Như vậy, phiên tòa lịch sử xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã kết thúc với những diễn biến không khó đoán định về mức án dành cho các bị cáo. Dư luận trong và ngoài nước dường như chia đôi ngả, khi mà người thì ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng do ông TBT Trọng lãnh đạo.
8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Đinh La Thăng
Ở chiều ngược lại, với nhiều người, bản án dành cho ông Thăng và các đồng phạm đã đi quá xa với những gì mà cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng” của Đảng và cái gọi là cải cách tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới và Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) vừa đi vào hiệu lực. Xin không xát muối thêm vào các bị cáo và gia đình họ vì những hình ảnh, lời khai, lời nói sau cùng, bản án mà Hội đồng xét xử (HĐXX) dành cho họ bởi lẽ, theo luật pháp Việt Nam, đến lúc này, bản án vẫn chưa có hiệu lực, các bị cáo còn cơ hội kháng cáo, Viện kiểm sát (VKS) còn cơ hội kháng nghị. Nhưng có thể nói, phiên tòa này đã hạ hồi ở Màn 1 dể chờ diễn biến ở Màn 2. Nhưng những gì thể hiện qua gần 3 tuần xét xử vừa qua cho thấy nhưng kỷ lục về một phiên tòa tại Việt Nam
PHIÊN TÒA VỚI NHỮNG KỶ LỤC CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM:
Những gì thể hiện qua các phương tiện truyền thông Việt Nam cho thấy một sự can thiệp thô bạo và chưa từng có của bộ máy Ban Tư tưởng Văn hóa TW và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lên báo chí chính thống của nhà nước. Ngoài việc được đưa tin phiên xử qua màn hình TV truyền ra từ phòng xử án mà theo nhiều người bên trong là chậm từ 3-5 phút; các báo (trừ TTXVN và một số báo khác được đưa tin và hình ảnh từ bên trong) cũng chỉ biết đưa thông tin theo kiểu cắt xén các lời khai của các bị cáo, lời bào chữa của các Luật sư theo đúng chỉ đạo của Đảng và Tòa soạn. Tuy nhiên, nếu như Báo chí lề Đảng đánh mất đi vai trò độc lập, tự do báo chí của mình, thì mạng xã hội (MXH) với hơn 50 triệu người dùng, các báo mạng từ nước ngoài (BBC Tiếng Việt; Thoibao.de, VOA Tiếng Việt…) đã tích cực phát huy thế mạnh của nó về tự do ngôn luận, biểu đạt suy nghĩ về phiên xử và từng bị cáo. Có cảm giác như con lũ MXH và báo mạng “lề trái” đã cuốn bay hết gần 1000 tờ báo trong nước, hơn 10000 dư luận viên và hàng chục nghìn Lực lượng 47 đang ở đâu đó trên mạng tìm mọi cách ngăn cản, chống lại tự do thông tin và biểu đạt của người dân.
Phóng viên báo chí nước ngoài không được vào tham dự phiên tòa, kể cả phòng dành cho báo chí trong tòa án, theo dõi phiên xử qua màn hình. Còn phóng viên báo chí trong nước thì lại tác nghiệp trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo, đến nỗi nhà báo Trương Quang Vinh phải đặt câu hỏi:
“Nhưng tại sao lại phá sóng internet, phá sóng điện thoại trong khuôn viên tòa?
Việc phá sóng đã làm cho các nhà báo không thể tường thuật trực tiếp và liên tục phiên tòa. Và do vậy nhân dân cũng không thể theo dõi liên tục.
Nhưng để thông tin kịp thời trên báo điện tử, nhiều nhà báo buộc phải đối phó – phải chạy ra chạy vào để đưa thông tin về toà soạn. Phiên tòa kéo dài 11 ngày, nhiều anh em cũng hết sức chạy, và do vậy người dân chỉ được cung cấp thông tin lúc được lúc mất.
Chỉ riêng phiên tuyên án hôm nay, hẵng ai quan tâm đều chờ đợi. Chờ đợi kết luận của Tòa về những lời khai, lời tự bào chữa của các bị cáo và đặc biệt phần tranh tụng giữa các luật sư và kiểm sát viên. Nhưng rất thất vọng vì rất nhiều báo chỉ đưa 200-300 từ gọi là “nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX)” và sau đó là bản án cho 22 bị cáo; nhiều báo đã “chuẩn bị trước nội dung” bằng cách bê luôn nhiều nội dung cáo trạng vào; chỉ có vài tờ báo đưa khá đầy đủ về nhận định của HĐXX (với tôi, nội dung bản tuyên án sáng nay, Zing là báo thông tin đầy đủ nhất!).
Tôi đã trao đổi trực tiếp với anh em, không phải do anh em lười hoặc không biết làm, mà do bị tước đi các ngòi bút điện tử và buộc phải chấp vá thông tin.
Ta có một đội ngũ báo chí hùng hậu đủ sức làm chủ dư luận nhưng đã bị bó tay để rồi ngày mai “binh đoàn tác chiến không gian mạng” phải đối phó. Hay phá sóng nhằm tạo công ăn việc làm cho “binh đoàn” mới ra đời?”.
Diễn biến bên trong cho thấy những gì mà ông thẩm phán Trương Việt Toàn trả lời báo chí và truyền thông sau phiên xử là “HĐXX không chịu sức ép gì” ngoài “thời gian” thật là khôi hài như nói với con nít. Chính diễn biến những ngày xét xử cho thấy không có đâu cái gọi là tinh thần “Nhà nước pháp quyền”; “cải cách tư pháp” hay đơn giản là sự “ độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” của HĐXX phiên tòa này. Nó mang mầu sắc chính trị, thanh trừng nội bộ, phe nhóm, tư tưởng, quan điểm … đến độ, không chỉ người dân trong nước còn cảm nhận được, mà đến truyền thông quốc tế cũng chung nhận định khi nói về phiên tòa này.
Những hình ảnh phản cảm và gây nhức nhối dư luận chính là việc các bị cáo (nhất là bị cáo Đinh La Thăng) bị còng tay giữa vòng vây trùng điệp của cảnh sát tư pháp và lực lượng an ninh. Thêm vào đó, dù phiên tòa có bố trí bục ngồi của đại diện cơ quan công tố (VKS) và Luật sư là ngang hàng, nhưng những gì thể hiện của hai bên (buộc tội- gỡ tội) trong suốt thời gian diễn biến phiên tòa cho thấy cái bục ngồi ngang hàng này này nó chỉ là “sự tưởng tượng” của những ai vẫn còn mơ hồ tin vào cái gọi là “cải cách tư pháp”; “tranh luận công khai và công bằng, bình đẳng”… của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát ) ở Việt Nam hiện nay.
Các luật sư tham gia phiên xử (vì lợi ích của thân chủ mình) cũng thông tin cho thấy những sức nặng mà họ phải gánh chịu khi bảo vệ cho thân chủ của mình tại phiên tòa lịch sử này. Ls Nguyễn Văn Quynh cho biết những kỷ lục của Phiên tòa này từ bên trong như: “12 ngày qua tôi hao 4kg, do bị xét xử theo hình thức bức cung tất cả những người tham dự. 15 ngày vừa có Cáo trạng vừa có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thần tốc nhất lịch sử tố tụng. 03 ngày liên tục chụp hồ sơ vụ án với 18.000 bút lục. Cận ngày xét xử mới được gặp thân chủ 1,5 giờ làm việc trong trại giam B14. Chỉnh sửa in ấn mất 04 ngày, và chỉ còn 5 ngày đọc hồ sơ vụ án, không cho các luật sư xin hoãn phiên toà. Xét xử liêm tục từ 7h30 sáng tới 11h30 trưa, có hôm tới 12h trưa. Chiều từ 13h30 xử cho tới tận 18h, có hôm tới gần 19h. Các bị cáo dậy từ 5h sáng tới tòa, trưa các bị cáo ngồi tại chỗ ăn trưa và xử luôn vào lúc 13h30. Các bị cáo mệt mỏi, thờ dài lắc đầu ngao ngán. Việc xét xử ép tiến độ không có ngày nghỉ dẫn tới ai tham gia cũng mệt mỏi, nhức đầu. Đặc biệt phòng xử án thì nhỏ nhưng có tới 04 cái máy phá sóng di động để ở 04 góc. An ninh và cảnh sát nhiều gấp 04 lần người tham dự phiên tòa. Luật sư và người tham dự bị tịch thu máy tính, điện thoại… nhưng an ninh và cảnh sát vẫn cầm điện thoại vô tư lướt Facebook và Youtube. An ninh soi chiếu thuốc lá, bận lửa cũng không cho luật sư mang vào phòng xử án.”
Điều khôi hài là sau mấy ngày tạm nghỉ nghị án mà nói trắng ra là chờ nghe chỉ đạo/chỉ thị để “thỉnh thị án”, đúng ngày tuyên án 22/1/2018, báo chí trong nước đồng loạt đăng tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện khi bắt cóc được Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước, cũng đúng vào ngày Trịnh Xuân Thanh đến Trụ sở Bộ Công An đầu thú, ông Trọng cũng chủ trì phiên họp 12 cũng bàn về vấn đề này hôm 31/7/2017.
CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG LÀ CUỘC CHIẾN CỦA AI?
Hôm tuyên án và đặc biệt là tại phiên họp 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hôm 22/1/2018, người dân trong nước được thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng năm 2017 do Đảng lãnh đạo với các con số thống kê như sau trên tờ Thanh Niên.
Trong năm 2017, BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỉ đồng, chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đã kết thúc chỉ đạo xử lý 16 vụ án, 10 vụ việc; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ/216 bị can; đã truy tố 12 vụ/172 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ/73 bị cáo (tuyên phạt: 3 bị cáo án tử hình; 3 bị cáo tù chung thân; 62 bị cáo tù dưới 30 năm); xét xử phúc thẩm 6 vụ/80 bị cáo (tuyên phạt: 2 bị cáo tử hình; 4 bị cáo tù chung thân; 3 bị cáo tù 30 năm; 71 bị cáo tù dưới 30 năm); việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án đạt khá cao.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/kien-quyet-loai-khoi-bo-may-nhung-can-bo-hu-hong-926679.html
Nhìn vào kết quả trên, có thể thấy, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay do ĐCS lãnh đạo và phát động là cuộc chiến của Đảng với các Đảng viên có chức, có quyền và lợi dụng chức quyền của mình để vơ vét cho bản thân, gia đình và nhóm lợi ích của mình. Cuộc chiến này vốn được ông TBT khái quát là cuộc chiến “ta đánh ta” hay đơn giản là chống cuộc chiến đó phải theo kiểu “ném chuột không để vỡ bình” hay xử lý cán bộ phải làm cho họ thấy phải “cảm ơn người xử lý mình”?
Các hành vi tham nhũng
Điều 3, Luật phòng, chống tham nhũng quy định các hành vi tham nhũng gồm:
1. Tham ô tài sản.
2. Nhận hối lộ.
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Nguồn: Ban Nội chính TW http://noichinh.vn/hoi-dap-phap-luat/201603/cac-hanh-vi-tham-nhung-300250/
Điều đáng trách duy nhất trong phiên tòa này với bị cáo Đinh La Thăng và một số bị cáo trong quá trình tranh tụng, tranh luận, khai là bản thân họ “luôn luôn tin tưởng vảo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của đồng chí Tổng bí thư…” về PCTN cho nên khi HĐXX ra bản án đúng với “chỉ đạo” của “bác” TBT thì họ còn biết trách ai nữa đây? Chính cái tư tưởng này nó đã bị thấm nhuần qua các lớp chính trị từ sơ cấp, trung cấp, đến tận cao cấp mà hôm nay, tại phiên Tòa này, các bị cáo đã được lựa chọn để “hy sinh” cho chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và TBT. Cũng không có gì ngạc nhiên khi mà bị cáo Đinh La Thăng nói đến cái văn bản gì gì đó của BCT về chiến lược phát triển ngành dầu khí mà vì nó, với sự sốt sắng và nhiệt tình của mình, bị cáo và nhiều người theo sự sốt sắng và nhiệt tình đó phải ra Tòa để trả giá cho cuộc chiến của Đảng và TBT. Bệnh ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn…đã ăn sâu vào máu của nhiều người, đến độ trong bất kỳ báo cáo, tổng kết hay khen thưởng thành tích gì đó, đều có câu ” Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, nhờ sự sâu sát, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện của Nhà nước, cơ quan.., chúng tôi/tôi mới đạt được những thành tích như sau”. Thật đúng với câu ví von:
“Mất mùa thì tại thiên tai. Được mùa thì tại thiên tài Đảng ta”.
Thật tiếc cho các bị cáo ở phiên tòa này là dù có xin lỗi Đảng, TBT, nhân dân, rồi vận dụng tất cả các ngôn từ về xử lý cán bộ của Đảng, nhà nước thì cuối cùng họ vẫn nhận được một bản án đúng với “chỉ đạo” của Đảng. Không xót thương, không đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội gì hết cả, mà vẫn thấy phải “cảm ơn người xử lý mình”? trong một phiên tòa với những kỷ lục tố tụng mà có lẽ phải tồn tại từ thời phong kiến đến nay, chứ không phải đang ở thế kỷ 21 với xu hướng hội nhập và làm bạn với tất cả các nước, thay vì chỉ nhăm nhăm chơi với anh bạn hàng xóm xấu bụng và không ngừng giấc mộng bá quyền của mình.
Với riêng bị cáo Đinh La Thăng, người viết thấy thật tiếc cho hai hình ảnh đối lập khi mà truyền thông nhà nước đăng hình ảnh ông TBT đặt tay lên lưng lúc đưa tiễn vào Tp. HCM làm bí thư thành ủy và hình ảnh chiếc còng số 8 tại phiên tòa này cho dù ông nói rằng mình và các bị cáo khác không có gì là nguy hiểm cho xã hội đến mức độ phải bị như vậy. /
ông Trịnh Xuân Thanh được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 11/1/2010
13/1/2018, ông Trịnh Xuân Thanh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử
Hồng Loan Nguyễn, T/p HCM (Bài do tác giả gửi đến)
Phản ứng của Chính phủ Liên bang Đức về bản án tù chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh
Luật sư Schlagenhauf kêu gọi Chính phủ Đức tiếp tục nỗ lực để trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh
Nguyễn Phú Trọng và buổi Hội thảo Tự do Báo chí tại Berlin
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Liên bang Đức liệt vào hạng nguy hiểm như khủng bố?
Bộ Ngoại giao Đức triệu tập lần thứ 4 ông Đoàn Xuân Hưng
——-