Ngày 7/2, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo đã phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội.
Động thái này của Bộ Chính trị cho thấy hai nhân vật này sẽ đi theo hai chiều hướng ngược chiều nhau, một là khả năng thăng tiến hơn nữa cho ông Vương Đình Huệ và khả năng ông Hoàng Trung Hải sẽ trở thành củi đốt lò vì những sai phạm gây thất thoát và thiệt hại khổng lồ cho tài sản của nhà nước .
Ông Hoàng Trung Hải thôi giữ chức Bí thư Thành Hà nội để giữ chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chức Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII dành cho ông Hoàng Trung Hải coi như một vị trí văn thư quèn, không có quyền hành gì cả, số phận ông Hoàng Trung Hải xem như đã rõ.
Tháng Giêng năm nay, ông Hoàng Trung Hải nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị vì có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II) khi còn là Phó Thủ tướng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thông báo ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của TP. Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.
Hiện nay, giới quan sát đặt ra hai giả thiết:
Hoặc việc ông Vương Đình Huệ lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chỉ là biện pháp tạm thời từ nay tới Đại hội Đảng 13, dự kiến tháng Giêng 2021. Theo đó, ông Vương Đình Huệ sẽ có khả năng được đề cử vào một trong Tứ Trụ (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội).
Dù dự đoán ra sao, điều rõ ràng là con đường quan lộ của ông Vương Đình Huệ ngày càng thuận lợi.
Hoặc nếu không vào Tứ Trụ tại Đại hội Đảng 13, ông Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thêm một nhiệm kỳ.
Trước đó, từ hồi tháng 5 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, đang là các trưởng ban Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương lại bầu cho hai ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại Hội nghị trung ương 7 kết thúc hôm 11/5/2013, 175 ủy viên trung ương chính thức có quyền bỏ phiếu đã bầu các ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng, và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, vào Bộ Chính trị vốn đã có 14 ủy viên, đưa tổng số nhân sự lên 16 ghế.
Trong khi đó, Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lại không vào được cơ quan quyết sách tối cao này của Đảng.
Thời điểm đó, giới bình luận gọi đây là thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp xúc cử tri ngày 13/5/2013, ông Nguyễn Phú Trọng bình luận: “Thẩm quyền là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng là cơ quan chuẩn bị để Trung ương quyết thôi. Vừa rồi bầu bổ sung được thành 16 ủy viên Bộ Chính trị, định bổ sung 3 thì được 2, định bổ sung thêm 2 ủy viên Ban Bí thư thì được 1, so với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó Trung ương cũng không hài lòng.”
Báo chí nhà nước khi đó dẫn lời ông Trọng giải thích rằng, “trong không khí dân chủ này cơ chế phải có số dư, để tôn trọng các ý kiến của người ta“.
Ông Vương Đình Huệ, khi đó tiếp tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ tháng 12/2012 tới tháng 1/2016, khi diễn ra Đại hội Đảng 12.
Vào Bộ Chính trị năm 2016: Nhưng tại Đại hội 12, ông Huệ được bầu vào Bộ Chính trị, vào nhóm các nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam.
Từ tháng 4/2016, ông chính thức là Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 7/2 năm nay, khi được điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Với học vị Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, ông Vương Đình Huệ được giới quan sát xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất trong chính giới Việt Nam.
Trong vai trò Phó Thủ tướng, ông Huệ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực về kinh tế.
Trong đó có việc theo dõi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Huệ cũng là người trực tiếp chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
Ông giúp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi.
Ông còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp…
Sinh năm 1957, với chuyên môn kinh tế, tài chính, ông Huệ được đồn đoán là một trong các ứng viên cho chức Thủ tướng trong tương lai.
Theo truyền thống, các Thủ tướng Việt Nam gần đây, từ ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, đều xuất phát từ chức vụ phó thủ tướng.
Theo tiểu sử chính thức, từ 1979 tới 1985, ông Vương Đình Huệ là Giảng viên Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).
Từ 1986 tới 1990, ông làm nghiên cứu sinh ở Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Sau khi về nước, ông làm giảng viên ở Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, rồi trở thành Trưởng khoa Kế toán từ 1994 tới 1999.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 5 Phó thủ tướng
Trong hai năm từ 1999 tới 2001, ông là Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội. Từ 2001 tới 2006, ông là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ông trở thành Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Đại biểu Quốc hội từ 2006 tới 2011. Trong thời gian ngắn, từ tháng 8/2011 tới tháng 12/2012, ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính.
Cuối năm 2012, Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương. Ban này được gọi là Ban tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế, theo đường lối và Cương lĩnh của Đảng đã chỉ ra.
Ông Vương Đình Huệ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, điều động làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ cuối 2012 tới 2016.
Việc giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng là lần đầu tiên ông Vương Đình Huệ nắm chức vụ lãnh đạo ở một cấp địa phương.
Việc điều hành Đảng bộ Thủ đô vào thời điểm hiện nay sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ khả năng trước Đại hội Đảng 13 năm sau.
Trước đó đã có nhiều lời đồn đoán rằng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được đề bạt chức vụ mới. Mạng xã hội bỗng xôn xao vì một số người bắt đầu chia sẻ câu chuyện mang tên “Tuổi thơ “dữ dội” của Bộ trưởng Vương Đình Huệ” với chi tiết “Những khi đèn dầu hết, ông học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học”.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá ông Vương Đình Huệ là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng.
Theo ông Vượng, việc này nhằm phát huy kiến thức, năng lực nghiên cứu chiến lược và kinh nghiệm công tác của ông Hải vào công việc chung của Đảng.
Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng họp, thảo luận, cân nhắc các mặt để điều động ông Vương Đình Huệ thôi làm Phó thủ tướng để giữ chức Bí thư Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, ông Vương Đình Huệ là cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu lãnh đạo và nhiệm vụ chính trị của thành phố, nắm vững công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước ở Trung ương.
Đặc biệt, ông Huệ có uy tín và khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ, có bề dày kinh nghiệm công tác và am hiểu tình hình kinh tế xã hội của đất nước cũng như Hà Nội.
Có lẽ để chuẩn bị thi hành kỷ luật với cựu Bí thư Hoàng Trung Hải, nên Bộ Chính trị đã nhanh chóng ra quyêt định, để chiều ngày 7/2/2020 Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định chính thức là ông Vương Đình Huệ sẽ đảm nhận cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Bí thư Hà nội Vương Đình Huệ là một cá nhân, dù có khả năng đến đâu, nhưng ông vẫn phải thực hiện việc điều hành đất nước theo mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, điều đó sẽ dẫn đến thất bại vì thứ lý thuyết sai lầm và man rợ này.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)