Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã khiến gần 1,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 80.000 nghìn người tử vong, việc tập trung tìm kiếm vác-xin là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Một việc làm khác cũng quan trọng không kém là truy xét nguồn gốc của dịch bệnh.
Kênh RFI đã tường thuật lại cuộc nói chuyện của Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm với Đài phát thanh Pháp France Culture.
Trong cuộc phỏng vấn, vị giáo sư nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập để truy xét nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, giống như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.
Theo giáo sư, điểm xuất phát của đại dịch này là một ngôi chợ ở Vũ Hán, tại đó chen chúc đủ loại thú hoang : rắn, dơi, tê tê… nhốt trong những lồng tre. Tại Trung Quốc, những con thú này được mua để ăn Tết Canh Tý. Chúng khá đắt, và đây là món ăn rất được ưa thích.
Tại chợ này, thú hoang bị người bán tóm lấy, làm thịt trong lúc thân mình chúng ướt nhẹp nước tiểu, hàng ngàn con ve và muỗi bu đầy những con vật đáng thương này.
Trong điều kiện như thế, chỉ cần vài con thú bị nhiễm virus là vô số con khác bị lây trong vài ngày. Có thể một người bán bị thương hay đụng vào nước tiểu nhiễm trùng, trước khi quẹt lên mặt. Thế là đã quá đủ để bị nhiễm bệnh.
Điều khiến vị giáo luôn choáng váng là sự thờ ơ trước sự khởi đầu của nạn dịch. Cứ như là xã hội chỉ chú trọng đến đoạn cuối : vác-xin, chữa trị, hồi sức tích cực… Nhưng để cho những tai họa như thế không tái diễn, xác định điểm xuất phát là vô cùng quan trọng. Thế mà người ta vô tình đến không ngờ. Giáo sư khẳng định sự dửng dưng trước việc mua bán động vật hoang dã trên thế giới là thảm kịch. Thị trường này mang lại lợi nhuận cũng như thị trường ma túy.
Đây không phải là lần đầu mà thú vật là nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng dịch tễ.
Lâu nay thú vật vẫn là nguồn gốc của đa số cuộc khủng hoảng dịch tễ : SIDA, cúm gà H5N1, Ebola. Các chứng bệnh này luôn đến từ nguồn dự trữ virus trong súc vật, và hầu như ít ai để ý đến. Tương tự với bệnh sốt xuất huyết.
Bản thân loài dơi mang trên mình khoảng 30 loại virus corona ! Cần phải nghiên cứu kỹ loài vật này. Đương nhiên là không dễ dàng : phải đi vào những hang động, trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, bắt những con rắn độc, tê tê, kiến, xem xét những loại virus chúng đang mang trên mình. Đó là những công việc vô vị, không được các phòng thí nghiệm quan tâm. Các nhà nghiên cứu nói : « Chúng tôi thà làm việc trong phòng thí nghiệm phân tử với trang bị như phi hành gia. Đi vào rừng rậm mang các loài muỗi về thật nguy hiểm ».
Bên cạnh đó, những nạn dịch này sẽ còn tái diễn nhiều lần trong những năm tới, nếu không cấm hẳn việc mua bán động vật hoang dã. Phải coi đó là tội phạm như bán ma túy, phải bỏ tù.
Việc này khiến giáo sư nghĩ đến việc nuôi công nghiệp gà, heo như ở Trung Quốc. Mỗi năm lại có những dịch cúm mới từ gia cầm ; tập trung đại trà những con vật theo kiểu đó là không nghiêm túc. Quốc tế phải tập trung nỗ lực tìm ra nguyên nhân nạn dịch.
Nghiên cứu trên loài vật là một việc làm rất quan trọng mà lịch sử y tế đã chứng minh. Bệnh dịch hạch là một minh chứng cụ thể.
Chuột là kho trữ vi khuẩn dịch hạch. Có những đàn chuột làm lây lan vi khuẩn này, còn bản thân chúng vẫn vô sự tức là đã kháng khuẩn, và cũng có những đàn nhạy cảm hơn.
Chỉ cần một ngày nào đó, vài con chuột loại nhạy cảm gặp chuột kháng khuẩn, bị nhiễm độc và chết. Lúc đó những con rệp sống bằng máu của chuột sẽ quay sang cắn người.
Tại những nơi bệnh dịch hạch còn hoành hành như California, Madagascar, Iran, Trung Quốc, khi thấy hiện tượng hàng trăm con chuột chết là phải can thiệp, vì lúc đó rệp sẽ quay sang loài người, rất nguy hiểm.
May thay, dịch hạch là một chứng bệnh đã thuộc về quá khứ, nay chỉ còn 4.000 hay 5.000 ca trên thế giới, và thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng đó là một ví dụ cho thấy nguyên nhân từ loài vật là cơ bản, cần phải tìm hiểu kỹ và có chính sách dự phòng.
Giáo sư người Pháp cũng nêu lên một vấn đề bất cập trong giới nghiên cứu là: việc nghiên cứu dịch tễ về các loài vật trung chuyển virus chưa xứng với tầm quan trọng của vấn đề, chỉ chiếm khoảng 1% các công trình. Bởi vì những gì khiến các ứng viên giải Nobel mơ ước là khám phá một con virus mới, chứ không phải lần tìm chuỗi lây nhiễm. Thế nhưng những phát hiện quan trọng về bệnh nhiễm như ký sinh trùng sốt rét chẳng hạn, chính là do một người Pháp, bác sĩ quân y Alphonse Laveran, tìm ra trên thực địa ở Tunisie.
Giáo sư Sicard cho rằng cần phải thực hiện ngay các nghiên cứu về con đường lây nhiễm khiến loài dơi chứa chấp virus corona từ hàng triệu năm qua và gieo rắc đi các nơi.
Loài dơi được cho là cũng lây nhiễm sang những con thú khác. Rắn và đặc biệt là rắn độc rất thích ăn xác dơi. Dơi con bị rơi xuống đất là sẽ bị rắn nuốt ngay – giáo sư cũng đặt ra giả thuyết đã từng được đưa ra trước đó là có thể rắn là vật chủ trung gian cho virus.
Hơn nữa trong những hang động có cả những đám mây ve, muỗi, cần phải xem loài côn trùng nào có thể lan truyền virus.
Một giả thuyết khác là khi dơi bay đi ăn đêm, chúng rất thích những cây thuộc họ thu hải đường. Dơi có phản xạ tự nhiên là tiểu tiện khi nuốt thức ăn, như vậy chúng làm nhiễm độc trái cây và cả cầy hương vốn cũng thích những cây thuộc họ thu hải đường giống loài dơi.
Kiến cũng loài dễ bị nhiễm virus từ đó, và đến lượt tê tê – con vật mà thức ăn khoái khẩu nhất của nó là loài kiến – ăn vào cũng bị nhiễm virus.
Đó là cả một chuỗi lây nhiễm cần nghiên cứu. Kho trữ virus nguy hiểm nhất có lẽ là loài rắn, vì chúng thường xuyên ăn thịt dơi vốn chứa sẵn virus corona. Như vậy rắn luôn có chứa virus, vì vậy cần phải kiểm tra. Các nhà nghiên cứu phải đi bắt dơi, và tương tự với loài kiến, cầy hương, tê tê, cố gắng hiểu được chúng dung dưỡng virus trong người như thế nào. Đó là một công việc nhạt nhẽo như lại là chủ yếu.
Chính Trung Quốc cũng là tác nhân thúc đẩy quá trình lây nhiễm khi mà con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc muốn xây dựng có thể trở thành con đường lây nhiễm các loại bệnh trầm trọng.
Những cánh rừng nguyên sinh tại Lào đang bị tàn phá để người Trung Quốc xây dựng các nhà ga và tuyến đường xe lửa. Những chuyến xe này chạy qua rừng rậm mà không có biện pháp bảo hộ y tế nào, có thể trở thành vec-tơ cho các loại bệnh từ ký sinh trùng và virus, đưa chúng đi xuyên qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore. Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc đang ấp ủ rất nhiều khả năng sẽ chuyên chở các loại bệnh trầm trọng đi khắp nơi.
Trên thực địa, con người có xu hướng tiến gần vào các hang động, nơi cư ngụ của loài dơi vì chúng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Người ta cũng lập vườn cây ăn trái rất gần những hang động này, vì cây rừng bị đốn hạ. Cư dân có cảm giác lấn được đất, lập ra các vùng trồng trọt sát bên khu dự trữ virus vô cùng nguy hiểm.
Việc mua bán động vật hoang dã đã bị cấm, thậm chí còn có công ước quốc tế về vấn đề này… nhưng tại Trung Quốc, công ước này không được tôn trọng.
Do vậy, giáo sư cho rằng cần phải thành lập một loại tòa án quốc tế về y tế vì nếu chỉ đòi hỏi từng quốc gia sẽ chẳng thay đổi được gì.
Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch. Những năm trở lại đây, Trung Quốc đóng góp tài chính rất nhiều cho WHO nên đã có một tiếng nói quan trọng tại đây.
Thói quen ‘con gì cũng ăn’ từ 5.000 năm nay của Trung Quốc đã và đang ngày càng đe dọa sức khỏe nhân loại.
Người Trung Quốc thường khoe sẵn sàng ăn « tất cả những gì có bốn chân trừ cái bàn, những gì bơi được trừ tàu thuyền, những gì bay được trừ máy bay ». Những loài động vật hiếm cũng được săn lùng vì tin rằng có dược tính.
Tuy nhiên Christian Walzer, hiệp hội sinh thái Mỹ Wildlife Conservation Society cảnh báo thói quen « con gì cũng xơi tuốt » tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe con người. Theo ông, 70% bệnh lây nhiễm là từ động vật hoang dã, và các ngôi chợ là môi trường lý tưởng của virus để truyền bệnh sang người.
Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm giải thích: Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta.
Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.
Khi mà đề xuất về một tòa án y tế thế giới của Giáo sư Sicard chưa thể được thực hiện ngay thì thế giới cần đồng thuận ngăn chặn những thói quen không lành mạnh hay chiến dịch con đường tơ lụa mang tên Trung Quốc để phòng ngừa những hậu họa tiếp theo. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp 2003 và dịch viêm phổi Vũ Hán hôm nay đã là quá đủ những mất mát cho nhân loại rồi.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có khởi nguồn từ Trung Quốc vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, hàng trăm nghìn , thậm chí có thể lên đến hàng triệu người sẽ mất mạng vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ phải chịu hình phạt, bồi thường thiệt hại lên đến trên 6500 tỷ đô la.
Một nhà nước cộng sản độc tài với người đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình có chịu chấp nhận điều tra độc lập của các tổ chức y tế, quốc tế hay không? vẫn là một câu hỏi lớn.
Nếu không truy ra nguồn gốc thực sự, thì nhân loại sẽ phải tiếp tục chết dưới tay Trung Quốc ngày càng nhiều hơn nữa.
Hoang Lan from Hanoi – Thoibao.de (Translated)