra, ông mới chùn tay, bằng không, tất cả đều sẽ là nạn nhân của Tô Lâm.

 

Hoàng Phúc-Thoibao.de