Doanh nhân người Việt bị bắt cóc tại Berlin và bị kết án tại Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh, có thể sắp được thả, một bài báo Đức đã đưa tin như thế. Căn cứ vào nhiều nguồn khác nhau, tờ Frankfurter Allgemeine, một nhật báo tầm vóc liên bang và có uy tín nhất nhì nước Đức, ra ngày thứ bảy 09/06/2018, đã tường thuật rằng chính phủ Hà Nội đã cam kết với chính phủ Đức cho phép Trịnh Xuân Thanh được xuất cảnh sang Cộng hòa Liên bang Đức sau khi phiên tòa ở Berlin xét xử nghi can mật vụ Nguyễn Hải Long kết thúc.
Qua việc trả tự do này Hà Nội hy vọng có được một hiệu quả tích cực
Vụ này đã gây gánh nặng cho quan hệ Đức-Việt. Chính phủ Liên bang Đức đã chắc chắc rằng đây là một vụ bắt cóc, trong khi phía Việt Nam lại quả quyết rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện đi về đầu thú. Bà luật sư của ông Thanh cho rằng ông Thanh là nạn nhân của những âm mưu chính trị.
Trong khi đó, như được công bố hôm thứ Sáu vừa qua, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã được trả tự do tại Việt Nam và xuất cảnh sang Đức. Trong tháng Tư năm nay, ông Đài mới vừa bị kết án 15 năm tù và quản thúc tại gia về tội trạng lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong cuộc họp báo chính phủ hôm nay ngày 08/06/2018 tại Berlin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố: „Chúng tôi coi đây là một bước đi nhân đạo đáng chú ý của phía Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt đối với cộng đồng quốc tế“.
Hà Nội hy vọng rằng qua việc trả tự do cho các trường hợp này, quan hệ ngoại giao với Đức và EU sẽ được cải thiện, tờ Frankfurter Allgemeine tường thuật.
Tờ báo tường thuật tiếp, các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng lưu ý với Chính phủ Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn thuận của Đức trong Hội đồng châu Âu (Europäischen Rat). Do đó, những việc cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân chính trị cũng nằm trong danh sách đáp ứng ngoại giao của Việt Nam.
Sau khi nhật báo Frankfurter Allgemeine số ra Thứ bảy ngày 09.06.2018 được phát hàng, tờ Thoibao.de sẽ có bản dịch chi tiết bài báo vừa được tóm tắt ở trên.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)