Khi nhân loại không còn gì để ăn ?

Covid-19 khiến người dân ở những vùng dịch mới như thị trấn Codogno của Italia hay thành phố Daegu của Hàn Quốc liên tưởng đến ngày tận thế khi mà mà cuộc sống bị xáo trộn, các hoạt động thường nhật không còn được diễn ra như bình thường, đường phố vắng tanh như “thành phố ma”và đặc biệt là các siêu thị, chợ địa phương liên tục cháy hàng do người dân hoảng loạn mua thực phẩm, nhu yếu phẩm để dự trữ. Nạn đói liệu có xảy đến trong dịch Covid-19 này?

Trong lịch sử hiện đại, thế giới đã từng chứng kiến nhiều nạn đói. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, có thể là do xung đột, bạo loạn chính trị, hạn hán, thiên tai… Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng hầu hết những nạn đói không phải là do khan hiếm thực phẩm mà là do không tiếp cận được thực phẩm.

Cuộc tấn công, bao vây của quân đội người Serb của Bosnia vào thành phố Sarajevo trong gần 4 năm (1992-1996) đã khiến cho gần 400.000 cư dân tại đông không chỉ phải đối mặt với những kẻ xâm chiếm lãnh thổ mà còn phải chịu đựng một mối hiểm họa ngày một cận kề – đó là nạn đói khi mà toàn bộ thành phố bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Những người cực giàu có có thể trao đổi nữ trang, các bức họa hay bất cứ thứ gì có giá để lấy thêm thực phẩm trên chợ đen. Đối với những ai không có gì để trao đổi, họ cần những cách khác để bổ sung cho khẩu phần ăn ít ỏi của họ như hiến máu ở bệnh viện thành phố để đổi lại một hộp thịt bò hay tìm đọc trong sách xem loại cây cỏ nào có thể ăn được rồi làm món rau trộn từ cây cỏ đồng thời tìm kiếm bất kỳ chỗ nào có thể trồng trọt để cố gắng trồng rau tự cung tự cấp… Họ làm tất cả để sinh tồn. Đợt bao vây kéo dài 47 tháng và đã làm hơn 11.500 người ở Sarajevo thiệt mạng trong đó có một phần không nhỏ là do chết đói. Khó mà tin được điều này lại xảy ra ngay giữa lòng châu Âu chỉ trong 24 năm trước.

Khủng hoảng lương thực tại Venezuella: một người dân mua được phần lương thực ít ỏi sau khi phải xếp hàng dài chờ đợi

Tại Việt Nam, có lẽ nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 vẫn còn nỗi ám ảnh với nhiều người. Và ngày nay thế hệ trẻ đôi khi vẫn còn được nghe kể lại trong sự khiếp đảm của những người đã sống sót được qua nạn đói khủng khiếp đó.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 được coi là một thảm họa nhân đạo xảy ra tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945 làm khoảng hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc chết đói, chiếm khoảng 1/10 dân số cả nước khi ấy. Công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo và GS Furuta Moto (người Nhật) đã chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên. Theo số liệu từ Wikipedia, nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có >1.000 người thì chết đói mất 956 người. Thôn Thạch Lỗi (nay là thôn Quang Minh), xã Thạch Lỗi, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc TP. Hà Nội) gần như cả thôn đều chết đói (trừ trẻ em). Chỉ trong 5 tháng, số người chết đói toàn tỉnh lên đến 280.000 người, chiếm 25% dân số Thái Bình khi đó.
Không chỉ làm số lượng lớn người chết đói, nạn đói còn khiến hàng trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương, ly tán khắp nơi, nhiều người không còn quay về quê quán. Nhiều gia đình, dòng họ bị tan vỡ sau nạn đói này, không thể tìm lại được người thân thích. Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945 đã mô tả rõ nét tình cảnh này.

Ấn phẩm về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Hiện nay, mặc dù đời sống đang phát triển vượt bậc nhưng nguy cơ về nạn đói vẫn luôn tiềm tàng; nguyên nhân chủ yếu đến từ bệnh dịch, chiến tranh và đặc biệt là nền chính trị yếu kém.

Cuộc phản đối nhiên liệu bùng nổ ở nước Anh hồi năm 2000, khi mà nông dân và tài xế chở hàng phong tỏa các nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu, đã khiến cho các siêu thị phải hạn chế lượng thực phẩm khách hàng được mua trong lúc họ chật vật chờ đợi giao hàng để lấp đầy các kệ hàng.
Giá gạo tăng cao khiến người dân Philippines và các nước châu Á khác đổ xô đi mua trong hỗn loạn hồi năm 2008, gây nên cuộc khủng hoảng cung ứng cho loại lương thực chủ chốt này.
Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro vốn đẩy nền kinh tế Hy Lạp đến bờ vực sụp đổ năm 2015 cũng khiến đất nước khốn khổ này bị thiếu hụt thực phẩm.
Thời tiết xấu ở châu Âu hồi năm 2017 đã chứng kiến giá nhiều loại rau củ tăng lên trong khi tình trạng thiếu hụt bơ trên toàn cầu xảy ra sau khi một số nước bị mất mùa.
Ở Venezuela, một quốc gia được trời phú nhiều dầu mỏ, khủng hoảng chính trị năm 2018 do lạm phát đã dẫn đến thiếu hụt thực phẩm và thuốc men, buộc các gia đình phải ăn thịt thối rữa để lần hồi qua ngày, và khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.

Tại những nơi bùng phát dịch, người dân có xu hướng tích trữ lương thực, một mặt nhằm hạn chế ra đường để phòng tránh lây nhiễm, một mặt đề phòng việc địa phương bị đóng cửa, phong tỏa để xử lý dịch bệnh.

kệ hàng thực phẩm bị vét sạch tại một siêu thị ở Milan Italy vì lo sợ dịch cúm Corona Vũ Hán

Ngay từ đầu tháng 02/2020, thời điểm ngay sau tết nguyên đán Canh Tý, tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu cải thiện, nhiều người dân Hà Nội đã tích trữ một số đồ đông lạnh, thực phẩm khô, rau củ quả cho cả tuần. Đặc biệt, tại một số cửa hàng, siêu thị, các mặt hàng như thịt hộp và mỳ tôm trở nên chạy hàng hơn ngày thường do người dân mua về dự trữ trong cơn bão dịch.
Kể từ khi có ca tử vong đầu tiên vào ngày 20/02 và các ca nhiễm virus corona tại Hàn Quốc liên tục tăng đặc biệt là tại thành phố Daegu, người dân đổ xô đến siêu thị mua đồ ăn tích trữ. Các siêu thị địa phương liên tục trong tình trạng cháy hàng. Các kệ hàng mì gói, thực phẩm đông lạnh gần như trống trơn. Người dân coi đây như là một cuộc chiến sinh tồn chống lại coronavirus.
Trong một diễn biến tương tự, việc virus corona nhanh chóng lây lan xuống miền nam Italy khiến người dân địa phương các vùng này trở nên hoảng loạn, vội vàng mua mặt nạ, nước rửa tay sát khuẩn và thực phẩm. Hình ảnh các kệ thức ăn trống rỗng không còn trở nên hiếm thấy tại các siêu thị ở nơi có dịch.

Hậu quả của việc bị đói là gì? Bị đói lâu ngày tác động đến chúng ta như thế nào? Do vấn đề đạo đức nên việc làm thí nghiệm về điều này là không được chấp nhận, cho nên các nhà khoa học phải dựa vào trải nghiệm của những người đã sống sót qua nạn đói.

Cấu tạo cơ thể người gồm 60% là nước, 18% là protein, 16% là mỡ và 6% còn lại là chất khoáng.

Một nghiên cứu của Đại học Westminster về tác động của việc thiếu đói ở một người đàn ông không ăn uống gì trong 50 ngày kết luận: Trong ngắn hạn, bạn sẽ bị sụt cân khi bạn chuyển hóa lượng mỡ thừa và phần mô cơ.
Tuy nhiên, sau đó, bản thân các cơ quan cũng bắt đầu bị hao mòn, trừ não bộ vốn có vẻ như đã thích nghi để tự bảo vệ trước sự thiếu đói. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: các chứng bệnh gan và thận sẽ phát sinh; khả năng điều tiết huyết áp cũng bị suy yếu, và điều đó có nghĩa là người thiếu đói có thể dễ dàng bất tỉnh.
Khả năng sống sót khi không được ăn tùy thuộc vào cân nặng cơ thể người, lượng calories tích lũy trong mỡ và những vấn đề sức khỏe khác mà họ mắc phải. Nhưng nhìn chung, đa số các nạn nhân đều chết nếu cân nặng của họ sụt xuống chỉ còn phân nửa chỉ số khối lượng cơ thể bình thường – điều thường xảy ra sau khoảng 45 cho đến 61 ngày không ăn. Và đối với những người sống sót, họ sẽ chịu những tác động, di chứng về sức khỏe trong thời gian dài sau đó.

Vậy người dân cần làm gì khi nạn đói xảy ra? Covid-19 một lần nữa đã chứng minh một thực tế là tuy nền y học phát triển vượt bậc, nhưng lại không đuổi kịp sự tăng trưởng và biến đổi của bệnh tật. Do đó, nhiều người đã chọn quay lại cuộc sống thuận tự nhiên, tự cung tự cấp. Và đây cũng là một biện pháp hữu hiệu nếu nạn đói hoành hành.

Trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến khi người dân Anh tìm cách kiếm cái gì bỏ bụng thì nhiều công viên hoàng gia nổi tiếng ở London đã biến thành vườn và ruộng trồng rau để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Bất cứ ai có mảnh đất nào đều biến nó thành vườn rau.
Tại Sarajevo vào thời điểm bị bao vây, những người ở ngoại ô có vườn tược đã trồng rau để chia sẻ cho nhau và cho hàng xóm hạt giống trồng rau trong những chậu hoa ngoài ban công hay vườn hoa công cộng, nói chung là bất cứ chỗ nào có thể trồng được.
Gần đây hơn, mối đe dọa khan hiếm thực phẩm đã buộc một số người phải cân nhắc những sự nghiệp truyền thống hơn. Sau khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp cùng với sự khan hiếm thực phẩm, các hồ sơ xin học vào những trường dạy trồng trọt tăng vọt.
Lối sống quay về thiên nhiên, tự cung tự cấp luôn là giải pháp thiết thực nhất khi nạn đói hoành hành. Không khó xây dựng cho mình một mô hình vườn rau sạch tại nhà ngay trong căn hộ chung cư hay nhà ống tại các thành phố với những chậu trồng rau, vườn dây leo hay giàn trồng rau thông mình trên ban công hay tầng thượng. Hãy tìm cho mình một mô hình vườn rau sạch tại nhà phù hợp vừa cung cấp rau dùng cho gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên trong nhà và đặc biệt tăng tính chủ động lương thực khi những tình huống xấu nhất xảy ra nhất là tại Việt Nam khi mọi thông tin đều bị kiểm soát, người dân chưa được tiếp cận những số liệu chính xác trong tình hình dịch bệnh căng thẳng này.

Thảo Nguyên từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)