Trong những ngày gần đây, việc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc gia tăng bạo lực đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, được đánh giá là sự thể hiện thái độ không “hài lòng”, của Ban lãnh đạo Bắc Kinh đối với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo một số nhận định, hành động vừa kể của Trung Quốc đã bộc lộ một điểm yếu “chết người”, trái với những dự báo trước đây, cho rằng, Bắc Kinh sẽ giật dây cho bộ phận thân Trung Quốc trong Đảng, để tìm cách tạo phản, chống lại công cuộc “cải cách” của ông Tô Lâm.
Trên thực tế, Trung Quốc được cho là vẫn kiểm soát được số đông lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, là những phần tử trung thành với cố Tổng Bí thư Trọng, đặc biệt là giới chức tướng lĩnh quân đội.
Vậy tại sao, lãnh đạo Trung Quốc lại bộc lộ biểu hiện mất kiểm soát như vậy? Phải chăng, bộ phận thân Bắc Kinh trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang chiếm số đông về mặt số lượng, nhưng vẫn không có khả năng xoay chuyển tình thế?
Danh sách tham gia chỉ đạo Diễn tập phòng thủ thủ đô Hà nội vừa qua gồm có những tướng lĩnh hàng đầu như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phan Văn Giang; Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị – Thượng tướng Trịnh Văn Quyết; Tổng Tham mưu trưởng – Thượng tướng Nguyễn Tân Cương.
Theo một số đánh giá, danh sách này cho thấy, vì sao, ông Tô Lâm có thể ung dung tiến hành các chuyến công du ngoại quốc dài ngày, mà không mảy may lo lắng về sự an toàn của chiếc ghế quyền lực mà ông đang nắm giữ.
Trái với những đánh giá trước đây, một số nhà quan sát cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm mặc dù là Bí thư Quân ủy Trung ương, và được một bộ phận tướng lĩnh quân đội ủng hộ, nhưng trên thực tế, ông Tô Lâm không kiểm soát và điều hành được phe quân đội.
Trong khi đó, lực lượng tướng lĩnh trong quân đội có biểu hiện thân Trung Quốc, do Đại tướng Lương Cường, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn dắt, thì đa phần từ các tướng lĩnh, sĩ quan chính trị đi lên. Rõ ràng cũng chẳng làm nên cơm cháo gì.
Theo một số ý kiến, dù rằng cách đây chưa lâu, kênh truyền hình Quốc phòng đã cáo buộc Đại học FulBright – một biểu tượng Quan hệ Việt-Mỹ – âm mưu “cách mạng màu”, cũng như, tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, đề nghị sửa đổi Điều lệ Đảng của Tổng Bí thư Tô Lâm không được chấp nhận; nhưng những nỗ lực trên không làm thay đổi được gì.
Trong ít ngày tới đây, theo kế hoạch, Quốc hội khóa 15 sẽ nhóm họp Kỳ họp thứ 8, vào ngày 20/10, để bầu bổ sung Chủ tịch nước mới, thay thế ông Tô Lâm. Nhưng điều đó cũng không có nhiều ý nghĩa về sự thay đổi cán cân quyền lực trong Đảng. Bởi lý do, chỉ còn khoảng 15 tháng nữa, ván cờ quyền lực hiện nay sẽ bị xóa đi, để bày ra một “ván cờ” mới, đó là Đại hội 14 vào đầu năm 2026.
Một vài đánh giá cho rằng, đến khi đó, với mức độ gia tăng quyền lực như hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm có thể thừa khả năng làm chủ tình thế. Thậm chí, ông có thể thành công trong việc nhất thể hóa 2 chức danh: Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Tại thời điểm hiện nay, từ các phân tích vừa kể, có thể nói rằng, Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm bước đầu đã thành công trong việc củng cố, để nắm giữ quyền lực tối cao trong quân đội.
Đồng thời, việc kiểm soát cả công an và quân đội sẽ tạo điều kiện, để ông có thể kiểm soát toàn bộ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tiến tới bỏ qua vai trò của Ban Chấp hành Trung ương. Khi đó, toàn bộ quyền lực của Đảng sẽ tập trung vào một nhóm nhỏ, do ông Tô Lâm kiểm soát và trực tiếp điều hành.
Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực của ông như hiện nay, chắc chắn sẽ động chạm đến quyền lợi của các cá nhân và phe cánh khác. Chắc chắn, ông Tô Lâm sẽ vấp phải sự phản kháng, hay sự chống đối công khai.
Chúng ta hãy chờ xem.
Trà My – Thoibao.de