Dư luận Việt Nam hiện không chỉ quan tâm đến con số người nhiễm Cúm Vũ Hán tăng hay giảm, mà cũng đang rất chú ý đến tin tức về hàng loạt cơ quan y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ tham nhũng bằng cách “thổi giá” máy móc phục vụ việc chống dịch.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói với VOA rằng ông không ngạc nhiên về điều này vì tham nhũng là “thuộc tính của chế độ” ở Việt Nam, với thực trạng là các quan chức “không từ bất cứ thứ gì, kể cả dịch bệnh, để kiếm chác”.
Như tin đã đưa, hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam khởi tố và bắt giam viên giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng 6 nghi phạm khác, với cáo buộc rằng nhóm người này “câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị” khi mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động Cúm Vũ Hán, gọi tắt là máy Realtime PCR .
Việc làm của nhóm bị quy là “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” cho nhà nước, theo Bộ Công an.
Dẫn lại thông tin từ cơ quan điều tra, các báo trong nước nói máy Realtime PCR khi nhập về Việt Nam có giá trên dưới 2 tỉ đồng, nhưng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã mua với giá cao gấp 3 lần, là 7 tỉ đồng.
Trong vòng ít ngày sau khi công an bắt nhóm nghi phạm ở Hà Nội, báo chí cho hay một loạt cơ quan y tế ở ít nhất 6 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam, đã mua cùng hệ thống máy với giá từ 5,9 tỉ đến 8,4 tỉ.
Lộ diện thêm một loạt “gói thầu Covid-19“
Không chỉ có máy xét nghiệm Cúm Vũ Hán (Realtime PCR) , vừa qua mỗi tỉnh, thành phố đã chi từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để mua sắm vật tư, hoá chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đa số các gói thầu này được chỉ định thầu và công ty trúng thầu nay đều nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan thanh, kiểm tra và công an. Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông, do bác sĩ Nguyễn Xuân Thành làm tổng giám đốc. Trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, một nhân viên công ty này đã bị bắt.
Theo hồ sơ từ hệ thống đấu thầu quốc gia, ngày 23.4, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông còn trúng gói thầu số 3: “Mua sắm máy chụp X-quang di động kỹ thuật số” của Sở Y tế TP.Hải Phòng với giá trị 14 tỉ đồng.
Tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương, ngày 21.4, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông cũng trúng gói “Cung ứng vật tư thận nhân tạo phục vụ công tác chuyên môn” gần 1 tỉ đồng và gói “Mua lô vật tư tiêu hao phục vụ công tác chuyên môn” hơn 600 triệu đồng. Trong khoảng thời gian ngắn, công ty này thậm chí đã tham gia 30 gói thầu và trúng 26 gói.
Còn Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do ông Ngô Bá Bình làm giám đốc, trúng gói thầu “Mua vật tư, hoá chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm Labo tỉnh phục vụ phòng dịch Cúm Vũ Hán của CDC Lào Cai” ngày 14.4, giá trị hơn 1 tỉ đồng.
Tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, công ty này trúng gói “Mua sinh phẩm, vật tư, hoá chất xét nghiệm SARS-CoV2 và một số tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp cấp tính” hơn 3,7 tỉ đồng.
Tại Ninh Bình, Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với mức giá trúng khoảng 7,8 tỉ đồng. Công ty này đã từng liên danh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 gói.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo kỳ cựu Quốc Phong, từng là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, gọi vụ gian lận và nâng giá máy xét nghiệm là “ăn bẩn tàn bạo” và đáng “căm phẫn”.
Trong các diễn đàn trên mạng như Góc nhìn Báo chí – Công dân, xuất hiện một số cuộc thảo luận về đề tài này với nhiều lời lẽ phẫn nộ lên án “đám cán bộ tham nhũng lợi dụng dịch bệnh để ‘ăn’ tiền ngân sách”.
Facebooker Chánh Trung, viết bình luận hài hước rằng:
“Giá máy xét nghiệm: từ 1,5 đến 2,3 tỷ là giá của Kinh tế thị trường. Giá từ 7 tỷ đến 10 tỷ là giá cả của Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Khoảng chênh lệch giá được gọi là: tính ưu việt của chế độ.”
Một bạn đọc bình luận: “Có những cụ già gần đất xa trời ủng hộ tiền tiết kiệm. Có những em bé đập ống heo. Ai ai cũng nhắn tin đóng góp. Không góp tiền thì góp của, góp lòng, có người dân ủng hộ trứng cho những người bảo vệ khu cách ly, trời nắng nóng, đến tay người nhận thì trứng đã nở thành vịt. Thế mà có những kẻ như GĐ CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn nhẫn tâm cướp đoạt cách khốn nạn như vậy.”
Còn đây là bức xúc của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu “ Thật chán nản khi phải đọc những thông tin kiểu này và càng chán hơn khi biết không chỉ có mỗi CDC Hà Nội mua hệ thống xét nghiệm cao hơn giá thị trường. Tiền của dân chúng, uy tín Nhà nước, danh dự quốc gia, liêm sỉ của ngành y… không thể chấp nhận tồn tại những kẻ hút rỉa những tiền đẫm mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình thư thế.”
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng vụ này, cũng như bất cứ vụ tham nhũng nào khác từ trước đến nay, đều có gốc rễ là “cơ chế độc đảng, không bị đối lập và xã hội dân sự giám sát, phản biện”. Ông nói thêm:
“Quan chức toàn quyền làm mọi việc. Cho nên họ thấy cái gì ăn được là họ ăn. Tức là cơ chế của chế độ này tạo điều kiện cho mọi người tham nhũng. Mua sắm bất cứ cái gì cho nhà nước, bỏ tiền nhà nước ra mua thì đều có chuyện nâng giá, kê giá lên hết. Và chuyện mua máy xét nghiệm đều không nằm ngoài cái chung đó”.
Trong khi những người sử dụng mạng xã hội yêu cầu nhà chức trách điều tra các quan chức y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ lợi dụng dịch Cúm Vũ Hán để tham nhũng, báo chí đưa tin rằng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam vẫn tiếp tục đàm phán để giảm thêm giá mua các máy xét nghiệm, dù các máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.
Loạn giá máy xét nghiệm Cúm Vũ Hán: 8 tỷ hay 2 tỷ đồng?
Các báo đưa tin về giá mua máy xét nghiệm Realtime PCR mỗi tỉnh mỗi khác với giá thấp nhất 1.5 tỷ đồng, cá biệt có Hải phòng mua với giá 10 tỷ đồng.
Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng (thuộc Sở Y tế) nhận máy từ ngày 12.3; đến 20.3 trung tâm “đủ điều kiện để vận hành máy“. Thời điểm đó, một số thông tin cho biết hệ thống máy Realtime PCR được Hải Phòng mua với giá 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, khẳng định: “Thông tin mua máy Realtime PCR với giá 10 tỉ là không đúng. Tôi khẳng định là Hải Phòng chưa mua. Hệ thống ở Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng là chúng tôi mượn của doanh nghiệp”.
Ngày 26.4, Giám đốc CDC Lào Cai Nguyễn Văn Sửu khi được hỏi cũng khẳng định CDC Lào Cai chưa mua được máy xét nghiệm Cúm Vũ Hán Realtime PCR và hệ thống máy đơn vị này đang sử dụng là của Doanh nghiệp “cho mượn“.
Khá nhiều tỉnh xuất hiện tình trạng “mua xong mới “đàm phán” giảm giá”
Tại Thái Bình, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp TBYT chống dịch Cúm Vũ Hán của Sở Y tế tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 3 thì số tiền trúng thầu hệ thống máy Realtime PCR tự động là 6,48 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, lại cho biết số tiền mua hệ thống XN chỉ 5,85 tỉ đồng. “Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nơi. Giá trúng thầu cũng được hội đồng thẩm định của tỉnh phê duyệt rất kỹ. Sau đó, đơn vị cung cấp thiết bị đã đồng ý giảm tiền để hưởng ứng việc chung tay chống dịch”.
Sau khi việc mua sắm, trúng thầu hoàn thành với giá 6,48 tỉ đồng, ngày 15.4, Sở Y tế Thái Bình mời đơn vị trúng thầu rà soát, điều chỉnh lại giá thiết bị, từ đó mới có mức giá mới là 5,85 tỉ đồng.
Sở Y tế Quảng Ninh trình UBND tỉnh phê duyệt mua hệ thống máy Realtime PCR tự động với giá 8,4 tỉ đồng. Ngày 1.3, hợp đồng được ký. Đến 23.3, sau cuộc làm việc với C03 (Bộ Công an) ngày 15.3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỉ đồng. Ngày 19.3, Sở Y tế chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21.4, bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền tạm ứng này.
Các thành viên diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân đưa ra nhận định rằng việc doanh nghiệp “cho mượn” hoặc còn tiếp tục đàm phán giảm giá máy xét nghiệm đã được lắp đặt và sử dụng là điều “vô lý”, vì đây là loại hàng giá trị cao và thuộc danh mục “kinh doanh có điều kiện” theo quy định của luật.
Vẫn theo các thành viên diễn đàn, những động thái kể trên dường như là cách đối phó của các cơ quan y tế ở một số tỉnh do lo lắng sau khi công an bắt các nghi phạm tham nhũng ở Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người thường xuyên lên tiếng trên internet để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, việc bắt bớ hồi tuần trước chỉ là một show diễn của chính quyền, không có tác dụng thực tế về chống tham nhũng. Ông nói với VOA:
“Nói chống tham nhũng là nói cho vui và để đẹp mặt chế độ thôi. Số người lộ liễu quá phải chống, phải đánh, phải triệt phá để cho thấy chế độ này không dung dưỡng tham nhũng, nhưng bản chất nó đã tham nhũng rồi. Vừa rồi chỉ là giải quyết cái ngọn để thỏa mãn áp lực của dân chúng. Nay bắt người này, mai bắt người khác chỉ toàn là chuyện làm trên ngọn”.
Ông Chênh, người từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải thưởng Công dân mạng, khẳng định với VOA rằng để chống tham nhũng hiểu quả phải có đảng đối lập và xã hội dân sự mạnh.
Giữa lúc công luận xôn xao và bức xúc về việc nhiều tỉnh mua máy xét nghiệm lên đến khoảng 7 tỉ đồng mỗi máy, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 27/4 rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi là Cường “đô la” đã tặng Sở Y tế tỉnh Gia Lai một máy xét nghiệm cùng loại có giá chỉ 2 tỉ đồng vào ngày 10/4.
Nhưng đó chưa phải là mức giá thấp nhất vì một bản tin của Dân Việt hôm 26/4 dẫn lời ông Đỗ Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh này mua máy xét nghiệm với giá chỉ 1,5 tỉ đồng. Ông Hùng nói rằng mức giá 7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội trả là “quá cao” và “không chấp nhận được”.
Hiện chưa rõ số tiền cụ thể các tỉnh chi để mua máy xét nghiệm là bao nhiêu. Về tổng kinh phí phòng chống dịch Cúm Vũ Hán, báo chí Việt Nam dẫn lời lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trong số tiền đó, một phần dành cho mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Phần còn được dùng để trả phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch, và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này, như chi tiền ăn cho hàng chục ngàn người bị cách ly.
Báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hồi tháng 1 năm nay cho thấy Việt Nam đứng ở vị trí 96 trong bảng xếp hạng gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là đạt chỉ số cao nhất kể từ năm 1997 trở lại đây, nhưng vẫn nằm trong số các quốc gia có nhiều tham nhũng.
Các thông tin cho thấy, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhóm lãnh đạo tại Ba Đình vẫn chỉ là khẩu hiệu, vì thực tế, bất chấp đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang làm tê liệt nền kinh tế đất nước, hàng triệu người dân lâm vào cảnh đói nghèo, thì tệ nạn này vẫn lan tràn và phát triển trong các nhóm đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)