Luật sư vừa tiết lộ: ông Hiểu, ông Chức mang thương tích nhưng còn sống.
Hai luật sư hôm 3/3 cho biết các ông Bùi Viết Hiểu và Lê Đình Chức “vẫn còn sống” và mang trên người một số thương tích, sau khi bị bắt trong vụ công an Việt Nam đột kích vào xã Đồng Tâm, Hà Nội, hồi đầu tháng 1.
Ông Hiểu và ông Chức cùng 20 người khác bị công an bắt hôm 9/1 và bị khởi tố sau đó 4 ngày trong vụ án được nhà chức trách gọi là “đặc biệt nghiêm trọng”. Trong khi đó, giới hoạt động vì tiến bộ xã hội lại xem vụ việc là một “tội ác rất lớn” của nhà cầm quyền ở Hà Nội.
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017, lên đến đỉnh điểm là cuộc đột kích cách đây gần 2 tháng.
Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào các ngôi nhà của ông và con cháu ở xung quanh.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một “giếng trời” trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.
Luật sư Hà Huy Sơn hôm 3/3 cho biết ông Bùi Viết Hiểu, người được xem là nhân vật số 2 sau thủ lĩnh Lê Đình Kình, hiện vẫn còn sống và có một số thương tích.
“Tôi gặp ông Hiểu khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Ông Hiểu nói rằng từ khi tạm giam ông ko bị đánh đập, tra tấn”, luật sư Sơn kể lại.
Ông Hiểu, 77 tuổi, cho hay trong tháng 1 ông trải qua ba cuộc phẫu thuật vì bị thủng tá tràng, đứt đại tràng và vỡ xương bàn chân, hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo, theo lời luật sư Sơn.
Hơn 20 bị can trong đó có ông Hiểu bị khởi tố về các tội danh giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ, luật sư Hà Huy Sơn nói. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chưa rõ nhà chức trách sẽ áp các điều khoản và mức hình phạt cụ thể thế nào đối với các bị can, theo lời luật sư.
Khi được hỏi liệu các thương tích này là do đạn bắn hay nguyên nhân nào khác, luật sư trả lời rằng ông chưa thể cung cấp thông tin bởi vụ việc vẫn trong giai đoạn điều tra. Ông Sơn nói thêm ông được con gái ông Hiểu “mời” bào chữa cho bị can này.
Về hai bị can khác là các con trai ông Lê Đình Kình, luật sư Lê Văn Hòa trong cùng ngày 3/3 thông báo với gia đình của họ rằng ông Chức “vẫn sống chứ không chết như tin đồn”, và ông Công không có vấn đề gì bất thường về thể chất và sự minh mẫn.
Viết trên Facebook cá nhân, luật sư Hòa cho biết ông cũng đã dự cung cùng công an Hà Nội với hai bị can kể trên và gia đình họ có thể “yên tâm”.
Tuy nhiên, ông Hòa cho hay ông Chức bị “vỡ đầu” trong vụ đột kích rạng sáng 9/1 và vết thương này gây hiện tượng “có lúc nhớ lúc quên” và nửa người bên trái “vẫn bị liệt”. Mặc dù vậy, ông Chức nói rằng tình trạng liệt nửa người “có dấu hiệu đỡ hơn”, luật sư Hòa thuật lại trên trang cá nhân.
Trong khi đó, ông Lê Đình Công đi lại và có trí nhớ “bình thường”, ngoài ra, các vết thâm trên mặt có thể thấy trong video “thú tội” được đài VTV chiều hồi tháng trước “nay không còn nữa”, luật sư cho biết.
Gần đây, Facebooker Trịnh Bá Phương, người đã đưa tin tức và hình ảnh trực tiếp khi Đồng Tâm bị lực lượng vũ trang của chính quyền tấn công, liên tục bị chính quyền ‘mời lên phường’.
Ông Phương nói phường Dương Nội, gửi giấy mời để “làm việc liên quan đến tài khoản Facebook” của ông; mà thành phần tham gia gồm hầu hết các ban bệ của phường Dương Nội.
“Tuy nhiên, tôi đã từ chối không lên làm việc; bởi tôi rút kinh nghiệm từ một lần trước đây, tôi cũng từng bị mời lên đồn Công an. Ở đó, có rất đông, từ chủ tịch phường và công an viên, họ đứng xung quanh đấu tố tôi. Họ đã dùng những ngôn từ xúc phạm, lăng mạ, lôi cả bố mẹ, gia đình tôi ra sỉ nhục… Nói chung, họ gây áp lực tinh thần rất lớn lên tôi. Bởi vậy, tôi lo rằng, họ có thể quay phim rồi cắt xén video, sau đó đưa lên truyền hình để vu cáo tôi“.
Sau đó, cũng theo lời ông Phương, bốn nhân viên an ninh đã trực tiếp đến mời ông lên làm việc. Ông Phương trả lời rằng, ông không có thời gian và nếu chính quyền thấy ông có vi phạm gì, thì hãy đưa giấy triệu tập, trong đó nói rõ là ông vi phạm điều gì cũng như căn cứ pháp lý nào để triệu tập ông.
“Cũng liên quan đến tài khoản Facebook cá nhân thì năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội từng triệu tập tôi mấy lần, nhưng tôi không lên. Lần này, sau vụ việc ở Đồng Tâm ngày 9/1, phía Công an liên tục gia tăng sự đe dọa, sách nhiễu, vu khống và quy chụp cho tôi.”, ông Phương nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động xã hội khác, là người điều hành Quỹ 50K chuyên giúp đỡ các tù nhân lương tâm và thân nhân của họ tại Việt Nam, cũng bị nêu tên trên truyền thông, sau khi tài khoản ngân hàng của bà quyên tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình bị phong tỏa.
Ngày 19/2/2020, kênh ANTV (tức kênh Truyền hình Công an nhân dân mà cơ quan chủ quản chính là Cục Truyền thông, Bộ Công an Việt Nam) cũng đưa lên trang web của kênh này video mang tựa đề “Bản chất của “quỹ 50K“.
Quỹ 50K được bà Hạnh thành lập vào ngày 30/4/2018, với mục đích ban đầu kêu gọi mọi người trong cộng đồng đóng góp, dù chỉ 50 ngàn đồng, vào quỹ để chi trả lệ phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội.
Sau đó, quỹ này được tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và thân nhân họ.
Tuy nhiên, trong bài viết nêu trên, ANTV cáo buộc rằng, “‘Quỹ 50k’ do Nguyễn Thúy Hạnh điều hành, một trong những kẻ tự phong là “nhà đấu tranh dân chủ” phát động với mục đích tài trợ cho các đối tượng hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước đã bị bắt, xử lý“.
Tiếp đó, ngày 21/2, ANTV lại đăng video “Thủ đoạn quyên tiền, kích động gây rối tại Đồng Tâm”, trong đó khẳng định, “sau khi xảy ra vụ việc phức tạp tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, các đối tượng phản động đã triệt để lợi dụng tuyên truyền, kích động, gây quỹ kêu gọi ủng hộ Lê Đình Kình dưới danh nghĩa tiền phúng điếu… 528 triệu đồng, là số tiền mà Nguyễn Thúy Hạnh đã kêu gọi được sau 3 ngày phát động từ các cá nhân trong và ngoài nước.
Hôm 3/3, bà Hạnh nói rằng, từ khi đưa Quỹ 50K vào hoạt động, bà đã bị nhiều sách nhiễu, thậm chí uy hiếp từ chính quyền, bởi chính quyền chỉ muốn đánh sập quỹ này. Tuy nhiên, gần đây, sau sự kiện Đồng Tâm, sau khi bị mời lên đồn Công an, bà liên tục bị bêu tên trên truyền thông nhà nước và công an cũng đến canh cửa nhà bà.
“Họ cho một nhóm công an, hôm 4 người, có hôm 5,6 người, gần như giam lỏng tôi ở trong nhà suốt một thời gian và không cho tôi đi đâu. Rồi họ đưa tôi lên truyền hình, xuyên tạc về tôi. Nhưng tôi không ngạc nhiên bởi tôi nghĩ là họ đang rất cay cú với tôi“, bà Hạnh kể.
Nói về những quy kết trên báo chí cũng như ANTV về việc huy động tiền phúng điếu cụ Kình, cũng như quỹ 50k, bà Hạnh nhấn mạnh:
“Tôi chỉ đi quyên góp những đồng tiền lẻ, từ những người lao động bình thường, những người lao động chân chính để giúp những người tù. Mà những người này đã đi tù rồi thì còn khủng bố được ai. Tôi kê khai minh bạch từng đồng, tên người gửi, tên người nhận, và tất cả đều công khai, minh bạch. Nên tôi không biết tài trợ khủng bố hay kích động ở chỗ nào“.
Ông Phương nói rằng, bất chấp những đe dọa hay sách nhiễu, ông không sợ:
“Từ trước đến nay, tôi đã bị đưa vào đồn công an khoảng 20 lần. Hầu hết những lần đó, công an đều đe dọa tôi, thậm chí nhiều lần còn đánh đập tôi. Lần này, khi nhận được giấy triệu tập hay những đe dọa, tôi không thấy sợ. Tôi biết rằng, việc đưa tin vụ việc tại Đồng Tâm, hay trước đó ở Dương Nội, có thể sẽ khiến chính quyền không hài lòng và xem những việc làm đó như những hành vi đe dọa đến an nguy của chế độ“.
Anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động trẻ nói: “Trong tâm lý của tôi, tôi đã chuẩn bị tất cả mọi tình huống, kể cả bị bắt. Khi họ bắt tôi, điều đó có nghĩa là chính quyền đang lo sợ với tiếng nói của người dân. Và tôi sẽ hành động đến cùng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, và lên tiếng về những bất công, tội ác với dư luận trong nước, quốc tế“.
Còn bà Nguyễn Thúy Hạnh thì nhớ lại bước chuyển, từ một người trước đây mà bà tự nhận là “yêu đảng“, trở thành một nhà hoạt động xã hội và thành cái gai trong con mắt chính quyền:
“Năm 2007, tôi là một trong những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Hồi đấy, tôi vẫn còn ‘yêu đảng’ lắm, có thể nói là tôn thờ đảng. Đến năm 2011, tôi cũng xuống đường và tham gia hầu hết các cuộc biểu tình ở Hà Nội. Những ngày đấy, tôi xác định xuống đường là để chống Trung Quốc chứ không phải chống đảng. Nhưng khi tôi bị bắt, tôi đã rất ngạc nhiên, rằng tại sao mình phản đối Trung Quốc mà bị bắt. Vậy là tôi lên mạng tìm hiểu dần. Mới đầu, tôi cũng choáng, cũng bị mất thăng bằng lắm. Nhưng khi biết rồi thì tôi không thể không tham gia“.
“Từ khi bước chân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, đến khi lập quỹ 50k và cho đến giờ, tôi luôn tự xác định là sẽ có ngày tôi bị bắt, sẽ giống như những người tù mà hiện nay tôi đang cố gắng để giúp đỡ. Bởi vậy, cho dù họ dồn dập khủng bố tinh thần tôi, nhưng tôi vẫn thấy bình thường, vì mình đã xác định trước rồi“.
“Giả như nếu phải làm lại, tôi vẫn theo con đường mà tôi đang đi“, bà Hạnh nhấn mạnh.
Với tội ác Đồng Tâm, nhà cầm quyền đã tự tay giáng đòn trí mạng vào đúng tử huyệt của chế độ cộng sản man rợ ở Hà Nội.
Điều đặc biệt nghiêm trọng, là ngay cả người đảng viên già, lão thành cách mạng với 58 năm tuổi đảng, 84 năm tuổi đời đã bị chính những người đồng chí của mình hạ sát ngay tại nhà bằng 4 viên đạn oan nghiệt.
Đảng đã đối xử với nhau như vậy, thì với dân – sự tàn ác chắc chắn sẽ nhân thêm bội phần.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)