Nguyễn Văn Nên có tư tưởng “phản động”, sao Đảng không trị?

Ngày 5/10, ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Quốc hội, làm việc với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Đây là buổi làm việc nhằm tháo gỡ vấn đề pháp luật đang bị vướng tại thành phố này.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, đã buông ra một câu, mà giới phản biện vẫn hay nói – “cái vướng xuyên suốt vẫn là thể chế”.

Thể chế là một hệ thống pháp chế, gồm hiến pháp, các bộ luật, quy tắc, quy định, chế định,… của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo. Hệ thống pháp chế này do nhà nước ban hành. Trong đó, thể chế chính trị và thể chế kinh tế, là 2 thể chế lớn được quan tâm nhiều nhất. Quan trọng nhất vẫn là thể chế chính trị, vì nó chi phối mọi thể chế khác, trong đó có thể chế kinh tế.

Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang dùng quyền lực nhà nước, để can thiệp sâu vào thể chế kinh tế một cách thô bạo, khiến nền kinh tế phát triển méo mó. Điều này khiến cho các nước Âu Mỹ chưa chịu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dù bao nhiêu năm qua, các Tứ trụ hết lần này đến lần khác năn nỉ.

Trong thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản đang áp đặt ở Việt Nam, có một nguyên tắc đã trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng vô pháp. Đó là, không xem xét ý kiến của người dân khi thông qua luật pháp, đặt luật pháp dưới luật Đảng, thậm chí, luật Đảng lại bị đặt dưới ý muốn của người đứng đầu Đảng.

Mặc dù, chính quyền Cộng sản vẫn dựng lên Quốc hội, nhưng thực chất lại là Đảng hội, bởi trên 96% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Đa số các quan chức trong nhánh hành pháp, tư pháp, cũng đều tham gia vào Quốc hội. Một ít thành phần ngoài Đảng chỉ để làm cảnh. Cái gọi là Quốc hội đó, không làm luật phục vụ dân, mà chỉ làm luật phục vụ Đảng.

Lâu nay, quan chức từ Trung ương đến địa phương vẫn hay đổ lỗi cho “cơ chế”, để biện minh cho những nhiệm vụ thất bại của họ. Mà cơ chế chính là quy trình mà bộ máy nhà nước phải làm theo. Có vô số cơ chế tồn tại trong thể chế chính trị này, mà cơ chế nào cũng làm vướng các chính sách, từ chính sách lớn đến chính sách nhỏ.

Như vậy, thể chế kinh tế và các cơ chế đều do thể chế chính trị này đẻ ra. Vậy thì, cái gốc vấn đề khiến cho mọi chính sách gặp khó khăn, vẫn là thể chế chính trị.

Ông Nguyễn Văn Nên nói rằng, “cái vướng xuyên suốt vẫn là thể chế”. Ông không hề nói đến “thể chế chính trị”, bởi chỉ cần thêm từ “chính trị”, thì chẳng khác nào, ông chính là người chống lại Đảng. Dùng từ “thể chế” một cách chung chung, là cách chỉ ra nguyên nhân, nhưng vẫn tránh được tội “chống Đảng”. Xem ra, ông Nên có tư tưởng tiến bộ hơn, so với nhiều quan chức cùng trang lứa. Nhưng, cũng như những quan chức khác, ông vẫn sẽ bảo vệ cái thể chế chính trị thối nát này, vì quyền lợi cá nhân.

Thể chế chính trị này đảm bảo cho Đảng Cộng sản một mình một chợ, trục lợi trên xương máu của 100 triệu dân. Đây là quyền lợi to lớn khiến không một quan chức nào muốn thay đổi thể chế. Mặc cho người dân khốn cùng, nghèo đói, thì quan chức vẫn rất giàu có, vẫn xây biêt phủ, vẫn cho con du học trời Tây, với chi phí mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.

Vấn đề về thể chế đã bị dư luận xã hội phản đối từ rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, đáp lại, Đảng cho xây nhà tù nhiều hơn, tăng ngân sách cho công an nhiều hơn, cho phép công an được tùy tiện hành động hơn. Miễn sao, công an bảo vệ Đảng, bảo vệ miếng ăn cho các đồng chí trong Đảng.

Phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên chỉ để thể hiện, để đánh bóng tên tuổi, chứ không thực sự mong muốn một sự thay đổi cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn.

 

Trần Chương – Thoibao.de