Hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Trịnh Bá Phương kêu gọi phải có các nhà điều tra và các nhà báo độc lập vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc, hoặc ít ra là gây sức ép để chính quyền Việt Nam công bố sự thật, và nhấn mạnh rằng cuộc đột kích hồi tháng trước của cảnh sát Việt Nam vào Đồng Tâm là “tội ác rất lớn”.
“Thực chất vụ đàn áp hôm 9/1 là một tội ác. Có thể nói rằng chính quyền là lực lượng đã bất chấp luật pháp cũng như bất chấp tất cả các công ước quốc tế” nhà hoạt động trẻ Trịnh Bá Phương đã nói như vậy.
Từ những quan sát của mình, các nhà hoạt động khẳng định rằng các bằng chứng cho thấy ông Kình đã bị cảnh sát “giết hại”, trong khi đó, ngược lại, cái chết của 3 viên cảnh sát là câu chuyện do phía công an “dựng lên” mà không có mấy bằng chứng thuyết phục.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói: “Chúng tôi đã đến tận nơi, tôi xem cái giếng trời ấy, cách xa nhà cụ Kình. Lên trên tầng thượng nhà cụ Kình không thể đi sang chỗ đó bởi vì nó cách 6, 7 mét. Nếu 3 người cùng chết ở đấy, bị thiêu ở đấy thì phải có dấu vết gì chứ. Chúng tôi không thấy dấu vết gì cả”.
Lúc 18h ngày 12-2 Trịnh Bá Phương thông báo khẩn trên Facebook rằng:
“Công an đang tập trung ở nhà cụ Dư Thị Thành đòi lấy hết cửa kính còn in dấu các vết đạn. Họ nói là cần mang các cửa kính đi xét nghiệm, cụ Thành nói rằng đã vứt hết rồi ( vì trước 1 ngày gia đình cụ đã thay cửa khác), thì họ đe doạ, rồi bắt cụ Thành ký vào một tờ giấy, cụ Thành đã trả lời là nếu muốn ký thì gọi ông nhà tôi lên ký, sau đó cụ Thành thắp hương gọi tên cụ Kình, thì chúng đã rút lui. Hiện trường các vết đạn đã được nhiều người chụp lại, nhưng công an vẫn muốn xoá dấu vết.
Phải chăng bài viết ‘Tội Ác Đồng Tâm’ của GS Hoàng Xuân Phú đã có tác động đến quốc tế?“
Hơn một tháng trôi qua kể từ cuộc đột kích với hậu quả 4 người chết, nhiều người bị bắt bớ, giới hoạt động và dư luận vẫn chưa dừng đặt câu hỏi về tình huống dẫn đến những cái chết “đau xót”, “đáng tiếc” đó.
Ông Trịnh Bá Phương đã bị phía công an, chính quyền hăm dọa nhiều lần. Mặc dù vậy, điều đó không làm ông run sợ, ông nói: “Cho dù họ có đe dọa hay xử án tù tôi, kể cả họ có kề súng bắn vào đầu tôi như bắn vào cụ Kình, tôi cũng không bao giờ yên lặng trước tội ác này vì vụ này rất nghiêm trọng. Hôm nay nó diễn ra với gia đình cụ Kình, ngày mai nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào khác, trong tương lai nó có thể diễn ra với chính gia đình tôi. Chính vì thế tôi thấy rằng đây là trách nhiệm tôi phải tố cáo tội ác này ra công luận”.
Giới hoạt động cũng đã soạn ra bản “Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm” có độ dài 64 trang, được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nghị sĩ ở Mỹ, châu Âu.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa ra dự đoán rằng chính quyền Việt Nam “đang muốn đem vụ việc ra xử càng nhanh càng tốt, để dẹp yên dư luận”, thậm chí có thể dẫn đến ít nhất là “một án tử hình”.
Bà Đoan Trang kêu gọi công chúng phổ biến bản báo cáo nhằm mục đích thúc đẩy điều tra độc lập: “Chỉ có điều tra độc lập mới hy vọng bảo vệ được sinh mạng mong manh của những người dân đang bị biệt giam chờ tòa án (của công an) xử tội”.
Với tựa đề Tội ác Đồng Tâm – GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt nam, đã có một bài phân tích mang tính điều tra hiện trường ở Đồng Tâm. GS tự mình chụp ảnh rất nhiều vị trí được xem là chứng cứ vụ án.
“Tối 10/1, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn.”
Sáng ngày 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lại tung thêm tình tiết:
“Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ.”
Thử hỏi, đang nằm trên giường trong phòng ngủ kín mít, chật hẹp (kích thước 2,4 m x 3,6 m), thì cụ Kình ném lựu đạn để tự sát hay sao? Nếu định tự sát, thì cụ chỉ cần rút chốt lựu đạn, chứ việc gì phải gắng ném?
Đó là thông tin đã được đăng tải nhiều nơi, chẳng hạn như Vietnamnet, Người lao động, Đất Việt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh,Ngày nay, VTC News…
Thử hỏi, một cụ già đã 84 tuổi, lại từng bị công an đánh gãy xương đùi vào năm 2017, thì lấy đâu ra sức lực để chống đối người thi hành công vụ?
Cụ bị què chân, nằm trên giường ngủ, thì cầm lựu đạn để làm gì? Đám vận chuyển tử thi từ nhà cụ Kình đến nơi khám nghiệm tử thi có lẽ đã nguy biện, mà để mặc người chết cầm giữ quả lựu đạn trên tay suốt thời gian vận chuyển đường xa?
Tôi thành tâm khuyên mọi người Việt, đặc biệt là giới cầm quyền, nghiêm túc xem đoạn video quay cảnh người thân lau thi thể của cụ Lê Đình Kình, để hiểu thêm chút ít về giai đoạn lịch sử Dân tộc mà chúng ta đang sống. GS Hoàng Xuân Phú nói như vậy.
Cuối cùng, cụ Kình đã bị giết bằng mấy phát súng, trong đó có một phát bắn thẳng vào tim.
Chưa hết, thi thể cụ Kình còn bị đem đi và bị mổ dọc từ cổ xuống đáy bụng.
Thông thường, khi khám nghiệm tử thi, người ta mổ phanh toàn thân nếu cần xác định nguyên nhân cái chết. Nhưng họ đã biết quá rõ tại sao cụ bị chết, lẽ ra không cần phải mổ như vậy.
Nếu mổ để gắp đầu đạn, nhằm phi tang, thì chỉ cần mổ những vùng bị bắn. Còn nếu mổ để xem cụ Kình có nuốt tài liệu, tang chứng hay không, thì chỉ cần siêu âm, hay nội soi, thì đã biết rõ là cụ chẳng nuốt gì. Vậy tại sao lại mổ phanh thây như thế?
Sáng 14/1/2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang còn nói với các nhà báo:
“… anh em ngã xuống hố… Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt. Qua quá trình đấu tranh khai thác thì Truyền hình Việt Nam đã vào khai thác và các đối tượng đã khai nhận. Và dưới sự chỉ đạo của Lê Đình Kình. “
Nếu quả thật cụ Kình đã phạm phải những tội như vậy, thì tại sao không truy tố, bắt giam, rồi đem ra xét xử công khai, theo đúng trình tự đã được pháp luật quy định?
Có lẽ, tội lớn nhất của cụ Kình là… vô tội. Bởi nếu có tội thì cụ đã bị bắt, bị xét xử và bị kết án. Và nếu như vậy thì bây giờ cụ vẫn còn sống. Song vì vô tội, nên cụ buộc phải chết.
Khi thông báo về cái chết của đối tượng Lê Đình Kình, phía công an đã khẳng định:
“Lời khai của một số đối tượng bị bắt xác nhận ông Kình là kẻ cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm.”
Nếu quả thật cụ Kình đã phạm phải những tội như công an đã cáo buộc, thì tại sao lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không khai trừ cụ ra khỏi đảng? Theo thông lệ, đảng viên thường bị khai trừ trước khi bị bắt, và muộn nhất là khai trừ trước khi bị tòa án xét xử. Vậy thì tại sao lại không khai trừ đảng viên Lê Đình Kình trước khi giết, để bị mang tiếng đảng giết đảng viên?
Câu trả lời đơn giản là: Công dân Lê Đình Kình (84 tuổi đời) cũng như đảng viên Lê Đình Kình (58 tuổi đảng) không có tội. Vì thế không thể bắt giam để kết án.
Hãy quan sát dấu vết tra tấn còn lưu lại trên khuôn mặt của Lê Đình Công, Bùi Thị Nối, Lê Đình Quang và Lê Đình Doanh, để mường tượng ra mức độ ép cung. Và nếu thấy chưa đủ, hãy nghe thêm lời kể của cụ bà Dư Thị Thành (vợ của cụ Lê Đình Kình):
“Người ta bắt phải khai ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo tôi không hề biết quả lựu đạn thế nào, tôi cũng không biết bom xăng thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát. Tát suốt, cứ bên nọ sang bên kia. Xong nó cứ thế đá vào hai ống chân.”
Tại sao cả ba sĩ quan công an lại cùng ngã xuống hố kỹ thuật như vậy? Có ý kiến cho rằng, ba sĩ quan bị rơi xuống hố kỹ thuật vì trời quá tối, mà lại không được trang bị đèn chiếu sáng.
Thực ra, khi xảy ra cuộc tấn công thì khu vực xung quanh hố kỹ thuật không hề tối, thậm chí nhiều khi đèn pha còn chiếu thẳng vào nơi đó. Và khu vực ấy cũng không hề bị khói mịt mù bao phủ. Xem hình ảnh được trích ra từ video clip của chương trình thời sự VTV, thì chắc chắn ba sĩ quan công an phải nhìn thấy hố kỹ thuật.
Vậy mà vẫn ngã xuống hố, rồi lại được đánh giá là “chiến công đặc biệt xuất sắc”. Lẽ ra, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng công an, để tránh tái diễn những sai lầm chết người tương tự. Thì ngược lại, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công an các tỉnh lại phát động phong trào học tập ba liệt sĩ đã hi sinh ở Đồng Tâm.
Học tập cái gì? Phương pháp rơi xuống hố ư?
Điều đó cho thấy, thế lực cầm quyền muốn có nhất ở các sĩ quan và chiến sĩ không phải là kỹ năng và hiệu quả chiến đấu, mà là bản năng tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh bất chấp đúng sai, và chấp nhận hi sinh cả khi phi nghĩa. Chỉ có như vậy, thì họ mới chịu chĩa súng vào đầu dân và chĩa cả vào nhau, sẵn sàng bóp cò mỗi khi có lệnh.
Khi về nơi chín suối, hẳn các liệt sĩ đã kịp nhận ra mức độ hài hước của khẩu hiệu “Còn đảng còn mình”. Bởi đảng vẫn còn, mà mình chẳng còn.
Ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 41/QĐ-CTN, truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba cá nhân Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy, vì “đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc” . Với Quyết định này, Chủ tịch nước cũng lập chiến công với ba kỷ lục.
Kỷ lục thứ nhất là về thời gian: Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký chỉ một ngày sau khi ba sĩ quan công an lập chiến công. Nhanh gấp 4 lần so với thời gian mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang cần để ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì cho Thượng úy công an Lưu Minh Thức, đã hi sinh trong khi truy bắt đối tượng giết người.
Kỷ lục thứ hai là về sự hào phóng: Cả sĩ quan đều được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Nhắc lại rằng: Thượng úy công an Lưu Minh Thức chỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì. Với 18 sĩ quan quân đội đã hi sinh trong vụ rơi máy bay Mi-171, chỉ có ba sĩ quan cấp tá được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, hai sĩ quan cấp tá được Huân chương hạng nhì, còn 13 sĩ quan cấp úy đều chỉ được Huân chương Chiến công hạng ba.
Chứng tỏ, chiến công tấn công người dân Đồng Tâm được đánh giá cao hơn hẳn so với chiến công quốc phòng và truy bắt đối tượng giết người.
Kỷ lục thứ ba là về tính tiên phong: Trong Quyết định ký ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh là Đại tá, gọi Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân là Trung úy, và gọi Trung úy Phạm Công Huy là Thượng úy, mặc dù một ngày sau đó thì Bộ Công an mới ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho ba người ấy.
Sau đó Dương Đức Hoàng Quân lại được phong tiếp lên Thượng úy và Phạm Công Huy lên Đại úy. Tức là được phong hai cấp, trong khi liệt sĩ thường chỉ được truy phong một cấp mà thôi.
Hành động của Bộ Công an Việt nam với người đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm đã tổ chức tấn công, giết hại đảng viên lão thành cách mạng, cụ Lê Đình Kình với 58 năm tuổi đang , 84 năm tuổi đời đã trở thành một tội ác ghê gớm, đi vào lịch sử tội phạm ở Việt nam.
Nghiêm trọng hơn, ngay sau đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức ký , trao tặng Huân chương chiến công hạng nhất cho 3 công an đã chết vì cuộc bắn giết vô nghĩa này.
Người dân Việt nam trong và ngoài nước cùng Quốc tế không còn nghi ngờ gì nữa, từ đây họ chính thức gọi nhóm đảng viên Đảng cộng sản đang cầm quyền ở Việt nam là nhà nước khủng bố.
Thu Thủy từ TpHcm – Thoibao.de (Tổng hợp)