Mới đây, Bộ Công an cho ban hành Thông tư số 46 năm 2024, để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67 năm 2019, quy định về việc thực hiện cái gọi là “dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Thông tư mới do Bộ Công an ban ra, được xem là ý đồ của Tô Lâm.
Đáng chú ý, Thông tư mới có 2 sửa đổi:
Thứ nhất, không buộc lực lượng công an và nhân viên công vụ khác, khi làm nhiệm vụ phải công khai các nội dung sau:
– Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;
– Trang phục, số hiệu công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ.
Thứ 2: bỏ hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình, của người dân.
Mặc dù báo chí có thòng một câu: “Thông tư 46 không coi việc giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình là hành vi bị cấm”. Tuy nhiên, ở đất nước này, khi mà luật pháp không được diễn giải cụ thể, thì sẽ trở thành lý do để phía công an diễn giải theo ý họ. Mà khi họ diễn giải theo ý họ, thì xem như đó là luật. Cho nên, người dân mới có câu rằng, công an chính là lực lượng “luật là tao, tao là luật”.
Không bắt buộc công khai nhiệm vụ, kế hoạch và trang phục cũng như số hiệu công an nhân dân, thì khác nào muốn che mắt người dân? Rồi không ghi rõ thiết bị ghi âm và ghi hình là công cụ giám sát của người dân, thì khác nào, giúp công an có cơ hội lộng hành hơn?
Công an là lực lượng chấp pháp, nếu luật pháp không chặt chẽ, không nghiêm minh, thì khác nào dung túng cho lực lượng này làm bậy?
Lâu nay, Công an Cộng sản đã nổi tiếng là tùy tiện, thì nay, họ lại càng có cơ hội tùy tiện hơn. Đây chẳng khác nào một loại “chiếu chỉ” do ông vua mới vừa lên ngôi ban thưởng cho tay chân dưới tay mình.
Hành động này của ông Tô Lâm rất nguy hiểm cho xã hội, vì nó khiến công an càng lộng hành hơn, càng dễ che đậy hành vi phạm pháp hơn.
Tô Lâm lên ngôi chưa lâu, thì Bộ Công an đã tung ra nhiều thông tư hạn chế sự giám sát của người dân. Khi ông “nuôi quân” theo cách này, thì khó có thể kỳ vọng về một Tô Lâm kỷ cương, coi trọng sự nghiêm minh của pháp luật, và có tư tưởng cải cách.
Tô Lâm vừa lên ngôi đã thành công thực hiện một loạt động thái mị dân. Đặc biệt là việc thả một số tù nhân lương tâm trước thời hạn, để lấy tiếng. Tuy nhiên, việc thả người, rồi sau đó bắt người khác để bù vào, là việc đơn giản đối với bộ máy công an trị khổng lồ này.
Lâu nay, ngành Công an vẫn dùng hình thức chiếm dụng tiền ngân sách một cách công khai, bằng hình thức thưởng cho những người được đánh giá là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, như bắt cướp, phạt vi phạm giao thông vv… Công an vốn được trả lương để làm các nhiệm vụ đó, tại sao lại còn lấy tiền ngân sách để ban thưởng? Vậy, thành lập lực lượng Công an để “ngồi chơi xơi nước sao”?
Nhưng việc “thưởng nóng” vẫn không đủ để lấp đầy túi tham, công an còn cần thêm cơ chế. Chính cơ chế như Thông tư 46 là cách giúp cho Công an đầy túi, mà vẫn an toàn.
Tô Lâm đã từng đứng trên luật pháp khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Lên Tổng Bí thư, ông khó mà đưa đất nước này vào khuôn khổ luật pháp. Việc cho ban hành Thông tư 46 chính là minh chứng rõ nét nhất, về ông vua mới của Đảng Cộng sản.
Tô Lâm vẫn là Tô Lâm, không thể kỳ vọng có được một Tô Lâm biết thượng tôn pháp luật, biết tôn trọng khác biệt.
Trần Chương – Thoibao.de