Tập Cận Bình: Sẽ lập các trung tâm nghiên cứu để diệt virus corona
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết một loạt các trung tâm nghiên cứu lâm sàng quốc gia sẽ được thành lập để giúp ngăn chặn sự bùng phát của virus corona, Reuters dẫn lại nguồn tin từ truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 2/3. Ông Tập nói thêm rằng an ninh sinh học là một phần quan trọng của an ninh quốc gia, và Trung Quốc nên thiết lập nguồn dự trữ quốc gia về vắc-xin để chuẩn bị cho công tác phòng ngừa.
Phát biểu trong chuyến thăm một số viện y học ở Bắc Kinh, ông Tập nói rằng cần phải có những nỗ lực lớn để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và Trung Quốc phải cung cấp hỗ trợ công nghệ cho chiến dịch đó.
Ông Tập nhấn mạnh rằng việc làm mọi điều có thể để cứu sống nhiều bệnh nhân hơn vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng việc nghiên cứu và phát triển thiết bị y tế, dược phẩm và điều trị lâm sàng phải được tăng cường để cải thiện hiệu quả về tỷ lệ chữa khỏi bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.
Chủng virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái. Từ đó đến nay, virus đã lây nhiễm hơn 86.500 người, phần lớn là ở Trung Quốc và chủ yếu là ở Hồ Bắc. Tổng số ca nhiễm xác nhận trên toàn Trung Quốc là hơn 80.000 người, với số người chết là gần 3.000.
“Trung Quốc cần phải nỗ lực để vượt qua các nút thắt cổ chai của việc phát triển bộ máy kỹ thuật và phát triển độc lập các thiết bị y tế cao cấp”, Reuters dẫn lời ông Tập nói.
“Đất nước sẽ kết hợp việc sử dụng các loại thuốc của phương Tây và dược phẩm truyền thống của Trung Quốc trong trận chiến này”, ông Tập nói thêm.
Ông Tập cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ phát triển vắc-xin, thuốc và thuốc xét nghiệm để chống lại virus corona càng sớm càng tốt.
Theo ông Tập, Trung Quốc sẽ có được công nghệ cốt lõi với quyền sở hữu trí tuệ độc lập trong việc đưa ra các sản phẩm và ứng dụng để bảo vệ sức khỏe và mạng sống của con người trong cuộc chiến chống virus corona.
Ông Tập nói ông rất coi trọng sức khỏe tinh thần, đối với những bệnh nhân đã hồi phục, những người đã mất người thân và những người phải xa cách gia đình trong một thời gian dài.
Virus được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán đã khiến Trung Quốc phải ra lệnh cấm buôn bán trái phép và săn trộm động vật hoang dã.
“Chúng ta phải quyết tâm chấm dứt thói quen xấu là ăn động vật hoang dã và cổ xúy lối sống văn minh, lành mạnh, xanh và thân thiện với môi trường”, Reuters dẫn lời ông Tập nói thêm.
Ông Tập Cận Bình từng nói, ông luôn đích thân chỉ huy, đích thân bố trí công tác ngừa dịch của Trung Quốc.
Tuy nhiên đến hiện tại, ông vẫn chưa hề đích thân đến Vũ Hán – nơi bắt nguồn dịch bệnh và cũng là nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất để thị sát, việc này cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Theo bản tin công khai, đây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình rời Trung Nam Hải đi khảo sát kể từ khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát. Nhưng cả hai lần khảo sát của ông đều là ở Bắc Kinh, chưa đi đến các tỉnh thành khác.
Từ sau ngày 20/1, lần đầu tiên ông Tập chính thức phát “chỉ thị” về phòng và kiểm soát dịch, và hạ lệnh Vũ Hán phong tỏa thành phố ngày 23/1; đến ngày 25/1, ông Tập Cận Bình triệu tập Hội nghị Thường ủy “chống dịch” đầu tiên, tại hội nghị này, ông Tập đã có hành động hiếm thấy là để ông Lý Khắc Cường đảm nhậm chức Trưởng Tiểu ban ứng phó dịch bệnh.
Trong thời đại Tập Cận Bình, Trưởng Tiểu ban dường như là cách mà ông kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực khác nhau, ông cũng kiêm nhiệm đến mười mấy chức trưởng tiểu ban.
Tuy nhiên, chức Trưởng Tiểu ban phòng chống dịch này, ông lại để cho ông Lý Khắc Cường gánh vác.
Sau hai ngày, ông Lý Khắc Cường xuất hiện tại khu vực dịch bệnh nghiêm trọng – Vũ Hán, còn ông Tập Cận Bình lại lựa chọn ở sau màn chỉ huy. Do đó cũng khiến ngoại giới có nhiều nghi vấn.
Ngày 28/1, ông Tập Cận Bình tiếp đón Tổng Giám đốc WHO tại Bắc Kinh, ông Tập nói “tôi vẫn luôn đích thân chỉ huy, đích thân bố trí” công tác phòng và kiểm soát dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’.
Ngày 10/2, Bắc Kinh chính thức “phong tỏa thành phố”, thời điểm đó, dịch bệnh tại Bắc Kinh bắt đầu trở lên nghiêm trọng, đe dọa đến Trung Nam Hải.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trích dẫn phân tích của học giả Bắc Kinh cho rằng ông Tập Cận Bình không đi Vũ Hán, đầu tiên là sợ lây nhiễm, thứ hai là lo lắng tái diễn sự kiện “Bách vạn hùng sư” dẫn đến Mao Trạch Đông phải hốt hoảng chạy thoát trong thời Cách mạng Văn hóa.
Ngày 10/2, dưới sự tháp tùng của Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ và Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh, ông Tập Cận Bình đã đến một số khu dân cư và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật để thị sát tình hình công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh; ông Tập còn nói chuyện video với nhân viên công tác ở tuyến đầu đang phòng ngừa dịch tại Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình trong buổi chiều cùng ngày đã đến tiểu khu An Hoa Lý trên phố An Trinh tại khu (quận) Triều Dương để “khảo sát và chỉ đạo” công tác phòng ngừa dịch.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đi đến khu dân cư kể từ khi Trung Quốc Đại Lục bùng phát dịch COVID-19.
Ông Hồ Bình, Tổng biên tập danh dự của Tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh cũng cho rằng ông Tập Cận Bình không đi đến Vũ Hán là xuất phát từ cân nhắc an toàn. Ngoài sợ lây nhiễm virus, ông còn lo lắng cho an toàn của bản thân, rất nhiều quan chức và người dân Vũ Hán đều bất mãn với ông, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì sẽ rất phiền phức.
Về vấn đề ông Tập Cận Bình không đi Vũ Hán, một bài viết trên tờ The Guardian tại Anh trước đó có trích dẫn phân tích của chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nói rằng, có lẽ là ông Tập cố ý làm như thế.
CT Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực lớn, xây dựng bản thân mình trở thành hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu virus dẫn đến biến động chính trị, thì rủi ro mà ông đối mặt có lẽ sẽ lớn hơn.
Một học giả định cư tại Mỹ đã tổng kết 5 phân tích nguyên nhân có thể về việc ông Tập không đến Vũ Hán trên mạng với VOA:
- (1) Ông Tập Cận Bình có thể bị bệnh, xuất phát từ tính toán cẩn thận, dưới sự kiến nghị của bác sĩ và đội ngũ cố vấn nên đã quyết định không đi Vũ Hán để tránh bị lây nhiễm;
- (2) Thể hiện định lực chiến lược của ông, cũng có thể nói là tính bướng bỉnh thể hiện ra. Cùng với việc tình hình dịch bệnh ngày càng gay go, có lẽ ban đầu ông có dự tính đi Vũ Hán, nhưng phê bình của ngoại giới ngược lại khiến ông cho rằng không thể khuất phục kiểu áp lực này;
- (3) Ông Lý Khắc Cường đã đại diện cho ông đi Vũ Hán rồi, nên có đi nữa cũng là thừa;
- (4) Ông cảm thấy trong thời điểm quan trọng này, cần phải trấn giữ ở Bắc Kinh đích thân bố trí và chỉ huy chiến “dịch” này, nắm và kiểm soát đại cục;
- (5) Ông Tập Cận Bình có thể nghĩ đợi sau khi tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán có chuyển biến tốt rồi mới đi.
Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc sụt giảm với tốc độ kỉ lục vào tháng 2, thậm chí còn tệ hơn lúc diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó nêu bật thiệt hại to lớn mà dịch virus corona gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số Quản lí Sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỉ lục 35,7 trong tháng 2 so với 50,0 trong tháng 1, Cục Thống kê Quốc gia cho biết ngày thứ Bảy, thấp hơn nhiều so với mốc 50 điểm phân cách mức tăng trưởng hàng tháng với giai đoạn sụt giảm.
Chỉ số này cho thấy bức tranh tổng quát chính thức đầu tiên về nền kinh tế Trung Quốc, kể từ khi dịch virus corona bùng phát.
Dữ liệu này báo trước sự gián đoạn kinh tế do virus có thể sẽ kéo dài hết cả quý đầu tiên của năm 2020 vì dịch bệnh đã khiến nhà chức trách ban hành những hạn chế du hành rộng khắp và các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt mà đã làm tê liệt hoạt động kinh tế.
Một chỉ số phụ của hoạt động sản xuất lao dốc xuống mức 27,8 trong tháng 2 từ mức 51.3 trong tháng 1, trong khi chỉ số đơn đặt hàng mới giảm xuống mức 29,3, giảm từ mức 51,4 một tháng trước đó.
Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới mà các nhà sản xuất Trung Quốc nhận được cũng giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm, với Cục Thống kê Quốc gia cảnh báo về áp lực đối với các nhà xuất khẩu từ các lô hàng bị trì hoãn và các đơn đặt hàng bị hủy.
Các nhà phân tích đang cảnh báo sự lây lan của virus corona sang các quốc gia khác sẽ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế sự phục hồi cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Đối mặt với cơn bão giận dữ từ người dân vì những sai lầm của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các chiêu bài tuyên truyền, tìm cách khôi phục hình ảnh của mình trước công luận bằng cách xây dựng hình ảnh “một nhà lãnh đạo của thế giới” trong cuộc chiến chống virus.
Trung quốc và Việt Nam đều là những nước vẫn áp dụng chủ thuyết độc tài Cộng sản, ở đây không có truyền thông và tự do ngôn luận, những tai họa bất ngờ cho người dân hai nước cũng từ đây mà ra và chỉ có sinh mạng của hàng triệu người dân là bị đe dọa.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)