Hôm nay 25.7.2018 tại Đức, Tòa thượng thẩm Berlin đã tuyên án 3 năm 10 tháng tù cho Nguyễn Hải Long, phạm tội hoạt động gián điệp và hỗ trợ mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ CHLB Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh như “ thời kỳ chiến tranh lạnh.”
Bà Regine Grieß Chánh án chủ tọa phiên tòa đã mời cả phòng xử đứng lên, nghe đọc bản tuyên án, kết tội Nguyễn Hải Long trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cô Đỗ Thị Minh Phương.
Bản luận tội với trên 20 trang, được tòa đọc sau đó gần 90 phút đã miêu tả rất chi tiết về tình hình chính trị Việt Nam sau Đại hội đảng cộng sản lần thứ 12, phe có đường lối cởi mở, thân phương tây đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị thất thế trước phe theo cộng sản cực đoan, thân Trung Quốc mà người đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng, ngay sau đó những người thân hữu với cựu Thủ tướng bị thất sủng và truy bức bằng những thủ đoạn khác nhau, ông Trịnh Xuân Thanh là một trong những người này, đây cũng là nguyên nhân mà ông ta đã phải chạy trốn khỏi Việt Nam để tránh bị trừng phạt.
Tại Đức, ông Thanh đã thẳng thắn chỉ trích các việc làm của ông TBT Nguyễn Phú Trọng mang tính cá nhân và gửi đơn xin ra khỏi đảng cộng sản vì “Không tin vào sự chỉ đạo của đ/c Tổng Bí Thư”. Ngay sau đó ông cũng nộp đơn xin tị nạn chính trị, tới tháng 12.2017 thì ông được nhận quy chế tị nạn tại Đức.
Cùng thời gian trên, phía Chính phủ VN đã rất nhiều lần gửi các yêu cầu truy nã và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh cho các cơ quan của Đức, cao điểm nhất là vào ngày 6.7.2017, bên lề hội nghị G20 tại Hamburg, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đương nhiệm của VN đã trực tiếp trao cho Thủ tướng Đức Angela Merkel văn bản đề nghị dẫn độ TXT. Bà thủ tướng Đức khi tiếp nhận đã nói với Chính phủ Việt Nam “ việc này thuộc thẩm quyền của bên tư pháp độc lập “.
Ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh “ như thời chiến tranh lạnh”, gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa quan hệ hai nước.
Tòa án cũng cáo buộc mệnh lệnh bắt cóc TXT đã được người đứng đầu đảng cộng sản VN đưa ra. Thượng tướng Tô Lâm chỉ là người thực hiện, Trung tướng Đường Minh Hưng là người điều hành trực tiếp toàn bộ vụ việc.
Đại sứ quán VN ở Berlin cũng bị cáo buộc, đã cử nhiều nhân viên trực tiếp tham gia vào vụ bắt cóc này, nhưng họ được quyền miễn trừ ngoại giao nên chỉ có thể trục xuất 2 nhân viên tại đây.
Tòa án cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam phải thực hiện những yêu cầu đã được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra trước đây, đó là trả ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức cũng như coi mọi phán quyết trong các phiên tòa xét xử ông Thanh tại Hà Nội không có giá trị pháp lý, vì họ đã vi phạm thủ tục tố tụng khi trước đó đã thực hiện bắt cóc ông TXT từ Berlin.
Phán quyết của Tòa thượng thẩm có giá trị pháp lý tại Đức và quốc tế, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho tất cả những quan hệ quốc tế từ nay về sau của Chính phủ Việt Nam.
Về bản án này, Nguyễn Hải Long có quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo là 1 tuần và trong vòng 1 tháng sau đó phải trình bày những lý do kháng cáo.
Ngoài ra, Nguyễn Hải Long có thể thay đổi, chọn 1 luật sư khác để kháng cáo. Tuy nhiên, rất ít khả năng xảy ra kháng cáo, vì trước khi thú nhận tội, luật sư của Nguyễn Hải Long đã nói chuyện, thỏa thuận công khai trước toà để được mức án khoan hồng.
Trung Khoa – Thoibao.de tường thuật tại phiên tòa hôm 25.7.2018 tại Berlin.
Báo chí & Truyền hình Đức đã đăng về phán quyết của Tòa thượng thẩm Berlin hôm 25.7.2018:
>> Bộ Trưởng Công An Tô Lâm: Tên Tội Phạm Nguy Hiểm Nhất Thế Giới!
>> Nước Đức đã đào tạo những người bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
>> Bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội hỗ trợ mật vụ Việt Nam bắt cóc TXT tại Đức