Một năm sau ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Tiergarten, Berlin, các cuộc điều tra của báo TAZ cho thấy các cơ quan an ninh Đức từ lâu đã có quan hệ gần gũi với những người được cho là tham gia vụ bắt cóc. Ít nhất có hai trong số những người được cho là tham gia bắt cóc đã được Cơ quan tình báo Đức BND hoặc Cơ quan hình sự liên bang BKA đào tạo.
Vũ Quang Dũng, theo các nhà điều tra là một trong ba nhân vật quan trọng nhất của Đội bắt cóc, đã được BND cấp cho một học bổng trong tám tháng trời để học tiếng Đức ở Học viện Goethe vào năm 2001 trị giá 5.368,57 Euro. Đây là những số liệu được lấy trong hồ sơ lưu trữ của BND và Sở ngoại kiều. Từ đó, Vũ Quang Dũng thường xuyên sang Đức. Tháng 4/2017, Vũ Quang Dũng lại đặt đơn xin cấp visa vào Đức, trong đó mục đích của chuyến đi là „Gặp gỡ với Phó giám đốc BND“.
Quá trình điều tra cho thấy Vũ Quang Dũng có mặt khi nạn nhân của vụ bắt cóc được đưa từ Berlin qua Séc tới Slovakia và cuối cùng là qua Moscow để về Việt Nam.
Nhân vật thứ hai là Lê Thanh Hải, Sĩ quan liên lạc của công an Việt Nam tại Đức từ năm 2015 và được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Theo hồ sơ của Cơ quan hình sự bang Berlin, năm 2012, Lê Thanh Hải được Cơ quan hình sự liên bang BKA cấp học bổng để tham gia khóa học tiếng Đức, hội thảo và thực tập ở các cơ quan an ninh Đức trong nhiều tháng trời trị giá 22.000 Euro. Các nhà điều tra cho biết, với chiếc xe VW Passat màu xanh mang biển số ngoại giao O-147-15, Lê Thanh Hải đã đi trong đoàn xe cũng với Vũ Quang Dũng và những người khác, có lẽ mang theo Trịnh Xuân Thanh đi sang Brno ở CH Séc, sau đó đi Slovakia.
Hiện nay, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam đã kết thúc với hai án tù chung thân. Bộ Ngoại giao Đức đã yêu cầu không được kết án tử hình với nạn nhân vụ bắt cóc này. Theo bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của Trịnh Xuân Thanh, tháng 5/2018, ông ta đã rút lại đơn kháng cáo, vì không hy vọng gì được xét xử công bằng. Cũng có lẽ từ lâu người ta đã biết rõ rằng sự tự do của ông ta không phải được quyết định tại Tòa án Việt Nam.
Cuối tháng 6/2018, bên lề một hoạt động của người Việt ở Berlin, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Hữu Tráng đã tiết lộ rằng „ từ tháng 12/2017 đã có một thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức“ . Đức cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng để có thể bình thường hóa quan hệ giữa hai nước thì Trịnh Xuân Thanh phải được trả tự do. Bộ Ngoại giao Đức đã im lặng khi được hỏi về thỏa thuận giữa hai nước liên quan tới Trịnh Xuân Thanh.
Nếu Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức, thì Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ được phê duyệt, một hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam.
Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh có thể nhập cảnh vào Đức bất cứ lúc nào. Ngày 5/12/2017, gần nửa năm sau khi bị bắt cóc, Cơ quan Di trú và Tị nạn Đức đã công nhận Trịnh Xuân Thanh được hưởng quy chế tị nạn chính trị.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, ông Nguyễn Hữu Tráng đã tiết lộ hôm 30.6.2018 tại Berlin: „ từ tháng 12/2017 đã có một thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức“ .
Lê Anh – Thoibao.de
Nguồn nhật báo Taz Online và báo in ngày 21.7.2018: https://www.taz.de/Archiv-Suche/!5522925&s=Christina%2BSchmidt%2BTrinh/
>> Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức vận động trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển
>> Bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội hỗ trợ mật vụ Việt Nam bắt cóc TXT tại Đức
>> Đại sứ quán Đức tại Hà Nội từ chối cấp Visa cho lao động Việt Nam sang học nghề điều dưỡng