Vở kịch xét xử rẻ tiền với mức án lố bịch, giễu cợt nhân dân:
Mức án 3 năm tù cho Phạm Nhật Vũ khiến bất cứ ai cũng cảm thấy có gì đó sai sai, khi mà nhà ảo thuật này đã chuyển đổi thành công một công ty thua lỗ hàng ngàn tỷ để cầm trong tay 9 ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước đến 7 ngàn tỷ đồng.
Quả là khôi hài cho màn kịch mang tên xét xử với công sức của rất nhiều chuyên gia Pháp lý trong bộ máy hành chính và tư pháp như: Thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án, chuyên viên giám định, các chuyên viên khoa học hình sự… Và hiện nay, trong khi những người khác bị tù giam thì Vũ nằm trong bệnh viện với phòng máy lạnh và các y tá bác sỹ chăm sóc tận răng.
Vâng, ắt phải có cái gì đó sai sai, ai cũng cảm thấy mà chưa thể nói ra mạch lạc, bởi vì có hàng loạt lý lẽ mà báo chí đưa ra chỉ nhằm biện hộ cho sự đúng đắn của bản án 3 năm tù cho một Bố Già MAFIA có tên Cư sỹ Từ Vân.
Đã có một sự dàn dựng nào đó khi các báo đồng loạt đăng tin tốt hoặc cực kỳ tốt cho Vũ như:
- Cư sĩ Phạm Nhật Vũ đã chi hơn 1.300 tỷ đồng làm việc thiện
- 2.000 tổ chức, cá nhân xin bảo lãnh, khoan hồng cho cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ.
Chưa biết các thông tin này trung thực đến đâu, ai là người kiểm chứng, nhưng rất nhiều người bán tín bán nghi. Báo Người Việt nói rằng “Hơn 2000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ” đang làm dân mạng xã hội ngạc nhiên cũng như hoài nghi có sự dàn dựng.”
Báo chí cũng nêu lên những phát biểu lạc quan của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như “Chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy và tôi nhớ không nhầm thì thu lại cho Nhà nước được hơn 8.500 tỷ đồng”.
Và một tín hiệu khác bật đèn xanh cho việc khoan hồng từ ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng mang tên “trị bệnh cứu người”, ông nói: “…Với tinh thần ‘trị bệnh cứu người’, nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng”.
Cuối cùng, Tòa đưa ra phán quyết tụt dưới hai khung, một cách làm xé rào chưa có tiền lệ về Hình sự. Tòa không thèm đếm xỉa đến nguyên tắc cụ thể rằng dù có giảm cũng chỉ được áp dụng “khung liền kề” tức chỉ được giảm án tối đa một khung mà thôi.
Các Luật sư sững sờ và dân mạng bắt đầu bàn tán về một thuật ngữ Pháp lý mới mang tên “chính sách hình sự đặc biệt”. Thực ra đây chỉ là câu nói ở miệng quan khi chiều 4/9 khi Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc đã dùng khái niệm này để nói về vụ MobiFone-AVG đang xét xử. Báo chí đổ xô xin các Luật sư giải thích về khái niệm này nhưng các câu trả lời đều giống nhau rằng khái niệm này không có trong Luật và vì thế Tòa không thể tùy tiện áp dụng.
Chỉ xét về tội đưa hối lộ thì Phạm Nhật Vũ đã đạt mức cao gấp 136 lần điều luật, tức Vũ hối lộ 136 tỷ trong khi chỉ cần hối lộ 1 tỷ đồng thì đã bị đưa vào khung hình phạt này với mức cao nhất là 20 năm tù.
Tội chính xác của Phạm Nhật Vũ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Soi chiếu với một góc nhìn khác của tư duy Pháp lý, thì tội phạm của Phạm Nhật Vũ là “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và hành vi hối lộ chỉ là một giai đoạn cuối trong toàn bộ tiến trình, hối lộ là biện pháp đảm bảo cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt hoàn thành một cách chắn chắn.
Việc định hướng truy tố xét xử theo tội danh “hối lộ” không thể hiện được toàn bộ quy trình và âm mưu của Phạm Nhật Vũ mà chỉ đưa ra được một phần của tội phạm này.
Những kẻ lừa đảo luôn tạo ra một kịch bản quy mô với nhiều bước đi, nhiều công đoạn, nhiều khung cảnh, với tính chất thật giả chen lẫn vào nhau. Mục đích là khiến cho đối tượng bị nhầm lẫn và tự nguyện chi trả số tiền rất lớn cho một tài sản giả mạo hoặc có giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với sự mô tả của kẻ lừa đảo.
Vũ muốn bán cổ phần với giá cao, nên tạo dựng ra hình ảnh AVG có giá trị cao và triển vọng sinh lợi đặc biệt dưới mắt người mua. Trong khi thực chất AVG thua lỗ nhiều năm, tài sản được đôn lên từ vốn vay và đầu tư ngoài ngành, giá trị tài sản của mảng truyền hình chỉ hơn 629 tỉ đồng.
Báo tuổi trẻ viết rằng: “Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tổng giá trị tài sản của AVG được thẩm định trước khi bán là hơn 3.260 tỉ đồng, trong đó 2 khoản đầu tư ngoài ngành là 2.473 tỉ. Tuy nhiên, theo TTCP, việc định giá 2 tài sản này có “dấu hiệu bất thường” và đã được nâng lên 12 và 17 lần so với giá gốc.”
Với tiêu đề “Phạm Nhật Vũ thổi giá AVG lên hơn 14 lần”, báo Pháp luật online viết “Trong thương vụ này, những người có liên quan đã thổi giá AVG từ 629 tỉ đồng (theo sổ sách kế toán) lên đến 33.000 tỉ đồng và cuối cùng giá chốt gần 8.900 tỉ đồng.”
Xét riêng Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội) được Vũ mua với giá cao gấp 17 lần mệnh giá được báo Dân Việt mô tả “Từ cuối năm 2015, AVG mua lại toàn bộ cổ phần, nhân viên của công ty giảm xuống chỉ còn mấy người. Cửa các khu nhà cũ đều bị khóa trái, bỏ hoang không người sử dụng.”
Tài sản của AVG nếu đem bán cổ phần thì chắc chắn phải dưới mệnh giá mà chưa chắc có người mua, nhưng Vũ đã tung tin rằng “người môi giới tên là Tào Nhân Siêu tại Hong Kong đã nhận cọc 10 triệu USD”, để mua AVG với giá 700 triệu USD. Thông tin lừa đảo này được BBC gọi là “”Bí ẩn” đối tác nước ngoài”, tuy nhiên báo Pháp luật online thì nói thẳng luôn là “Đối tác nước ngoài không có thực”.
Cơ quan điều tra cũng kết luận là không hề có bất cứ đối tác nước ngoài nào cả. Nhưng Kết luận điều tra cho thấy Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và gửi 206 tin nhắn, đề nghị ông chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG.
Ngoài ra Vũ còn thông báo cho Mobifone là “Mức đầu tư để có một hệ thống như AVG hiện này dựa trên các tính toán cụ thể là 370 triệu USD, chi phi AVG đã đầu tư cho hệ thống đến nay là 400 triệu USD”. Những con số 370 triệu hay 400 triệu USD là không hề có thực.
Đến ngày 9/9/2015, Vũ “chốt hạ” bằng văn bản gửi MobiFone với nội dung: “Chúng tôi đã hai lần chào bán cổ phần cho MobiFone với mức giá chào lần 1 là 600 triệu USD tính riêng cho hệ thống truyền hình. Và lần chào giá thứ 2 là 9.226,8 tỉ đồng (tương đương khoảng 400 triệu USD)… Số tiền bán 400 triệu USD thì các cổ đông AVG mới thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy với mức đề nghị mua của MobiFone là 8.569,8 tỉ đồng đã tạo ra khoảng cách khá xa với đề nghị của AVG và các cổ đông AVG đang chưa hoàn vốn đầu tư. Mặc dù vậy, sau khi thống nhất ý kiến với các đại cổ đông, hệ thống truyền hình AVG bán cho MobiFone sẽ là giá 8.898,3 tỉ đồng”.
Có thể thấy rằng những kẻ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Phan Thị Hoa Mai… không hề ngu xuẩn đến mức bị lừa 100%. Tuy nhiên những thông tin giả 100% của Phạm Nhật Vũ đều có giấy trắng mực đen với sự chủ động và liên tục hối thúc tích cực. Cuối cùng Vũ đánh gục toàn bộ nhóm người có quyền lực kia bằng tiền hối lộ cụ thể và bằng tiền mặt.
Trong phi vụ này Vũ bỏ ra 136 tỷ đồng hối lộ để có lợi nhuận 6.500 tỷ đồng.
Có thể nói kịch bản của Vũ có quy mô cực kỳ lớn và công phu để nhắm vào cả một Hội đồng, cao nhất có thể là Thủ tướng và thấp nhất là lãnh đạo Mobifone. Bí quyết “chinh phục nhân tâm” của Vũ ở đây chính là đánh vào lòng tham, tức là chi ra số tiền hối lộ rất lớn.
Vậy thì những người này có bị lừa hay không?
Nếu là tiền túi của họ thì chắc chắn không, nhưng đây là “tiền chùa” và điều quan trọng là quyết định của họ được bao biện bằng cả một quy trình chồng chéo, liên kết trách nhiệm từ Thủ tướng Chính phủ trở xuống, cái thấp căn cứ vào cái cao, cấp dưới làm theo cấp trên, có vẻ logic và trật tự. Hoàn toàn đúng quy trình.
Vậy thì ai mới thật sự bị lừa, ai là bị hại ?
Xét cho cùng thì nhân dân là người bị móc túi, nhưng Chính phủ bị lừa, và cả hệ thống quyền lực nhà nước bị lừa. Người bị mất tiền là bị hại. Nhưng cụ thể là các cổ đông của Mobifone là bị hại và xét theo tính chất sở hữu thì tài sản ấy là tài sản nhà nước.
Cũng có người cho rằng bị hại của tội lừa đảo chiếm đoạt phải là một cá nhân cụ thể, tuy nhiên điều luật chỉ có mô tả đơn giản “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”. Như vậy “người khác” ở đây có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tội phạm lừa đảo vì mục đích chiếm đoạt tài sản có thể tấn công vào một cá nhân hoặc vào một tập thể, một khi mà tài sản ấy phụ thuộc vào một cơ chế tập thể quyết định.
Cơ chế tập thể thường thấy nhất chính là Ngân hàng. Thủ đoạn phổ biến nhất của tội phạm là ngụy trang để thổi phồng tài sản hoặc doanh thu lên gấp nhiều lần để vay tiền để chiếm đoạt, trong khi tài sản kia thực chất đã không còn giá trị nữa.
Nhưng dấu hiệu cơ bản phổ biến nhất của tội lừa đảo là đưa ra những thông tin gian dối ngụy tạo về tài sản của mình, để đối tác (bị hại) chấp nhận giao lại một tài sản khác lớn tương đương. Về mặt ý chí chủ quan thì kẻ lừa đảo nhắm đến một số tiền rất lớn từ tài sản của người bị hại.
Xem lại những vụ án lừa đảo nổi bật thì số tiền mà kẻ lừa đảo chiếm đoạt được có thể đến hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng, tùy theo túi tiền của người bị hại, tùy theo tầm cỡ tài sản mà kẻ lừa đảo đem ra “thế chấp” hoặc mua bán trao đổi.
Kẻ lừa đảo thường dùng thông tin giả mạo, chiếm đoạt một cách êm ái và chủ yếu là đánh vào lòng tham của đối tượng, khiến cho đối tượng hoa mắt trước những khoản lợi nhuận khổng lồ và nhất là tài sản đem ra trao đổi tương đương với hứa hẹn của kẻ lừa đảo.
Thủ đoạn chính của Phạm Nhật Vũ trong vụ lừa đảo này chính là thổi phồng triển vọng siêu lợi nhuận của ngành phát thanh truyền hình và đưa ra nhiều con số giả mạo một cách tinh vi. Cuối cùng Vũ đánh vào lòng tham của những kẻ quyết định bằng số tiền hối lộ rất lớn.
Nhìn xuyên suốt vụ án với khung hình cận cảnh thì thấy ngay tội hối lộ, nhưng nếu nhìn toàn cục thì đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với quy mô về tiền bạc, tài sản chiếm đoạt, về quá trình giao dịch và số đối tượng tham gia thì đây chính là một kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Vụ việc đã thực hiện thành công vào năm 2015 khi các văn bản thỏa thuận đã có hiệu lực và việc thanh toán tiền 95% vào ngày 15/1/2016 chỉ là giai đoạn hậu kỳ.
Nếu tiếp cận vụ án dưới góc nhìn của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì hối lộ có thể được xem như một tội phát sinh độc lập hoặc một yếu tố định khung tăng nặng khác…
Hải Yến – Thoibao.de