Xây dựng đế chế quyền lực bằng Bộ Công an, dù Tô Lâm đã bước lên ngôi vị cao nhất trong Đảng Cộng sản, nhưng vẫn phải nhờ vào những đệ tử trung thành, để giúp ông kiểm soát hoàn toàn Bộ Công an. Đó là ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc – 2 cấp phó thân thiết của ông khi còn làm Bộ trưởng Công an.
Giờ đây, ông Tô Lâm xem như là “của quý” của phe Hưng Yên, là tấm thân “ngàn vàng”, tựa như long nhan của một hoàng đế thời phong kiến. Bởi ghế mà ông Tô Lâm đang ngồi, được xem như ngai vàng của Đảng. Tuy ở ngôi cao, nhưng ông Tô Lâm vẫn đang phải dựa trên “đôi chân” là Tướng Lương Tam Quang và Tướng Nguyễn Duy Ngọc. “Đôi chân” này đã từng giúp ông trụ vững trong Bộ Công an, để làm bàn đạp tiến lên chiếc ghế cao nhất trong Đảng.
Giờ đây, “đôi chân” này, một bám trụ, quản lý chắc chắn Bộ Công an; đồng thời một đã bước ra ngoài, nắm giữ Văn phòng Trung ương Đảng, tạo thành thế lưỡng trụ vững chắc, nâng đỡ phần bên trên.
Tô Lâm cũng đang muốn cho xây dựng Ban Bí thư thành căn cứ địa thứ 2, sau căn cứ Bộ Công an vững chắc từ trước. Ông Nguyễn Duy Ngọc chính là nhân vật sẽ giúp ông Tô Lâm kiểm soát Ban Bí thư trong tương lai. Nếu thành công vào được Bộ Chính trị, có khả năng, Tướng Nguyễn Duy Ngọc sẽ trở thành Thường trực Ban Bí thư tương lai, kế nhiệm Lương Cường, người có khả năng cao sẽ trở thành tân Chủ tịch nước.
Chiến lược củng cố quyền lực của ông Tô Lâm thể hiện rất rõ. Đầu tiên là tìm cách loại bỏ đối thủ chính trị khó chơi nhất hiện nay, là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng thời, củng cố quyền lực của Tổng Bí thư, dựa trên 2 chân trụ vững chắc – là Bộ Công an và Ban Bí thư.
Từ lâu, Bộ Công an đã được xem là căn cứ vững chắc của Tô Lâm. Nhưng Ban Bí thư thì vẫn còn ngổn ngang, với những di sản do ông Trọng để lại. Việc dọn dẹp Ban Bí thư và Hưng Yên hóa Ban này, cần rất nhiều thời gian.
Trước đây, ở Bộ Công an, Tướng Lương Tam Quang và Tướng Nguyễn Duy Ngọc được xem là có sức mạnh tương đương. Cả 2 cùng là Thượng tướng, cùng là Ủy viên Trung ương Đảng, cùng là Thứ trưởng. Nhưng sau khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư, thì ông Lương Tam Quang bất ngờ mạnh lên, nhờ chức Bộ trưởng Công an, và quan trọng hơn, ông Quang đã vào được Bộ Chính trị. Như vậy, hiện 2 hai chân trụ của Tô Lâm đã bị “lệch”, khi một trụ là Ủy viên Trung ương Đảng, còn trụ khác chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị.
Như vậy, mục tiêu tiếp theo, và cũng là mục tiêu thiết thực nhất của ông Tô Lâm, là làm sao đưa được Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị. Lúc đó, hai chân trụ của ông lại cân bằng. Tương lai của Tướng Nguyễn Duy Ngọc có thể sẽ rất sáng, bởi tất nhiên, ông Tô Lâm muốn dành ghế Thường trực Ban Bí thư cho đồ đệ cùng quê Hưng Yên của mình, một khi Lương Cường lên làm chủ tịch nước.
Kịch bản hoàn hảo nhất cho ông Tô Lâm, là loại được ông Phạm Minh Chính khỏi vũ đài chính trị, đồng thời, đưa được Tướng Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị. Lúc đó, trên vũ đài chính trị, sẽ không còn đối thủ nào xứng tầm, và ông Tô Lâm cũng nâng tầm được cho chân trụ yếu của mình trở thành vững chắc.
Giả sử, ông Tô Lâm không loại được ông Phạm Minh Chính, nhưng thành công đưa được ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, để sau đó kiểm soát hoàn toàn Ban Bí thư. Khi đó, dù ông Chính không đổ, thì cũng khó có thể làm được gì, trước sức mạnh vững chắc của Tổng Bí thư mang hàm Đại tướng Công an.
Khi cả 2 ông Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang đều đã vào Bộ Chính trị, sẽ là sự đe dọa đối với phần còn lại của Bộ siêu quyền lực này. Lúc đó, thế lực Hưng Yên trong Bộ Chính trị tạo thế chân vạc, rất khó phá vỡ.
Xem ra, cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng chính trị cho thấy, đấy là cuộc chiến giữa phe Hưng Yên và phần còn lại trong Đảng.
Hoàng Phúc – Thoibao.de