Một nghi vấn được đặt ra, tại sao bị cáo Nguyễn Hải Long lại kháng án? Nhà nước Việt Nam có gây áp lực với thân nhân và gia đình của Nguyễn Hải Long ở Việt Nam hay không? Tờ TAZ cũng cho biết, theo nguồn tin từ giới thân cận với Đại sứ quán Đức, ngay sau khi bị cáo Nguyễn Hải Long thú nhận tội trước tòa, thì chính phủ Việt Nam đã mời đại diện Đại sứ quán Đức tại Hà Nội lên nói chuyện về phiên tòa Berlin xét xử Nguyễn Hải Long.
Cách đây một tuần, vào ngày 25.7.2018 Tòa thượng thẩm Berlin đã tuyên án 3 năm 10 tháng tù cho bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, về 2 tội trạng: Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức, và hỗ trợ cưỡng đoạt tự do của 2 nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương trên lãnh thổ nước Đức, trong đó trường hợp Trịnh Xuân Thanh là thuộc tội phạm nghiêm trọng vì nạn nhân bị bắt cóc kéo dài hơn 7 ngày.
Bản án này chưa có hiệu lực, vì trong thời hạn 1 tuần bị cáo Nguyễn Hải Long có quyền kháng án, và trong vòng 1 tháng sau đó phải trình bày những lý do kháng án. Ngoài ra, Nguyễn Hải Long có thể thay đổi, chọn luật sư khác để kháng án. Tuy nhiên, rất ít khả năng xảy ra kháng án, vì trước khi thú nhận tội, luật sư của Nguyễn Hải Long đã nói chuyện, thỏa thuận công khai trước toà với tất cả các bên tham gia thủ tục tố tụng, để được mức án khoan hồng này.
Nhưng hôm qua thứ Ba ngày 31.07.2018, chỉ còn đúng 1 ngày là hết hạn, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bất ngờ đưa đơn kháng án. Tờ nhật báo TAZ của Đức đã đưa tin này trong ngày hôm nay và cho biết một phát ngôn viên của tòa án đã xác nhận với tờ TAZ về việc kháng án này.
Hai luật sư đang bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Long – Luật sư Alexander Sättele và người trợ lý là luật sư Simon Keßler- đã lấy làm ngạc nhiên về quyết định kháng án này. Chính 2 luật sư này đã khuyên thân chủ Nguyễn Hải Long thú tội để được hưởng khoan hồng với mức án nhẹ. Sau khi nhận được tin kháng án, hai luật sư này đã lập tức hủy bỏ Ủy nhiệm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Long.
Tờ TAZ cho biết, khi đệ đơn kháng án, bị cáo Nguyễn Hải Long cũng đã ủy nhiệm 2 luật sư mới bào chữa cho mình.
Như đã tường thuật trước đây, ngay từ đầu vụ án xét xử này, luật sư biện hộ cho Nguyễn Hải Long là luật sư Stephan Bonell, tiền thù lao cho luật sư Bonell do Nhà nước Đức đảm nhận vì bị cáo Long không có khả năng tài chính chi trả. Nguyễn Hải Long đã chọn luật sư Bonell ở thành phố Leizig miền Đông nước Đức, vì ông luật sư này đã từng cãi cho Đào Quốc Oai trắng án trong một vụ án bắn chết người khi xưa Đào Quốc Oai còn ở nước Đức.
Kể từ đầu tháng 6 năm 2018 Nguyễn Hải Long có thêm một luật sư thứ hai, đó là luật sư Alexander Sättele (và người trợ lý là luật sư Simon Keßler). Chắc chắn Nhà nước Đức không chi trả tiền thù lao cho luật sư thứ hai này và đến nay không biết ai đã đứng ra thuê thêm luật sư này bào chữa cho bị cáo Long? Có lẽ là những thân hữu của Nguyễn Hải Long ở Praha – CH Séc đứng ra thuê.
Luật sư Bonell và luật sư Sättele không phối hợp làm việc chặt chẽ với nhau trong công việc bào chữa cho thân chủ, mà làm việc hoàn toàn độc lập với nhau. Điển hình nhất là chuyện luật sư Sättele đã khuyên thân chủ Nguyễn Hải Long thú tội để được hưởng khoan hồng với mức án nhẹ, và trước tòa bị cáo Long đã đồng ý và ký tên vào bản thú tội. Nhưng trong phiên xử kế tiếp, sau khi không thuyết phục được thân chủ Nguyễn Hải Long rút lại lời thú tội, luật sư Stephan Bonell đã hủy bỏ Ủy nhiệm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Long.
Nói tóm lại, tất cả 3 luật sư trước đây của bị cáo Nguyễn Hải Long, nay không còn bào chữa cho bị cáo Long nữa. Nguyễn Hải Long hiện có 2 luật sư mới.
Như bản đã tin đã đưa trong thời gian xét xử, trước khi tòa tuyên án, trong phần biện hộ cho thân chủ Nguyễn Hải Long, luật sư Sätteler nhấn mạnh, thân chủ của tôi bị đem ra trừng phạt để làm gương, trong khi những thủ phạm chính lại không phải chịu trách nhiệm và hậu quả gì cả. „Sau khi thú nhận tội, thân chủ của tôi lo sợ rằng gia đình ở Việt Nam bị nhiều áp lực“, luật sư Sätteler nói.
Một nghi vấn được đặt ra, tại sao bị cáo Nguyễn Hải Long lại kháng án? Nhà nước Việt Nam có gây áp lực với thân nhân và gia đình của Nguyễn Hải Long ở Việt Nam hay không?
Tờ TAZ cũng cho biết, theo nguồn tin từ giới thân cận với Đại sứ quán Đức, ngay sau khi bị cáo Nguyễn Hải Long thú nhận tội trước tòa, thì chính phủ Việt Nam đã mời đại diện Đại sứ quán Đức tại Hà Nội lên nói chuyện về phiên tòa Berlin xét xử Nguyễn Hải Long. Nhưng cho đến nay, Bộ Ngoại giao Đức chưa trả lời câu hỏi này của tờ TAZ.
Cho đến nay nhà nước Việt Nam vẫn khăng khăng nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú. Trong khi với lời thú tội trước tòa, Nguyễn Hải Long thừa nhận rằng Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đem về nước. „Không có lời thú tội thì Nguyễn Hải Long không bị lên án ở Việt Nam là kẻ phản quốc“, luật sư Bonell nói với tờ TAZ.
Như vậy, ngày càng thấy rõ vụ trọng án này mang tính chính trị.
Trong bản luận tội khi tuyên án hồi tuần trước, bà Regine Grieß Chánh án chủ tọa phiên tòa nói rõ, tòa án có đầy đủ các nhân chứng và bằng chứng do cảnh sát điều tra thu thập được, để kết án bị cáo Nguyễn Hải Long mà không nhất thiết phải có lời thú tội của bị cáo.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>> Điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lan sang các nước châu Âu: Slovakia bị Việt Nam lừa dối
>> 75 Cảnh sát Liên bang và Hải quan Đức bao vây các tiệm Nails của người Việt
>> Người Việt dùng cưa tấn công người Tschetschenen, cảnh sát Đức đang điều tra
>> Cục diện chính trị thế giới đang thay đổi