Chính phủ vẫn chưa xử lý các cá nhân và tổ chức về những sai phạm trong các dự án BOT

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập tại một số trạm BOT

Mặc dù một số vấn đề tồn tại liên quan BOT đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, nhưng đến nay Chính phủ chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện BOT.

Theo Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Một trong những chức năng của Quốc hội là giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ.

Đó là về phương diện lý thuyết, nhưng trên thực tế thì như thế nào?

Chính phủ báo cáo cho Quốc hội chậm trễ gần 1 năm

Hôm qua 15/8/2019 tờ VnEconomy đăng một bài tường thuật về phiên chất vấn Chính phủ tại Quốc hội với tựa đề „Báo cáo kết quả kiểm điểm vi phạm về BOT: Chính phủ đã chậm gần 1 năm“.

Mặc dù Quốc hội ra Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 yêu cầu Chính phủ báo cáo vào kỳ họp cuối năm 2018, nhưng mãi đến nay Chính phủ mới thực hiện, chậm gần 1 năm. Ngày 13/8/2019 thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

Trích Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội

Sáng 15/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết số 437 nêu trên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp.

Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân”, ông Dũng nói.

Mặc dù Quốc hội yêu cầu, nhưng vẫn còn 4 trạm BOT bẩn chưa được giải quyết

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được giao tại nghị quyết 437 vẫn còn chậm, một số nhiệm vụ không đạt yêu cầu tiến độ đề ra, chưa giải quyết dứt điểm được một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng.

Mặc dù Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội yêu cầu rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu; nhưng đến nay vẫn còn một số trạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để những bất cập (Trạm Bắc Thăng Long – Nội bài, Trạm Bỉm Sơn – Thanh Hóa, Trạm Cai Lậy, Trạm Thái Nguyên – Chợ Mới).

Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, hiện tại đã phát sinh thêm một số trạm thu phí tồn tại bất cập nhưng chưa được đề cập tại báo cáo của Chính phủ. Gồm, Trạm T2 Quốc Lộ 91 thuộc dự án BOT Quốc Lộ 91 Cần Thơ – An Giang và Trạm Hòa Lạc – Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT…

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc, bất cập tránh việc phát sinh các trạm thu phí bị dư luận phản đối sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây mất an ninh trật tự cũng như tình hình phát triển kinh tế – xã hội.

Chưa báo cáo kết quả xử lý sai phạm trong các dự án BOT

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, theo kết luận thẩm tra, mặc dù một số vấn đề tồn tại liên quan BOT đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận trong báo cáo, nhưng cho đến nay Chính phủ vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện BOT giao thông.

Uỷ ban thẩm tra nhận xét, đến nay vẫn còn tồn tại rủi ro mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương dự án đi qua (vẫn còn tình trạng phản đối của người dân tại một số trạm thu phí).

Trong báo cáo cũng chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ tập trung vào các dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa làm rõ đối với tình hình thực hiện của các dự án do địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên chất vấn.

Một khía cạnh khác, chất lượng của một số công trình giao thông BOT còn thấp, có công trình xuống cấp nhanh nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời; cũng như việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại chưa được công khai, minh bạch và xử lý triệt để.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại Quốc hội, sáng 15/8/2019

Thu phí tự động không dừng đã bị chậm 1 năm

Tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi vì sao chủ trương thu phí tự động không dừng liên tục bị lùi. “Với mốc kế hoạch mới là cuối năm 2019, 100% trạm thu phí sẽ chuyển sang thu phí không dừng thì có làm được hay không, khi chỉ còn vài tháng nữa?“, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại hỏi.

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hai năm qua liên tục có những văn bản chỉ đạo, đốc thúc các nhà đầu tư chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng.

Nhưng thực tế chủ trương này bị chậm một năm so với kế hoạch. “Tới 31/12/2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc sẽ triển khai thu phí tự động không dừng“, ông Thể cam kết.

Chủ đầu tư BOT sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chậm triển khai. Chủ đầu tư nào cố tình chây ỳ thì sẽ bị dừng thu phí và chịu hậu quả kinh tế“, ông Thể quả quyết.

Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)

Nguồn: http://vneconomy.vn/bao-cao-ket-qua-kiem-diem-vi-pham-ve-bot-chinh-phu-da-cham-gan-1-nam-20190815092613882.htm

https://vnexpress.net/kinh-doanh/bot-cham-trien-khai-khong-dung-se-khong-duoc-thu-phi-3967974.html

https://thanhnien.vn/thoi-su/chinh-phu-van-chua-tong-hop-ket-qua-kiem-diem-trach-nhiem-trong-vi-pham-ve-bot-1114896.html