Chiều hôm nay, 8/5, Hội đồng thẩm phán TANDTC không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao và tuyên bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật từ 8/4/2009.
Với kết luận “Mức án là đúng người, đúng tội” được sự đồng thuận 17/17 của tất cả các thành viên, việc Hồ Duy Hải sẽ bị tử hình dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
TS. Vũ Minh Khương từ Singapore đưa ra lời bình luận của mình trên BBC News như sau:
“Có lẽ Hội đồng thẩm phán TANDTC chưa nhận ra là năm 2020 đã khác về chất so với năm 2009. Việt Nam đã ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới mà sự minh bạch, tính chuẩn xác, và tính trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước đã trở thành những nguyên tắc thiêng liêng để qui tụ dân tộc trong chặng đường đi lên phía trước.
Dù đây là việc chỉ liên quan đến một con người nhưng quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt lớn vì nó là thông điệp đến hàng triệu người quan tâm theo dõi với cung bậc xúc cảm rất cao vốn có của người Việt Nam.
Vì vậy, quyết định của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ được cân nhắc rất kỹ.
Để phỏng đoán quyết định của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khi tử tù Hồ Duy Hải có đơn xin ân xá, ta có thể cân nhắc như sau.
Vì không có đủ thông tin, ta giả định 99% Hồ Duy Hải là phạm tội và 1% là oan sai.
Nghĩa là, Hội đồng thẩm phán TANDTC có lý khi đưa ra phán xét của họ nhưng đặt ra bài toán cực khó cho Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.
Nếu ông bác đơn xin ân xá và Hồ Duy Hải đúng là phạm tội thì ông được điểm 10 vì đã làm đúng chức năng của mình một cách quyết đoàn.
Thế nhưng, nếu 10-20 năm sau, người ta tìm ra là Hồ Duy Hải không phạm tội thì ông sẽ bị một tỳ vết mà hàng trăm năm sau mọi người sẽ day dứt không quên. Nếu tình huống này xảy ra, ông sẽ được điểm là – 10.000 (âm 10 nghìn).
Như vậy, về toán học, hiệu quả tổng thể của quyết định “bác ân xá” sẽ là:
99% x 10 điểm + 1% x (-10.000 điểm) = -90,1 điểm
Trong khi đó, nếu ông quyết định ân xá Hồ Duy Hải xuống mức chung thân để tử tù còn sống nếu được minh oan, ta có thể giả định điểm công vụ của ông là 0 nếu Hồ Duy Hải thực sự có tội.
Thế nhưng điểm của ông sẽ là 10,000 nếu 10-20 năm tới Hồ Duy Hải được minh oan.
Do vậy, hiệu quả tổng thể của quyết định “ân xá” là:
99% x 0 điểm + 1% x 10.000 điểm = 100 điểm
So sánh hiệu quả mang lại của hai lựa chọn cho thấy, ta có thể phỏng đoán Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ “ân xá” cho tử tù Hồ Duy Hải và nhắc nhở hệ thống tiếp tục tìm kiếm chứng cớ để có kết luận được dân tâm phục khẩu phục.” TS Vũ Minh Khương từ Singapore đưa ra nhận định.
Một đại biểu Quốc hội chiều 8/5 nói Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam “chưa thuyết phục” được dư luận về phán quyết vụ án Hồ Duy Hải.
Ông Lê Thanh Vân đang là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Viết trên Facebook cá nhân, ông cho rằng:
“Phán quyết chiều nay của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.
Bởi vậy, việc thực hiện một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết.”
Nhà báo Bạch Hoàn thì viết trên Facebook của mình với hơn 200 ngàn người theo dõi, rằng:
“Tôi vừa xem clip em gái Hồ Duy Hải khản tiếng kêu oan cho anh trai mình chiều nay sau khi toà tuyên án. Tất cả những gì còn lại trong tôi là cảm giác tim mình thắt lại. Mạng người mong manh. Công lý xa vời.
Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý.
Khi nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung bị gạt bỏ, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bước qua, thì có thể sẽ còn nhiều người mẹ khác phải khóc, sẽ còn nhiều em gái khác phải kêu gào thảm thiết như hôm nay.
Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà?
Đất nước này, nhìn vào những gì xảy ra hôm nay, thực sự đã tuyệt vọng rồi.” Bạch Hoàn bộc lộ cảm
4/Nhà văn Lê Thiếu Nhơn thì bình luận theo văn phong châm biếm như sau: Phiên tòa giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, về vụ án Hồ Duy Hải kéo dài 12 năm. Sau 3 ngày xem xét và tranh luận, kết quả này có lẽ cũng không khiến ai ngạc nhiên.
Một diễn biến khác, diễn viên Công Lý vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Đây là một trong vài Nghệ sĩ Nhân dân ở lứa tuổi 7X của Việt Nam. Mừng cho nghệ thuật, mừng cho giống nòi, mừng cho tương lai, mừng cho Công Lý.
Công Lý diễn hài giỏi thật. Công Lý xứng danh Nghệ sĩ Nhân dân. Đó là điều không cần bàn cãi thêm.
Muốn có Công Lý siêu hài, rất dễ, chỉ cần kịch bản gây cười. Còn muốn có Bao Công không dễ, vì không chỉ cần minh quân biết trao Thượng Phương bảo kiếm, mà còn cần Triển Chiêu, Công Tôn Sách, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ.
Thôi, đừng nằm mơ đến phủ Khai Phong đánh trống kêu oan nữa, cứ ở nhà mở ti vi lên xem Công Lý diễn hài cho hả hê, cho yên lành.
Bao Công mặt đen xì. Còn Công Lý mặt thường được hóa trang, lúc xanh lúc đỏ, lúc vàng lúc tím, lúc bặm trợn lúc… pê đê.
Bao Công và Công Lý, dĩ nhiên Công Lý hấp dẫn hơn Bao Công.
Hoan hô Công Lý!
Facebook Lão Tà thì viết ngắn, xoáy sâu vào một sự kiện chứng minh tính chất ngoại phạm của Hồ Duy Hải, với tựa đề: CHỈ CẦN MỘT SỰ THẬT NÀY THÔI.
Đây là đoạn trích trong bài “5 câu hỏi chờ lời giải trong vụ án Hồ Duy Hải” đăng trên báo Vnexpress.net trước khi tòa tuyên án chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Tôi nghĩ chỉ cần một sự thật này thôi, đủ bác bỏ hoàn toàn cáo buộc tội Hải giết người.
“AI CÓ MẶT Ở HIỆN TRƯỜNG?
Đây là vấn đề nêu trong phiên làm việc sáng 7/5 để giải mã cho câu hỏi: “Hải có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra án mạng hay người khác?”.
Kết luận điều tra xác định Hải có mặt tại bưu điện lúc 19h30 ngày 31/3/2008. Giải thích cho con số thời gian trên, trước tòa Công an tỉnh Long An cho hay điều tra viên và kiểm sát viên mỗi người đã sử dụng một xe máy và chạy theo đoạn đường như lời khai của Hải, tổng chiều dài 7,5km, đi theo vận tốc 40km/h mất khoảng 15 phút (trên lý thuyết khoảng 11 phút).
Kết hợp với thời gian Hải thực hiện các thao tác trên, cơ quan điều tra tính toán về toán học, và “có cơ sở khoa học vững chắc” khi kết luận khoảng 19h30′ Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi.
Nhưng VKSND Tối cao cho rằng thời gian là không thể, bởi lúc 19h13′ Hải có mặt tại hiệu cầm đồ cách đó khoảng 7,5 km, sau đó đi về nhà dì ruột trả xe máy, tiếp tục qua nhà người dì khác lấy xe khác, chạy đến quán trả tiền cho anh Võ Lộc Đang rồi mới đi đến bưu điện. Tổng thời gian từ hiệu cầm đồ đến khi trả tiền cho anh Đang, Hải phải mất gần 30 phút.
Nghe các bên đối đáp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, căn cứ vào thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó thì thời điểm gây án chưa hợp lý“. (HẾT TRÍCH)
Nhận định về khả năng có mặt của Hồ Duy Hải vào thời gian gây án là cách chứng minh ngoại phạm vô tội cho bị cáo một cách thuyết phục nhất mà hầu hết các Luật sư đều áp dụng, rất tiếc là Hội đồng thẩm phán lại cho rằng những lời chứng quan trọng hơn mặc dù có đầy mâu thuẫn trong những lời chứng ấy.
Luật sư, Tiến sỹ Luật Trần Đình Triển cũng dựa vào các chi tiết về thời gian trong vụ án, đặc biệt là các tình tiết ngay trước thời gian gây án, để đưa ra kết luận rằng “người thanh niên có mặt tại Bưu điện Cầu Voi là người khác chứ không phải Hồ Duy Hải”.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì viết trên VOA Tiếng Việt rằng “Hồ Duy Hải không thể chết oan” với những viện dẫn Pháp lý cao hơn, ông nhận định:
“Căn cứ vào cách thức điều hành phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và các kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa này trong hai ngày qua, tôi chắc ngày mai, 8/5/2020, Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ tuyên “Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải” theo Khoản 1 Điều 388 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Đơn giản là Chánh án Nguyễn Hòa Bình muốn khẳng định ông ta khi là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đúng khi ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm tử hình Hồ Duy Hải và trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải vào năm 2011.
Tuy nhiên Hồ Duy Hải chưa thể chết oan vì còn có “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” quy định tại Chương XXVII Bộ Luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Khoản 3 Điều 404 Bộ Luật Tố tụng hình sự, chỉ cần Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Mà như chúng ta đã biết, hiện nay cả Ủy ban tư pháp của Quốc hội lẫn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều khẳng định không đủ căn cứ khách quan để tử hình Hồ Duy Hải và yêu cầu điều tra lại vụ án.
Tôi tin rằng Hồ Duy Hải cuối cùng sẽ trắng án với điều kiện công luận trong và ngoài nước kiên quyết đấu tranh chống lại án tử hình oan này với các lập luận gỡ tội vững chắc trên cơ sở pháp luật.” Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ kết luận.
Luật sư Lê Quốc Quân cũng đưa ra lời bình luận trên Facebook cá nhân như sau: Cuối cùng thì 17 thẩm phán đồng loạt y án tử hình Hồ Duy Hải. Cứu người thì khó còn đồng lòng để giết một người thì quá dễ. Họ đã đồng lòng làm việc dễ đó một cách thật hèn hạ theo sự chỉ đạo của đảng.
Thế nhưng, việc tự nhận “sai sót về tố tụng” là cú tát dữ dội, là bản lên án đanh thép về sự phản bội công lý của toà án. Chính quyền tiếp tục sử dụng cách thức “dùng mục đích để biện minh cho phương tiện“. Họ nói dù có sai về cách thức, phương pháp nhưng mục đích là trừng phạt thì vẫn phải đạt nên cùng nhau ra quyết định như vậy.
Mỉa mai thay quyết định đó đã nhổ nước bọt lên mặt các thẩm phán, Quyết định đó đã chà đạp lên pháp luật mà những người cộng sản đã làm ra và lương tâm đạo đức mà họ hằng cao rao.
Quả thật, điều 13 BLHS của chính đảng cộng sản làm ra đã khẳng định Nguyên tắc Suy đoán vô tội (ảnh dưới), trong đó ghi rõ ” Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự do luật định thì người tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội“. Ở đây họ thừa nhận có vi phạm và không thể làm “sáng tỏ căn cứ buộc tội” nhưng vẫn y án bị cáo phải bị tử hình.
Xét về lương tâm, tại sao người ta suốt 13 năm kêu oan nếu như đã phạm tội?. Tôi tin vào sự sám hối và tính thiện lương tối cao trong mỗi một con người. Nếu chúng ta đã làm điều sai, sớm muộn từ trong sâu thẳm con người cũng đòi hỏi sự ăn năn và thống hối. Không thể có sự chai lỳ và phản bội về sự căn tính thiện lương trong sâu xa như vậy trong tâm hồn một con người.
Mặt khác, hầu hết những người đã quan tâm đến vụ án, từ những nhà chuyên môn và luật sư hiểu biết cho đến giới bình dân, đều có một sự thắc thỏm như một “cộng nghiệp” nhằm giải thoát một cuộc đời. Sự mách bảo đó phải là một cái gì đó lớn hơn việc chỉ đạo của đảng, mà thực chất có thể chỉ là một vài cá nhân.
Tôi tin rằng Hồ Duy Hải bị oan, mà nếu không oan cũng không thể giết chết bằng một bản án của nhà nước.
Ở Mỹ có rất nhiều tác phẩm điện ảnh, văn học kể về những vụ án người ta biết rõ hung thủ nhưng do không thể chứng minh được theo luật mà cuối cùng cảnh sát hoặc một người yêu chuộng sự thật và công lý phải ra tay tiêu diệt kẻ thủ ác bên ngoài toà án.
Chuyện Bao Công bên Tàu cũng vậy, không thể kết án được thì phải tha, và trời có thể diệt kẻ phạm tội bằng sét đánh. Đó là chuyện riêng của họ với lương tâm và trời đất. Còn nếu như Nhà nước đã bỏ qua cả “trình tự thủ tục luật định” và cả “lương tri tập thể” để “Nhân danh Nhà nước” mà ra một bản án giết người thì quả thực nó đã trở thành một tập đoàn tội ác.
17 thẩm phán ơi, vì miếng cơm manh áo mà không một ai lên tiếng cho lương tâm của mình, cho công lý của nhân quần. Các ông hèn và ác lắm.
Tôi cực lực phản đối quyết định của Toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao ngày hôm nay.”
Luật sư Lê Quốc Quân đưa ra quan điểm riêng của mình.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)