Người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn, mặn năm 2020 cho biết, hạn mặn năm nay khốc liệt chưa từng thấy, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng, hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt.
Bến Tre, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do hạn mặn năm nay khi theo thống kê của UBND tỉnh, xâm nhập mặn mùa khô 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 3 ngàn hecta diện tích lúa 3 vụ. Ngoài ra hơn 20 ngàn hecta cây ăn trái cũng bị chết khô, không thu hoạch được gì.
Một người dân tên B tại Bến Tre cho biết đợt hạn hán, mặn xâm nhập năm nay nặng hơn năm 2016. Ông B tiếp lời:
“Năm 2016 coi vậy chứ còn vớt vát được”.
Cũng theo người dân Bến Tre cho biết, độ mặn trên kênh Rạch Bự đo sáng 23/2 là 2.4, còn trên kênh nhỏ hơn là 1,85. Nghĩa là so với đỉnh hạn mặn lịch sử xảy ra vào năm 2016 thì năm nay có thể vượt hơn.
Tính đến giữa tháng 2/2020, độ mặn 2,50/00 đã xâm nhập đến các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng của Huyện Chợ Lách, nghĩa là gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn bủa vây. Cường độ mặn theo nhận xét của Trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre cho biết thì năm nay cao hơn năm 2016 và độ xâm nhập cũng sâu hơn.
Thực tế được ghi nhận tại Bến Tre đúng như những thống kê của tỉnh khi người dân cho biết, đợt hạn năm 2016 có chỗ còn gieo mạ được, có chỗ không.
Nhưng hạn mặn năm 2020 này là không có nơi nào gieo mạ được, người dân “chịu thua” với hạn hán và xâm nhập mặn.
Người dân tại đây đã phải tìm kế khác để sinh nhai trong những ngày ruộng đồng phải bỏ trơ vì hạn mặn xâm nhập, hết phương cứu nổi.
Con mương nhỏ xíu nằm bên cạnh cánh đồng đang bỏ hoang vì hạn mặn thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tưởng chừng khô cạn nước sẽ không còn được khai thác thêm nữa, nhưng cũng nhờ con mương nhỏ này, 1 vài người dân địa phương vẫn mót được đôi ba con cá, lót bụng qua ngày.
Người dân cho biết do không còn cách nào cứu lúa nên phải chuyển sang nghề tát mương, bắt cá, chờ qua hạn, mặn.
Trong bối cảnh bi đát này, không ít người đã lo thất nghiệp.
Một người nông dân nói rằng, nếu không hết hạn hán và xâm nhập mặn thì phải đi làm nghề khác, thậm chí là làm khuân vác.
Ông nói : « Vác lúa vác gạo đồ đó. Mần cái này không được mình mần cái khác. Nói chung đi làm ngày được hai trăm mấy ba trăm cũng có. Tùy theo, vác ít thì ăn ít. Vác nhiều thì ăn nhiều. Có khi bữa uống cà phê thuốc men cũng hết. Nhằm bữa nó về nhiều thì cũng có nhiều. »
Tại xã Phú quý, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh về cây sầu riêng, đợt mặn năm nay ập đến nhanh và sớm khiến người dân trở tay không kịp. Theo thống kê của huyện, khoảng 80% số cây trong vùng đang trồng đều bị cháy lá vì thiếu nước ngọt.
Một người dân ở xã Phú Quý chia sẻ khó khăn: Hiện không còn nước để tưới cây. Chính quyền không cho sử dụng nước máy luôn. Vườn sầu riêng năm nay coi như thất.
Do nước ngọt khan hiếm trong đợt hạn nên chính quyền địa phương không còn cho phép người dân lấy nước máy để tưới tiêu mà phải tiết kiệm để sử dụng trong sinh hoạt gia đình.
Có người chấp nhận đi mua nước ngọt ở tỉnh khác đem về tưới cứu cây con. Ông Bảy cho biết có nhiều gia đình đầu tư vườn Sầu Riêng nhiều tiền quá nên đành thuê ghe đi mua nước về tưới để gỡ gạt tiền vốn, chứ nếu thả tay luôn thì vụ mùa mất trắng là trắng tay luôn.
Ông giải thích thêm: Tiền nước giờ 10 khối thì tính giá khác, 20 khối thì tính giá khác, 30 khối thì tính giá khác chịu không nổi.
Hầu hết người dân lo lắng vì không còn biện pháp nào nữa. Họ cho biết giờ chỉ còn trông chờ trời mưa. Trong khi bây giờ mới đang giữa mùa khô tức là phải 3 tháng nữa mới hết mùa khô để đến mùa mưa tại đây.
Người dân cho biết sự việc trầm trọng đến mức này, nguyên nhân đáng kể là do chính quyền không thông báo và ngăn chặn cửa cống kịp thời nên bà con trở tay không kịp.
Tại xã Phú Quý huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, người dân ở đây đều tỏ ra ngao ngán vì phía chính quyền không theo sát và thông báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn cho bà con biết cũng như không có biện pháp xử lý nhanh, khiến cho giờ đây tìm hột nước ngọt không ra.
Nhiều người than thở, nếu địa phương đóng cống ngăn mặn sớm hơn, số nước còn trong kênh ngang có thể giúp người dân cầm cự được một thời gian lâu hơn chứ không chết khô như bây giờ.
Ông Bảy ở Cai Lậy nói: Nói đúng ra thì chính quyền địa phương đây không hỗ trợ gì được hết trơn. Lúc nước mặn vô ruộng rồi mấy ổng (chính quyền địa phương) mới đóng cống. Vô rồi mấy ổng mới bí. Bởi giờ nông dân đâu có tưới gì được.
Tại thời điểm phóng viên của Đài Á Châu tự do đến Tiền Giang để khảo sát tình hình ngập mặn thì cũng đúng lúc địa phương ở đây mới đang cho thi công các cống ngăn mặn với ngổng ngang cọc sắt, đất, đá…để xung quanh.
Đúng như người dân ở đây cho biết, cách xử lý của chính quyền địa phương quá chậm trễ khiến bà con nhìn ruộng lúa, vườn cây ăn trái của mình chết khô, chết khát mỗi ngày mà đau lòng.
Tình trạng hạn, mặn nghiêm trọng trên vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa cảnh báo từ ngày 7 đến 15/3, tại ĐBSCL tiếp tục xảy ra một đợt xâm nhập mặn theo triều cường và đợt này được dự đoán ở mức cao nhất từ đầu mùa khô.
Cuối tháng 3, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao. Cũng trong công bố này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết giải pháp giảm thiếu xâm nhập mặn trong tháng 3 tại ĐBSCL vẫn chỉ là yêu cầu các tỉnh, thành phố vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép và tích trữ nước ngọt.
Bộ còn nhận định đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.
Để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra, tác động tới các khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, Liên minh châu Âu đã cung cấp 60.000 EUR (tương đương khoảng 1,5 tỉ đồng) viện trợ nhân đạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Khoản viện trợ này sẽ giúp đỡ trực tiếp cho 24.000 người tại những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực.
Số tiền viện trợ sẽ giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) trong việc cung cấp nước uống an toàn, tăng cường các hoạt động cải thiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe dành cho các hộ gia đình đã chịu những ảnh hưởng lớn do thiếu nước sạch. Các chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh sẽ được tiến hành nhằm làm giảm những rủi ro của các bệnh liên quan tới nguồn nước.
Có thể nói, tình trạng hạn hán, ngập mặn như trên đã là một kịch bản mà các chuyên gia đã dự báo từ lâu khi con sông Mê Kông bị bức tử từng ngày.
Và nhà báo Mạnh Kim còn đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng rằng nếu đập Luang Prabang theo dự kiến sẽ ra đời với sự “đóng góp” đầu tư của chính Việt Nam thì Đồng bằng sông Cửu Long vốn đang rền rĩ câu vọng cổ thoi thóp chắc chắn sẽ trở nên bi thảm hơn.
New York Times (15-2-2020) cho biết, với khoảng hơn 10 con đập trong kế hoạch nằm rải rác hạ lưu Mekong cùng hàng trăm con đập khác tại các phụ lưu, đường sống của 60 triệu người đang bị bóp nghẹn, không chỉ đối với nông dân, ngư phủ mà cả người giàu và những kẻ quyền thế thu lợi từ thủy điện. Sự cạn kiệt phù sa và tình trạng dòng chảy bất thường khiến nông dân dùng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu hơn càng gây nên vô số nguy hại cho môi trường lẫn con người.
Đặc biệt dự án đập Luang Prabang được dự kiến xây trong năm nay sẽ chính thức khai tử cuộc sống của người dân ở miền Tây.
Trong bức thư gửi đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh miền Tây vào tháng 1-2020, chuyên gia đồng bằng sông Cửu Long, ông Ngô Thế Vinh – tác giả quyển Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng – viết: “Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết hạn tiến trình Tham khảo Trước (10-2019 – 4-2020) cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ động thổ khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra vào tháng 4-2020. Đó sẽ là một ngày tang tóc cho toàn thể 20 triệu cư dân 13 tỉnh miền Tây mà vòng khăn tang đó lại do chính Nhà nước Việt Nam tự quấn lên đầu người dân mình”!
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã biến một miền Tây trù phú, « thò tay xuống sông là bắt được cá, với tay lên cành là có trái ăn » thành một nơi mất mùa ; lúa, hoa màu và cây ăn quả không sống được ; cá tôm chết sạch do ngập mặn, các kênh hồ khô đáy thiếu nước ngọt trầm trọng, đẩy người dân vào thảm cảnh khó khăn chồng chất. Đây là một tội ác sẽ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)