Tại Hội nghị Trung ương, Phan Văn Giang kéo bè họp riêng, loại bỏ “đồ đệ” Tô Lâm?

Ngày 18/9, Hội nghị Trung ương 10 khai mạc và dự định kéo dài đến ngày 20/9. Đây là Hội nghị ăn chia sau thời gian đấu đá, tranh giành, và ngã giá. Quan trọng nhất là, chức Chủ tịch nước của ông Tô Lâm sẽ thuộc về ai. Khả năng cao là sẽ thuộc về ông Lương Cường.

Tuy nhiên, cùng ngày 18/9, Tướng Phan Văn Giang không tham dự Hội nghị này, mà ông lại tham gia một cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu. Được biết, ông Giang từng là Tổng Tham mưu trưởng quân đội, trước khi lên làm Bộ trưởng. Ông về Bộ Tổng tham mưu họp, được xem là trở về “ngôi nhà” của ông.

Nếu nói, nhà của ông Tô Lâm là Bộ Công an, thì có thể ví Bộ Tổng tham mưu là nhà của ông Phan Văn Giang.

Cuộc họp này có: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Vũ Hải Sản – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Trương Thiên Tô – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Đáng chú ý, trong cuộc họp này không có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Chiến là người Hưng Yên, được xem là người của ông Tô Lâm trong quân đội. Nếu phe Phan Văn Giang bị hạ, rất có thể, ông Hoàng Xuân Chiến sẽ là người hưởng lợi lớn nhất.

Việc ông Phan Văn Giang “lẻ bầy” khỏi Hội nghị Trung ương 10 để họp riêng, cũng có thể thấy, mâm quyền lực ở Hội nghị lần này, phải chăng không có phần cho Phan Văn Giang? Chính vì vậy, nên ông mới bỏ họp để tổ chức một cuộc họp khác?

Việc ông Giang chủ trì cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu lần này, có thể xem là để củng cố sức mạnh phe cánh. Nếu nói ông Tô Lâm thâu tóm quyền lực dựa trên Bộ Công an, thì ông Phan Văn Giang, nếu muốn đứng vững giữa một võ đài chính trị đầy sóng gió, thì cũng cần chỗ dựa vững chắc. Đó chính là Bộ Tổng tham mưu – nơi ông từng là người đứng đầu trong một thời gian.

Quân đội hiện có 2 phe cạnh tranh nhau rất mạnh. Phe Lương Cường với thành phần chủ yếu là các tướng thuộc Tổng Cục Chính trị, và phe Phan Văn Giang với thành phần chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu. Ngoài ra còn nhiều phe khác cũng muốn ngoi lên, cạnh tranh ảnh hưởng với 2 phe này, đặc biệt phe ủng hộ Tô Lâm do Hoàng Xuân Chiến đứng đầu.

Đánh vào thế lực thân Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm thắng như chẻ tre, và chiếm luôn 2 ghế trong Tứ trụ. Tuy nhiên, sau khi giành thắng lợi, cũng là lúc ông giữ quyền lực còn khó hơn cả chiếm quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã bị ép phải nhả chức Chủ tịch nước. Mà phe chèn ép Tô Lâm chính là quân đội.

Hiện nay, phe quân đội vẫn chưa cho thấy họ đoàn kết. Bằng chứng là, mới đây, báo Quân đội Nhân dân đăng bài viết về “cách mạng màu”, ngay sau khi Phan Văn Giang đi Mỹ về. Nếu phe Lương Cường và Phan Văn Giang đoàn kết, thì việc cân bằng quyền lực với Tô Lâm không phải là bài toán quá khó.

Khi quân đội chưa đoàn kết, mà đã ép được Tô Lâm nhả ghế, vậy, nếu họ đoàn kết thì mạnh đến mức nào? Tuy nhiên, cái khó hiện nay là Lương Cường có bỏ qua “nỗi nhục” thua cuộc ở Đại hội 13 trước Phan Văn Giang, để bắt tay nhau đối phó với Tô Lâm hay không? Nếu bắt tay, cả 2 cùng có lợi.

Thượng tầng chính trị Việt Nam vẫn còn đang rối loạn, sau cuộc “đảo chính mềm” của Tô Lâm và cái chết của ông Trọng. Lực lượng của Tô Lâm đang là mạnh nhất, nhưng một lực lượng khác cũng đang dần trỗi dậy, đó là lực lượng quân đội. Tuy nhiên, để quân đội mạnh ngang công an bây giờ, thì cần phải có thời gian.

Hãy chờ xem, quân đội sẽ giải quyết bài toán đoàn kết nội bộ như thế nào trong thời gian tới.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de