Trong những năm qua, nhiều đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân đầu tư, bỏ tiền ra xây mới hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng: xây dựng-vận hành-chuyển giao (viết tắt là BOT). Để thu hồi vốn và có lãi, họ được nhà nước cho phép lập trạm BOT thu phí cho các công trình đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã rất bức xúc về những trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn cho phép để trục lợi một cách bất chính. Trên mạng xã hội, những trạm như vậy bị gọi là các “BOT bẩn”. Một trong số đó là trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài.
BOT bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là người nghèo, người giàu không bị ảnh hưởng nhiều. Một trong những người đi tiên phong truyền cảm hứng cho phong trào đấu tranh chống BOT bẩn là chị Huệ Như (tức là cô giáo Đặng Thị Huệ).
Chống BOT bẩn không phải là thách thức chính quyền – bởi bản thân nó là một công trình của tư nhân. Con đường đấu tranh của những người như anh Hà Văn Nam, chị Huệ Như, chị Nguyễn Trần Công, chị Hà My v.v. … chính là con đường đấu tranh thuần túy dân sự, đòi hỏi sự công bằng, đồng thời cũng chống “các nhóm lợi ích“ có liên quan, đặc biệt là ở đội ngũ quan chức đang tại nhiệm hoặc đã về hưu.
Những BOT bẩn được khai sinh bằng sự gian dối và tồn tại với sự bảo kê quyền lực. Mối liên kết đặc biệt giữa „nhóm chủ nghĩa thân hữu“ (tư nhân với quan chức nhà nước) đã làm thất thoát tiền thuế nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng Việt Nam. Tương ứng với việc, hàng ngàn tỷ đồng của người dân Việt Nam đã phải bỏ ra một cách vô lý để “nuôi” nhóm quan chức và tư nhân hủ bại về mặt đạo đức. Nói cách khác, việc làm của các nhà đấu tranh chống BOT bẩn chính là công việc chống tham nhũng trong xã hội.
Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức.