Ngày 11/10, báo Tiếng Dân có bài “Muôn kiểu bày vẽ tốn tiền ở thủ đô Hà Nội”, của tác giả Yến Năng.
Tác giả đề cập đến tình trạng đánh chén linh đình của các bộ công chức, sau mỗi lần bày vẽ hội họp.
Tác giả cho biết, riêng ngành y, các hội nghị khoa học thường niên được tổ chức với nội dung là báo cáo/ chia sẻ những tiến bộ mới về chuyên môn… Nhưng những kỹ thuật mới, nếu có, thì cũng không đáng kể, và không xứng để phải tổ chức đình đám như vậy. Hoàn toàn có thể chia sẻ trên các diễn đàn online, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
Tác giả cho rằng, thực tế thì, các hội nghị là dịp để ăn nhậu, chơi bời, du lịch, và tìm kiếm lợi ích cá nhân, chứ rất ít người tham gia với mục đích nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Kinh phí tổ chức một hội nghị, nhỏ thì vài trăm triệu, lớn thì nhiều tỉ, là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Tác giả cũng cho biết, chi phí tổ chức các hội nghị này, hầu hết đều do các doanh nghiệp tài trợ. Đương nhiên, tiền đó được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, nó làm cho giá thuốc/ vật tư/ máy móc và các dịch vụ y tế phồng lên. Cuối cùng, tất cả vẫn là moi từ túi của người bệnh.
Những cán bộ tham gia các hội nghị kia cứ vô tư tưng bừng hưởng thụ, bởi luôn có sẵn cả trăm triệu con bệnh xếp hàng trả tiền rồi.
Tác giả nhắc đến việc Hà Nội rầm rộ tổ chức sự kiện mừng “70 năm giải phóng thủ đô”; nhưng đoạn bờ hồ đẹp nhất của Hồ Gươm đã bị một tổ hợp kỳ quái những mô hình che khuất.
Một đoạn lan can cầu Long Biên, vài ngôi nhà cổ, cột cờ Hà Nội, Nhà hát lớn, chợ Đồng Xuân… tất cả đều được làm giả bằng những vật liệu rẻ tiền, kỹ thuật mô hình rẻ tiền, sao chép một cách máy móc, vụng về và lộn xộn, không một chút nghệ thuật.
Tác giả đánh giá, đống hàng mã khổng lồ kia đã tố cáo sự dốt nát của Ban Tổ chức sự kiện, với: Dân giả, chào đón bộ đội giả, trong một không gian giả.
Tác giả bình luận, toàn bộ việc này chỉ làm cho người có hiểu biết thấy nực cười, không những không giúp ích gì cho việc tiếp cận lịch sử của lớp người trẻ, mà đặc biệt có hại cho họ. Nó rất dễ gieo vào đầu các em ấn tượng: 70 năm trước, có một đoàn bộ đội tiếp quản thủ đô bằng cách diễu hành qua những địa danh được mô hình hóa kia. Năm mô hình thể hiện 5 cái cổng [cửa ngõ thủ đô] chình ình đặt quanh hồ Hoàn Kiếm, không chỉ làm rối loạn phương hướng và bóp méo hình dung về kinh thành Thăng Long xưa, nó còn tiêu diệt những gì cổ kính đẹp đẽ còn lại trong ký ức tập thể, và trong trí tưởng tượng của các em nhỏ…
Theo tác giả, một công trình kiến trúc quan trọng có tính biểu tượng của Hà Nội, cũng bị chà đạp thô bạo không kém.
Mặt tiền Nhà hát lớn bị một giàn giáo khổng lồ dựng lên che kín, để treo loa đài phông bạt. Thật trớ trêu, một màn hình điện tử khổng lồ nuốt mất Nhà hát lớn, lại ghi chữ Nhà hát lớn, và mô tả lại cái hiện hữu rất thực bị nó che đi.
Vẫn theo tác giả, giữa thời đại công nghệ cao này, không thiếu gì cách để thực hiện một sự kiện thực sự hoành tráng và có giá trị nghệ thuật cao, thì họ lại dùng những phương pháp cực kỳ thủ công và lạc hậu, để tiêu một số tiền khổng lồ, rồi sau đó thải ra môi trường một núi rác độc hại khó phân hủy.
Điều tác giả băn khoăn là, không biết, những người tự hào mình là người Hà Nội gốc, có ai cảm thấy bị tổn thương không?
Những người sống bằng nghề nghiên cứu lịch sử và văn hóa, có ai thấy mình bị tát thẳng vào mặt không?
Những người có chuyên môn, cụ thể là các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, đạo diễn, ca sĩ, diễn viên… có ai thấy mình bị xúc phạm không?
Chủ tịch các hội văn hóa nghệ thuật các cấp, hiệu trưởng các trường kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, văn hóa, nhân văn… có ai thấy mình có trách nhiệm lên tiếng, để tham mưu cho chính quyền làm việc đúng đắn hơn không?
Hay chỉ rặt một lũ vô liêm sỉ, vừa giả vờ than thở vừa ngậm miệng ăn tiền?
Xuân Hưng – thoibao.de