Ông Tô Lâm lên nắm quyền bằng cách đánh gục những nhân vật đã được người tiền nhiệm chọn trước. Nôm na, đấy là hình thức “cướp ngôi”.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến trước đây, khi xảy ra việc cướp ngôi, thì thường đi kèm với nội loạn. Sau đó là sự cai trị sắt máu của một ông vua mới. Bởi để dẹp yên nội loạn, thì kẻ cướp chỉ có thể ác hơn, độc tài hơn, mới có thể an tâm.
Nay Tô Lâm cũng cướp lấy những món ngon nhất trên mâm quyền lực, trước sự bất lực của các thế lực khác. Chắc chắn, chẳng ai tâm phục khẩu phục với cách giành quyền lực của Tô Lâm. Và đấy chính là những mầm loạn xung quanh ông. Ắt hẳn, Tô Lâm hiểu rõ điều đó.
Từ nay đến Đại hội 14, chỉ còn khoảng 15 tháng nữa. Nếu không thể dẹp yên nội bộ, thì chức Tổng Bí thư của ông Tô Lâm có thể rơi vào tay kẻ khác. Cho nên, trong 15 tháng này, ông Tô Lâm sẽ tập trung vào việc ổn định chính trị nội bộ trong Đảng, đặc biệt là giành lấy lợi thế hơn nữa cho bản thân ông và phe Hưng Yên.
Bắt đầu từ khi ông Nguyễn Phú Trọng chia phe, đánh nhau với ông Nguyễn Tấn Dũng, cách đây 13 năm, Đảng đã bước vào thời kỳ nội loạn. Từ đó đến nay, nội bộ Đảng cũng chỉ có loạn hơn, chứ không hề ổn định. Rất nhiều người bị đánh hạ bởi công cụ “đốt lò”, bên cạnh một số người chết một cách bất thường, không rõ nguyên nhân.
Bận rộn với chuyện “đánh đấm”, làm sao họ còn thời gian và tâm trí, để lo chuyện quốc gia đại sự? Đặc biệt, nhiệm kỳ 2021 – 2026 chưa qua, mà đã có đến 7 uỷ viên Bộ Chính trị ngã ngựa và 1 người chết, còn uỷ viên Trung ương Đảng bị đánh gục, thì rất nhiều.
Đến nay, Trung ương Đảng khóa 13 đã có đến 8 kỳ hội nghị bất thường. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Trung ương Đảng lại lộn xộn và ngổn ngang như thế.
Đổi mới thể chế là vấn đề lớn, lớn hơn bất kỳ một chính sách nào của Đảng trước đây. Bên trong Đảng là những quan chức giàu có, “nứt đố đổ vách”. Họ đều sử dụng quyền lực để làm giàu. Như vậy, với bản chất tham lam ích kỷ, với đặc quyền đặc lợi quá lớn, liệu rằng, giới lãnh đạo Cộng sản có dám hy sinh, để đất nước thay đổi hay không?
Những quan chức như Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long vv… đang ngồi tù, nhưng vẫn sở hữu biệt phủ trăm tỷ. Nếu không có Đảng, không có miếng bánh quyền lực của Đảng, thì họ phải làm việc bao nhiêu năm, mới sở hữu được những tài sản đó? Việc họ đi tù vì tham nhũng, thì vẫn có lợi hơn so với việc không đi tù mà chẳng có tài sản gì. Ra tù, tài sản trăm tỷ, ngàn tỷ của họ vẫn còn đó, ăn tiêu nhiều đời vẫn không hết.
Với Tô Lâm, có lẽ, ông đã có quá nhiều tài sản, đến mức, ông không cần kiếm thêm. Nhưng liệu, ông có từ bỏ được lòng tham, từ bỏ được cơ hội kiếm tiền, từ chiếc ghế mà ông đang ngồi hay không? Hơn nữa, ông đang phải ngày đêm lo chiến đấu với phe phái khác, thì làm sao có thể đổi mới? Khi mà nội bộ vẫn còn kéo bè kết cánh đánh nhau, thì mọi cải cách đều thất bại.
Tình trạng trên bảo dưới không nghe, đâu chỉ mới xuất hiện gần đây, mà đã tồn tại từ rất lâu, gần như là căn bệnh kinh niên của chế độ.
Một khi Trung ương chia rẽ, phe phái nổi nên ngày một nhiều, thì vấn đề “trên bảo dưới không nghe” sẽ ngày một nghiêm trọng hơn. Chính ông Tô Lâm cũng không nghe lời ông Nguyễn Phú Trọng, vào lúc cuối đời ông Trọng. Giờ đây, Tô Lâm có thể khiến Ban Bí thư đồng lòng, đã là một điều khó, chứ nói chi đến việc khiến cho toàn Đảng nghe theo.
Với thực trạng này, có lẽ, nhiệm vụ khả thi nhất đối với Tô Lâm, là lo củng cố quyền lực cho ghế Tổng Bí thư của ông, và lo cho nhóm Hưng Yên mạnh lên. Còn nói về “đổi mới”, thì có lẽ, ông Tô Lâm chưa đủ tầm!
Thoibao.de