Truyền thông quốc tế đưa tin, theo dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đi Hoa Kỳ tham dự Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc ngày 22/9, và nhân tiện ông có thể thăm Hoa Kỳ cũng như hội Đàm với Tổng thống Biden.
Theo một số nhận định, chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Tô Lâm đang thiên về Hoa Kỳ và phương Tây, cũng như rời xa Bắc Kinh. Đây là “cái cớ” để phe tướng lĩnh quân đội chống lại ông.
Theo đó, dưới sự dẫn dắt của Thường trực Ban Bí thư – Đại tướng Lương Cường; và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, là những nhân sự thân Trung Quốc, do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại. Và đây cũng được cho là nguồn cơn của những khó khăn mà ông Tô Lâm phải vượt qua, để chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây được “hanh thông”.
Có những đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm đang ở trong tình thế “thập diện mai phục”, “nội công, ngoại kích”. Trong lúc, có những đồn đoán cho rằng, nội bộ phe Hưng Yên của ông đang bất ổn và suy yếu. Đặc biệt, đang có những chia rẽ trầm trọng, trong mối quan hệ giữa ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc.
Việc Bộ Quốc phòng đã cho xóa video “Trường Đại học Fulbright: Không để Cách mạng màu đổi màu giáo dục”, được cho là một sự nhân nhượng từ giới tướng lĩnh phe quân đội. Tuy nhiên, các trang mạng của lực lượng dư luận viên thuộc Ban Tuyên giáo và quân đội, vẫn tiếp tục phê phán và chỉ trích Đại học Fulbright.
Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, lại tiếp tục thổi bùng ngọn lửa chống đối của giới tướng lĩnh quân đội Việt Nam. Trang Facebook của cơ quan này đã đăng lại video “nhạy cảm”, với lời lẽ kích động rằng:
“Việc chuẩn bị cho “cách mạng màu” của các thế lực thù địch, thường được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ. Trung Quốc và Việt Nam đều là nước Xã hội Chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cần phải cảnh giác cao trước các thủ đoạn “cách mạng màu” của các thế lực thù địch.”
Vẫn theo giới phân tích, trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tô Lâm, các chuyến thăm Philippines và Mỹ gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, đã cho thấy, có những tiến bộ trong việc hợp tác giữa Việt Nam, với các nước đã chống trả sự lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đó đã khiến cho Bắc Kinh không hài lòng.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã và đang giật dây, cho số đông phe tướng lĩnh quân đội Việt Nam, phản ứng quyết liệt. Mặc dù Tổng Bí thư Tô Lâm đồng thời cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương – một chức vụ cao nhất trong hệ thống Quân đội Việt Nam, nhưng tại sao không có khả năng “dẹp yên” vụ Đại học Fulbright?
Điều đó cho thấy, ông Tô Lâm mới chỉ kiểm soát một bộ phận của quân đội. Hơn thế nữa, trong tháng 10 tới đây, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ phải giao lại cho phe quân đội ghế Chủ tịch nước, thì quyền lực trên thực tế của ông sẽ bị giảm sút.
Điều đó sẽ có các tác động không hề nhỏ, và cản trở việc điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước của ông Tô Lâm. Những khó khăn của ông Tô Lâm hiện nay, được cho là hệ quả của việc “dục tốc bất đạt”. Ông đã để lộ bài quá sớm, đã bị đối thủ bắt bài, và phản đòn, để cuối cùng trở tay không kịp.
Giới phân tích nhận định rằng, kinh nghiệm làm lãnh tụ của ông Tô Lâm quá mỏng, nên thất bại là điều dễ hiểu. Theo đó, các kẻ thù của ông Tô Lâm có thể lật ngược thế cờ, vào thời điểm các kỳ Hội nghị Trung ương cuối cùng của Đại hội 13, bàn về chủ đề nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội 14, sẽ diễn ra đầu năm 2026.
Trà My – Thoibao.de